Sunday, November 28, 2010

Một trận đánh 56 năm về trước


Tưởng nhớ những ngày gian nan chiến đấu bảo vệ quê hương, nhiều bạn đồng ngũ của tôi, những người đã từng chiến đấu lâu năm trên chiến trường Cao Nguyên Miền Nam, lập ra mạng pleikuphonui. Họ nhận diện ra tôi cũng đã có lần làm “công dân” Pleiku và yêu cầu tôi viết về một kỷ niệm trên chiến trường Cao Nguyên.
Cô Thu Ðào, nguyên nữ sinh trung học PleiMe, bảo tôi, “Anh chứng kiến trận đánh PleiMe mà sau này trường em học mang tên; viết về trận PleiMe đi anh.”
Dĩ nhiên tôi có chứng kiến trận PleiMe với tư cách một phóng viên chiến trường, và ngày đó tôi đã viết về PleiMe trên Chiến Sĩ Cộng Hòa, tờ báo chính thức của Quân Ðội VNCH, nhưng tôi không muốn viết lại thêm một lần nữa trận đánh mà tôi chỉ chứng kiến. Tôi muốn viết về một trận đánh trên Cao Nguyên mà tôi đã thật sự tham dự:  trận phục kích trên đèo Mang Yang năm 1954, một trận đánh 56 năm về trước.
Trận phục kích trên đèo Mang Yang
Trận phục kích khiếp đảm này xẩy ra vào ngày 24 tháng Sáu 1954, ngày tôi vừa tròn 23 tuổi đời; mang cấp bực trung úy, chỉ huy một đại đội thuộc Tiểu Ðoàn 9 Sơn Cước, tiểu đoàn hoàn toàn Việt Nam đầu tiên trên Ðệ Tứ Quân Khu (lãnh thổ sau này được tái mệnh danh là Quân Khu II).
Anh Bùi Quyền bảo tôi là khóa học của anh tại trường Võ Bị Quốc Gia có giảng dạy về trận Mang Yang.
Có thể nói trận phục kích này là trận giao tranh quyết liệt cuối cùng trên chiến trường Việt Nam, giai đoạn thứ nhất – 1945-1954.
Ðơn vị bị phục kích gồm có Lực Lượng Lưu Ðộng 100 của Pháp và tiểu đoàn khinh quân 520, tiểu đoàn trưởng là thiếu tá Nguyễn Bính Thinh, thường viết văn ký tên An Khê. Tiểu đoàn 9 Sơn Cước, đơn vị tôi phục vụ, giữ trọng trách đoạn hậu và ở lại phòng vệ An Khê. Tiểu đoàn trưởng của chúng tôi là đại úy Nguyễn Văn Phước, sau này làm trưởng phòng Nhì bộ Tổng Tham Mưu và tử nạn trực thăng.
Ðược coi là một đơn vị có thành tích chiến đấu lẫy lừng trên một chiến trường mang tính quốc tế vì sự có mặt của quân đội hầu hết các quốc gia trên thế giới, Lữ Ðoàn 100 gồm 2 tiểu đoàn Korea 1 và Korea 2, hai đơn vị đã chiến đấu oai dũng trong những trận giao tranh với chí nguyện quân Trung Cộng tại Chipyong-ni, tại Wonju và tại đỉnh Arrowhead Ridge.
Ðến chiến trường Việt Nam, và để trở thành một lực lượng cấp Lữ Ðoàn, cánh quân từ Triều Tiên đến được tăng cường bằng lực lượng “commando Bergerol”, trung đoàn 10 pháo binh thuộc địa, tiểu đoàn lưu động 43 bộ binh thuộc địa, và chi đoàn 3 thiết kỵ.
Một tuần lễ trước khi trận “đèo Mang Yang” xẩy ra, tôi có duyên được gặp đại tá Barrou (tôi không tìm được first name của ông ta), tư lệnh Lũ Ðoàn 100, tại cây số 16 trên đường thuộc địa 19 (sau này là quốc lộ 19).
Ðại đội tôi có nhiệm vụ mở đường 19 từ An Khê ra đến một địa điểm nào đó, càng xa càng tốt, cho đến thời điểm chúng tôi “bắt tay” được với Lữ Ðoàn 100, từ Pleiku đổ xuống.
Map of QL19
Sơ đồ đường 19, từ Pleiku đổ xuống Quy Nhơn, An Khê nằm đúng chính  giữa - trên cây số 90, tính từ Pleiku xuống  hay tính từ Quy Nhơn lên. GM 100 bị phục kích tại cây số 15.
 Looking from the Mang Yang Pass toward An Khe
Ðèo Mang Yang, địa hình lý tưởng cho một cuộc phục kích
Cái “bắt tay” không mấy thân thiện
Ngay khi tôi vẫy tay ra hiệu cho đoàn công voa của Lữ đoàn 100 ngừng lại, thì một anh Tây khoảng 40 tuổi từ trên chiếc command car (loại xe jeep lớn) bước xuống. Anh cổi trần, hông đeo khẩu Colt 12 (giống khẩu súng tôi đang đeo), đến đứng trước mặt tôi, xấc xược hỏi: “Tu  es un lieutenant?” (mày là trung úy phải không?) Anh ta biết cấp bực của tôi, vì tôi mang hai con đỉa trên nắp túi áo. Ngày đó quân đội quốc gia Việt Nam còn dùng lon Pháp.
Hắn không đeo lon, nhưng chỉ riêng việc hắn ngồi xe command car với 4, 5 cây ăng ten  chi chit cũng đủ để tôi đoán hắn là một sĩ quan cao cấp; nhưng đã không đeo lon, hắn lại ăn nói xấc xược (tutoyer) giúp tôi có quyền xấc xược lại. Tôi bảo hắn, “Oui. Et toi?” (Tao là trung úy, đúng rồi. Còn mày là gì?)
Barrou cười xoà đưa tay vừa bắt tay tôi vừa tự giới thiệu, “Colonel Barrou”.
Tôi giải thích cho Barrou hiểu trên 16 cây số đường vào đến An Khê, đoàn công voa sẽ gặp khoảng 40 trái mìn, mỗi trái tôi đều cắm một cây cờ đỏ và đặt trên đó một nhánh cây lớn.
“40?”
“Trên hay dưới chút đỉnh,” tôi xác nhận.
“Sao anh không gỡ mà chỉ đánh dấu chỗ chôn mìn?”
“Tôi cần khoảng 15 phút để gỡ mỗi quả mìn, nếu tôi làm công tác gỡ mìn thì giờ này tôi chỉ ra khỏi An Khê khoảng 3 cây số.”
Sau này tôi mới hiểu con số 40 quả mìn làm Barrou kinh hãi: trước khi “bắt tay” với tôi,  ông đã bị 2 quả mìn tại PK 22,  và “ăn” thêm 3 trái SKZ tại khúc quanh gấp được gọi là “cùi chỏ Tử Thần”, bỏ lại đèo Mang Yang 6 quân xa bị bắn hư hỏng, và chở theo trên 20 thương binh, tử sĩ.
“Anh làm như vậy là rất đúng. Giờ này, anh lên xe đầu hướng dẫn đoàn công voa tránh mìn,” Barrou bảo tôi, ông có vẻ hài lòng vì tôi đã đi qua, và biết rõ đoạn đường đoàn công voa sắp phải lăn bánh vào.
“Tại mỗi chỗ có chôn mìn tôi đều đặt một tiểu tổ ở lại đó, không cho Việt Cộng ra gỡ mìn, gài lại. Tôi sẽ cắt một sĩ quan trong đại đội tôi lên xe hướng dẫn công voa; tôi ở lại đây, chỉ huy cuộc hành quân bảo vệ đường giao thông cho đến khi chiếc xe chót của đoàn công voa vượt qua địa điểm này.”
“Cũng được,” viên đại tá Pháp có vẻ hài lòng, trèo lên xe, trong lúc tôi cắt thiếu úy Ðào, trung đội trưởng trung đội 1 của đại đội tôi lên chiếc xe đầu đoàn công voa để hướng dẫn. Ðào là sĩ quan trừ bị, trình độ đại học, nói tiếng Pháp giỏi nên việc hướng dẫn một đoàn công voa Tây –công voa của Lữ Ðoàn 100- về An Khê rất xuông sẻ.
Ðại tá Barrou quen lối đánh trận địa chiến trên chiến trường Triều Tiên, có vẽ lọng cọng với tình hình chiến trường mới, chỗ nào cũng có mìn, chỗ nào cũng có địch; có thể ông thấy thiếu, và thèm thuồng một chiến tuyến rõ rệt: bên này là ta, bên kia là địch.
Công việc mở đường nguy hiểm và không lần nào tránh khỏi tổn thất, nhưng đó lại là việc chúng tôi thường xuyên phải làm. Hai tuần một lần chúng tôi mở đường để công voa dân sự đưa tiếp tế từ Pleiku lên An Khê. Công việc nguy hiểm, nhưng cũng đã quen nên chúng tôi biết cách giảm thiểu tổn thất.
Chúng tôi không ngờ nghệch đưa ngực ra cho địch ẩn núp hai bên lề đường bắn sẻ; chúng tôi lại còn tiên hạ thủ -đánh địch trước- để tranh thế thượng phong.
Một vài tiên liệu nho nhỏ giúp chúng tôi tránh được nhiều mánh khóe của địch. Chúng biết hai ngày thứ Năm đầu tháng và giữa tháng là hai ngày chúng tôi đón đoàn xe tiếp tế trên đường 19.
Khuya thứ Năm, vài tiếng đồng hồ trước khi chúng tôi hành quân mở đường, chúng gài mìn cá nhân, bố trí xạ thủ bắn sẻ trên những con đường mòn dài theo hai bên đường, vì chúng biết, toàn bộ lực lượng chúng tôi không đi cả trên mặt đường mà chia thành 3 cánh, chỉ một cánh có trách nhiệm rà mìn đi giữa đường, hai cánh khác đi theo hai con đường song song với đường cái.
Sáng thứ Tư, tôi thường gửi vài toán biệt kích lẻn vào rừng, phục kích, gài mìn, trên những con đường mòn từ mật khu của chúng đổ ra đường 19. Chúng không cho đoàn xe tiếp tế tiến vào An Khê bằng đường 19, chúng tôi cũng không cho chúng đến gần đường 19. Do đó đi gài mìn, chúng lại thường vấp mìn và bị phục kích trước.
Biện pháp phục kích đánh phục binh địch giúp chúng tôi dành quyền tạo bất an cho chúng trên đường chúng di chuyển; võ “gậy ông đập lưng ông”  khiến hoạt động gài mìn của địch trên đường 19 giảm đi nhiều.
Nhưng hôm nay hoạt động của chúng gia tăng rõ rệt: chắc chắn cũng được tin Lữ Ðoàn 100 vào chiến trường, chúng vận dụng một lực lượng lớn hơn thường khi để dàn chào những người mới đến.  Ðêm hôm trước 4 toán biệt kích tôi gửi đi phục trên đường di chuyển của địch, đều đụng độ với những toán đánh mìn đổ ra đường 19; vậy mà suốt buổi sáng nay chúng tôi vẫn còn bận rộn với 14 toán đánh mìn chống chiến xa, kích hỏa bằng điện trở, không kể những quả mìn chống cá nhân, và mìn định hướng.
Dồn nỗ lực vào việc khiêng vác mìn, bọn đặc công đánh mìn không được võ trang đủ mạnh để giao tranh, nhưng chúng tôi cũng bị tổn thất khá nặng, vì mìn, bẫy của chúng. Tôi trình bầy với Barrou là tôi có nhu cầu tản thương 16 người lính đã được băng bó tạm, và 10 quân nhân tử trận, yêu cầu ông cho 3 chiếc xe tản thương lên đầu đoàn xe để giúp chúng tôi đưa thương binh về An Khê.
Chỉ sau này, chiến trường Việt Nam mới có trực thăng, ngày đó việc tản thương vô cùng khó khăn, và những người bị thương nặng ít hy vọng được cứu sống.
Barrou cho tôi biết những chiếc xe cứu thương của ông cũng đã đầy thương binh vì hai trận phục kích trước, và bảo tôi đưa thương binh lên bất cứ quân xa nào còn chỗ trống.
Trước khi gặp toán mở đường chúng tôi, đoàn xe của GM 100 cũng đã đụng trận 2 lần, mỗi lần họ tốn hai tiếng đồng hồ và một số thương vong, nên Barrou tỏ ra phấn khởi được chúng tôi đón ở PK 16, tính từ An Khê ra.
Ðoàn công voa ầm ầm chuyển bánh, nhưng lại êm ái trườn đi, không một tiếng mìn, không một tiếng súng; bẩy giờ tối hôm đó, chiếc xe cuối cùng vượt qua cứ điểm chúng tôi trấn giữ trên đường 19. Tôi gọi tiểu đoàn báo cáo công tác hoàn tất, và đề nghị với tiểu đoàn trưởng là chúng tôi không rút trở về An Khê, mà nằm lại tại chỗ, để tránh nguy hiểm trong cuộc rút quân đêm.
Ðại úy Phước đồng ý; tôi xin ông cho toán quân y tiểu đoàn đón những thương binh và tử sĩ của đại đội tôi được đoàn công voa Pháp đưa về An Khê.
Thiếu úy Khỏe, đại đội phó hỏi tôi về bữa ăn tối của binh sĩ.
“Ăn lương khô dằn bụng,” tôi ra lệnh. “Tuyệt đối không củi lửa. Mỗi trung đội giữ thế phục kích ngay tại chỗ mình đang chiếm lãnh.” Tôi chủ trương giữ lợi thế của lực lượng không di động đêm, nhường cho địch việc làm nguy hiểm này.
Ðêm hôm đó trung đội 2 của thiếu úy Tự bắn hạ 3 anh du kích mò ra đường cái thám thính.
Tôi mừng vì suốt đêm đại đội không tổn thất thêm sau khi đã tổn thất khá nặng để giải tỏa 16 cây số đường 19. Sáng hôm sau, đại đội 4 được gửi ra đón chúng tôi; có lẽ tiểu đoàn sợ sau khi tổn thất đến gần 1/4 quân số, chúng tôi không còn tự lực mở đường trở về được. Ðiều đó có thể xẩy ra nếu tôi vội về ngay đêm hôm trước.
Trưa hôm sau, chưa về đến An Khê, tôi đã nhận được lệnh đưa đại đội lên tăng cường cứ điểm Núi Nhọn, một ngọn núi nằm cách An Khê khoảng 6 cây số trên đường 19 hướng đổ xuống Quy Nhơn.
Thường khi Núi Nhọn chi do một trung đội trấn thủ; để thiếu úy đại đội phó hướng dẫn đơn vị đến vị trí mới, tôi vào phòng hành quân dự phiên họp giữa lực lượng trú phòng An Khê và GM 100.
Trong buổi họp hành quân tôi được biết Lữ Ðoàn 100 nhận trọng trách đổ xuống duyên hải bằng đường 19 để tấn công Liên Khu 5 của Việt Cộng, họ đóng vai mũi dùi tấn công thứ nhì, phối hợp với lực lượng đổ bộ đã vào Quy Nhơn trước đó.
Ðại đội tôi được đưa lên tăng cường căn cứ Núi Nhọn, trong dụng ý yểm trợ cuộc tiến quân của GM 100. Vai trò yểm trợ được quan niệm máy móc, vì ngoại trừ những quân nhân Pháp thuộc GM 100 mới vào chiến truờng, toàn thể sĩ quan trong phòng họp đều hiểu Núi Nhọn không có khả năng yểm trợ bất cứ một đơn vị bạn nào hành quân cách đỉnh núi 6 cây số. Hoả lực pháo binh của Núi Nhọn là một khẩu đại bác 75 ly của Pháp, loại cũ kỹ đã bị phế thải từ sau Thế Chiến II. Chúng tôi quen gọi nó bằng cái tên Tây của nó là canon soixante quinze, nó ngồi trên hai vỏ xe bơm, một đã xẹp từ nhiều năm nay.
Một chiến cụ cổ lỗ nữa của Núi Nhọn là cái ống dòm thu ngắn 16 lần được đặt trên giá 3 chân, một trong 2 ống nhắm bị mảnh đại bác địch phá vỡ, nhưng mắt thứ nhì vẫn tốt.
Sau  khi nghe thuyết trình, tôi thấy lo ngại về cuộc tiến quân của GM 100 xuống duyên hải, tôi góp ý là con đường 19 khúc giữa An Khê và Quy Nhơn  đã bỏ hoang phế từ nhiều năm nay, chắc chắn sẽ không thuận lợi cho việc chuyển vận những quân cụ nặng, như thiết giáp, pháo binh. GM 100 có 12 chiếc thiết giáp của trung đoàn 5 thiết kỵ và 12 khẩu 105 ly của trung đoàn 10 pháo binh thuộc địa, cộng thêm một số quân xa khoảng trên 200 chiếc. Tôi trình bày là ngoại trừ những quân xa nhẹ như jeep và dodge 4x 4, không chiếc nào qua cầu được.
Thổ công binh sửa một cây cầu trên đường 19
Buổi họp hành quân, nói là để phối hợp giữa lực lượng lưu động GM 100 với lực lượng địa phương gồm tiểu đoàn 9 sơn cước và tiểu đoàn 520 khinh quân, không đạt được một kết quả cụ thể nào.
Chúng tôi cho người Pháp biết tình hình địa phương, nhưng các sĩ quan Pháp coi thường ý kiến của sĩ quan Việt Nam, nhất là đại tá Barrou, người đang chỉ huy một lực lượng mạnh gấp 3 lần lực lượng Việt Nam trấn đóng tại An Khê.
Họp xong, tôi vội vàng ra  xe định đi về căn cứ Núi Nhọn để xem cách bố trí địa điểm từ giờ này sẽ là trách nhiệm của tôi.
Thiếu úy Tự chờ tôi ngoài xe và báo cáo cho tôi biết là ống dòm “một mắt” ghi nhận nhiều vận chuyển đạn dược của địch đến cây cầu gẫy An Túc, trên đường 19, cách Núi Nhọn khoảng 5 cây số. Tự nói trong 5 tiếng đồng hồ chót, quan sát viên ghi nhận 21 chuyến molotova đổ đạn xuống đầu cầu.
Tôi chưa kịp có phản ứng gì thì một câu hỏi từ đằng sau vọng tới, “Qu’est ce qu’il te raconte?”
Người hỏi là thiếu tá Muller, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 43 lưu động của Pháp. Anh ta ngồi cạnh tôi trong buổi họp tham mưu. Muller đã sống trên chiến trường Việt Nam khá lâu; so với những sĩ quan Pháp thuộc trung đoàn Triều Tiên, anh tỏ ra hiểu biết hơn.
Tôi kể lại những điều Tự báo cáo với tôi, lấy bản đồ ra vạch đỏ địa điểm địch đang đổ đạn xuống, rồi bảo anh, “trong tiểu khu An Khê chỉ riêng mình tôi có khẩu đại bác 75 ly có thể bắn tới cây cầu này. Ngoài ra trọng pháo của An Khê chỉ có đến súng cối 81, vói không tới.”
“Anh muốn sử dụng những khẩu 105 của Lữ Ðoàn?”
“Tôi không nghĩ là mình có sự lựa chọn nào khác.”
Tối hôm đó căn cứ Núi Nhọn được tăng cường một toán DLA (detachement de liaison d’artillerie) của GM 100. Một pháo đội 4 cây 105 bắn phá đống thùng đạn được xe Molotova chở đến đổ bên kia cầu.
Sáng hôm sau, Miller rủ tôi ra xem hiện trường; ngoài những thùng đạn cho súng trường, trung và tiểu liên tôi thấy nhiều thùng mìn, và đạn súng không giật. Tôi bảo anh ta, “Chúng chuẩn bị phục kích cuộc di chuyển của Lữ Ðoàn xuống Quy Nhơn.” Muller gật gù; anh hiểu là tôi nhận xét đúng. Mìn và súng không giật là lợi khí cho những cuộc phục kích đánh công voa.
Tối hôm đó, đại úy Phước gọi tôi về ăn cơm chiều tại câu lạc bộ sĩ quan. Tôi ngồi cùng bàn với ổng và những đại đội trưởng thâm niên như Văn Bá Ninh, Nguyễn Khắc Tuân. Phước cười hỏi tôi, “Anh hù tụi Tây kí gì mà tôi thấy tụi nó có vẻ không tính đổ xuống Quy Nhơn nữa.”
Tôi kể lại cuộc pháo kích của GM 100 vào kho đạn lộ thiên của Việt Cộng bên đầu cầu An Túc.
Tuân bảo tôi, “Mày làm phước cho tụi nó đó, chứ vượt cầu An Túc là không còn thằng nào trở về An Khê được.”
Ninh, “Dỡn hoài. Tuần nào tôi không vượt cầu An Túc, tuần trước tôi còn vào quậy trong K’Nack mà cũng chỉ vướng 2 con vì mìn.”
Chiến trường Cao Nguyên thật khó nói. Cả hai anh Tuân và anh Ninh đều đúng: GM 100 vượt cầu An Túc trực chỉ Qui Nhơn, thì quả là không còn một hy vọng nhỏ nào có thể quay trở về An Khê. Họ sẽ bị đánh tan trên những đoạn đường đồi gần Bình Ðịnh. Nhưng Ninh cũng không sai, anh từng đi săn nai trong những khu Việt Cộng gọi là khu giải phóng.
Chúng tôi thảo luận về chuyện đi hay không đi Qui Nhơn của Lữ Ðoàn 100, tôi nêu lên nhận xét, “Nếu muốn đón đánh Lữ Ðoàn 100 trên đường đổ xuống Quy Nhơn, thì Việt Cộng đã không cần đổ đạn ở đầu cầu An Túc.”
Ninh đặt dao, nĩa xuống bàn hơi vội, để có hai bàn tay trống vỗ vào nhau, rồi nói như thét lên, “Mày thấy đúng. Thằng Việt Cộng mưu đồ chuyện gì khác chứ không phải chuyện đón đánh GM 100 đổ xuống Qui Nhơn.”
Trong lúc chúng tôi đoán mò, thì thiếu tướng De Beaufort, tư lệnh Quân Khu IV ra lệnh cho Lữ Ðoàn 100 rút trở về Pleiku. Phòng nhì quân khu báo cáo với ông ý đồ của địch là bỏ trống Liên Khu 5, kéo đại quân của chúng lên bao vây An Khê để tái diễn một Ðiện Biên Phủ khác.
Từ đoạn này trở đi, tôi viết theo tài liệu quân sử, vì Tiểu Ðoàn 9 Sơn Cước bị bỏ lại phòng thủ An Khê, tôi không tham dự và cũng không tận mắt chứng kiến cuộc phục kích Mang Yang ngày 24 tháng Sáu 1954.
Ðại tá Barrou đi trên một chiếc jeep mui trần, theo sau một chi đội thiết kỵ gồm 3 chiếc half-trucks, loại xe bọc sắt có thùng trống phía sau, và 2 chiếc M- 8, loại chiến xa nhẹ. Không yểm chỉ gồm 2 chiếc thám thính cơ nhỏ lượn quanh đoàn công voa.
 
                             
             chiến xa M-8                              và loại halftruck sử dụng trên chiến trường Việt Nam trước năm 1954
Ðúng 14 giờ 15, Barrou nhận thấy có dấu hiệu xáo trộn, đoàn xe mở đầu công voa chạy nhanh hơn, ông gọi điện ra lệnh giữ tốc độ bình thường. Chưa kịp buông ống nói xuống thì Barrou đã nghe tiếng đại liên, lựu đạn, và súng không giật nổ dài theo đoàn công voa.
Chỉ trong 4 phút ngắn ngủi, chi đội thiết kỵ bị tiêu diệt trước mắt ông: toàn bộ 3 chiếc halftrucks và một chiếc M- 8 bốc cháy dữ dội.
Lúc đó ông còn ở cây số thứ 15, một cây số sâu vào vùng an toàn tôi đón ông tuần trước.
14 giờ 25, một trái 57 không giật bắn nổ tung chiếc dodge 4x4 truyền tin bên cạnh Barrou, tước mất phương tiện chỉ huy bằng vô tuyến của ông.
Chỉ còn khẩu lệnh để chỉ huy người sĩ quan đứng gần ông nhất, Barrou bảo đại úy Fievet, đại đội trưởng Tổng Hành Dinh của Lữ Ðoàn tập trung lực lượng để phản công. Nhưng ông chưa nói dứt câu thì một viên đạn trúng đùi đã đẩy ông ngã chúi vào rãnh thoát nước bên đường 19; Fievet bị thương nặng hơn, nằm cạnh ông, và Barrou chứng kiến vị sĩ quan này tắt thở.
Trung tá Lajouanie, trung đoàn trưởng trung đoàn Triều Tiên đưa quân lên tấn công ngọn đồi từ đó xuất phát hỏa lực phục kích; ông sử dụng chiếc M- 8 cuối cùng trong cố gắng tuyệt vọng này; binh sĩ Pháp tiến sau chiếc thiết giáp, nhưng ngay sau khi chiếc M- 8 bị bắn cháy, lực lượng đánh lên đồi, mất chỗ núp, bị khẩu đại liên bố trí giữa lưng đồi thanh toán. Trung tá Lajounie gục ngã.
Barrou cố bò đến chiến M- 8 thứ nhì bị bắn cháy nhưng khẩu đại liên vẫn còn nguyên vẹn; có lẽ ông muốn sử dụng hỏa lực này để bắn trả lại địch, nhưng ông vừa lên đến pháo tháp thì một tràng đại liên đã quạt ông ngã trở xuống mặt đường.
Một quân nhân thuộc tiểu đoàn 43 lưu động cõng ông về xe cứu thương của tiểu đoàn rồi bỏ đó, anh ta không biết ông là tư lệnh lữ đoàn. Thiếu tá Muller bận rộn bố trí tiểu đoàn ông chống lại lực lượng phục kích.
Hai chiếc quân xa của tiểu đoàn 43 chạy thoát đến đồn PK 22 cầu cứu, nhưng chỉ do một đại đội trấn đóng, đồn này cũng không có khả năng tiếp viện. Ðồn trưởng gọi về Pleiku báo cáo.
Tiểu Ðoàn 520 Khinh Quân cũng tổn thất nặng nề, nhưng tài liệu khinh bạc của Pháp ghi nhận là binh sĩ Việt Nam bỏ chạy vào rừng để thoát thân.
Thiếu tá Kleinmann, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 Triều Tiên bố trí lực lượng quanh những chiếc xe còn ngùn ngụt cháy để chống lại cuộc xung phong của Việt Cộng. Ông sử dụng pháo binh, bắn trực xạ vào lực lượng địch, khiến áp lực địch giảm bớt.
16 giờ 20 bốn chiếc B- 26 của không quân bay đến trợ chiến. Quân Pháp lên tinh thần nhưng hai chiến tuyến đã quá gần nhau, nên hoả lực không yểm giết cả lính Pháp lẫn Việt Cộng.
Sự can thiệp của không quân không chặn đứng được cuộc tấn công, mà còn khiến lực lượng Việt Cộng cố gắng xung phong vào gần hơn để phi công không dám sử dụng bom, vì sợ giết quân Pháp.
Tư lệnh quân khu đưa GM 42 tiến về đồn PK 22, và ra lệnh cho thiếu tá Kleinmann chạy bộ về PK 22 để “bắt tay” với GM 42; Kleimann thảo luận với thiếu tá Guinard, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 Triều Tiên, và thiếu tá y sĩ Varme-Janville.
Họ quyết định rời mặt đường, băng rừng để tiến về đồn PK 22. Janville hỏi 2 tiểu đoàn trưởng về số phận của những thương binh. Guinard nói không thể khiêng họ băng rừng được, Janville bảo họ, “Hai anh đi may mắn; tôi ở lại với thương binh.”
PK 15 trở thành mồ chôn của Lữ Ðoàn Triều Tiên. Ba tiểu đoàn 43, 1 và 2 Triều Tiên vào An Khê với quân số lý thuyết đầy đủ 834 quân nhân, giờ này tiểu đoàn 43 còn 452, tiểu đoàn 1 Triều Tiên còn 497, và tiểu đoàn 2 Triều Tiên còn 345.
Lữ Ðoàn mất 85% xe cơ hữu, 100% đại bác, 68% dụng cụ truyền tin, và 50% vũ khí cá nhân, đại, trung liên. Lữ Ðoàn Trưởng, đại tá Barrou, bị thương và bị bắt làm tù binh.
Ðoạn đầu của bài báo, tôi viết căn cứ trên trí nhớ, chắc chắn không thể tránh được nhiều thiếu xót, sai lầm, xin bạn đọc điểm khuyết cho. Ngoài mục đích làm vui những người bạn Phố Núi Pleiku, tôi còn mang một hy vọng nhỏ nữa là nguời bạn văn của tôi, anh An Khê-Nguyễn Bính Thinh, đọc về trận đánh thê lương này và liên lạc với tôi.
Nguyễn Ðạt Thịnh

Friday, November 26, 2010

NHẬT TRƯỜNG-TRẦN THIỆN THANH VỚI NHỮNG CA KHÚC BẤT TỬ VIẾT VỀ NGƯỜI LÍNH VÀ QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM



Bình Thuận chỉ có ba trăm năm ngắn ngủi nhưng cũng là nơi đã sinh ra nhiều nhân tài có đủ trong mọi giới, từ văn chương chữ nghĩa, hội họa, kiến trúc, quan trường cho tới cầm ca kịch nghệ. Những người trăm năm cũ như Nguyễn Thông, Phan Trung, Trần thiện Chánh, Tống Hưng Nho Cao Hành, Ưng Chiếm, Bùi Hàng.. vang lừng trong thiên hạ về văn tài, hùng khí và lòng yêu nước nồng nàn, không ai không biết, không ai không cảm phục, dù cho lịch sử đã vô tình một thời quên lãng.
             Theo gót hào hùng của cha anh ngày trước, có Vũ anh Khanh sinh trưởng tại Mũi Né, là một văn nghệ sĩ nổi tiếng trong thời kỳ chín năm toàn dân kháng chiến chống giặc Pháp xâm lăng, từ 1945-1954, hầu như ai cũng biết tới và ưa thích thi phẩm ‘ Tha La Xóm Ðạo ‘ của ông.
              Trong lãnh vực sân khấu, kịch trường của miền Nam, qua bao thế hệ, đã có nhưng tên tuổi một thời lừng lẫy như Sáu ngọc Sương, Vĩnh Lợi, Phan Sinh, Nguyễn hữu Thiết-Ngọc Cẩm, Mỹ Thể, Nhật Trường, Anh Khoa, Dũng Chinh., Trang Mỹ Dung.. với lời ca tiếng hát và những tác phẩm nổi tiếng , đã góp phần làm rạng danh đất Phan Thành.
 Biển mặn đã gắn liền với Bình Thuận, Sông Mường miên viển không bao giờ tách rời Phan Thiết. Ðất làm người bất tử hay người vì đất mà sống mãi với thời gian? Làm cho Bình Thuận và Phan Thiết có được cả nước trân quý như hôm nay, là công khó máu chan cơm nước mắt thay canh của tiền nhân qua bao thế hệ. Họ là con dân Ðại Việt vùng Thuận Quảng, tay gươm tay cuốc, tới đây rồi dừng bước và tận dụng tài năng để biến sõi đá thành ruộng đồng, rừng già biển dữ trở nên kho bạc vàng châu báu cho con cháu tận hưởng muôn đời.
 Họ là tráng sĩ vung gươm giữ yên nhà nước, là các anh hùng Nguyễn xuân Ôn, Ưng Chiếm, Bùi Hàng, Cao Hành.. một đời vì nước dù thân xác có bị giặc cướp phanh thây phơi xác. Họ là hậu duệ của lớp sĩ phu yêu nước, là những người Hàm hộ, Phú Ông, Ðiền Chủ.. giàu có nhưng dùng gia tài riêng để lo chuyện quốc sự.

1- VĂN NGHỆ VĂN CHƯƠNG NƠI PHỐ BIỂN
 Là người Phan Thiết, chắc ai cũng giống ai về sự đa sầu đa cảm mà trời thường đặc ban cho người miền biển, vốn có sẵn trong trăng thanh gió mát, sóng nuớc gợi tình. Bởi vậy cứ mỗi lần vô tình nghe từ đâu đó vọng lại các loại đàn tranh, kìm, độc huyền.. hoà điệu vơi những bài bản nam hay bắc, là hồn như muốn trổi dậy cái thời xa lắc miên mang chốn Phan Thành. Nhớ hoài dòng sông Cà Ty nước ròng, nước lớn, lấp lánh đèn nhà ai toả sáng đôi bờ, dòng sông của tuổi thơ một thời đáng nhớ.
 Theo Nghệ Sĩ Vinh L?i cho biết vào thời Pháp thuộc, tai Phan Thiết đã nở rộ điện ảnh với hai cuốn phim trắng đen do vợ Phạm Ngọc Thình là cô Bê đóng chung với các tài tử Duy Chánh, Mai Hiếu và Lê Quỳnh. Phan Thiết là nơi có hai cô đào cải lương nổi tiếng thời tiền chiến là Sáu Ngọc Sương đào chánh của Ban Việt Kịch Năm Châu, Sài Gòn và Năm Nam trong gánh Tiến Hóa. Sau đó cả hai về Phan Thiết hợp tác với kịch tác gia Trần Thiện Hải, lập gánh và trình diễn các vở kịch như Tâm Hồn Thôn Nữ, Bức Màn Yên Bái, Khúc Ly Ca, Thành Cát Tư Hãn.. Vĩnh Lợi là một nghệ sĩ trong đoàn kịch của Bình Thuận , chính KIM CƯƠNG, con gái của Nguyễn Mộc Cương và Bảy Nam, cũng sinh tại Phan Thiết năm 1937 và đã sống tại đây suốt thời tuổi nhỏ .
             Bình Thuận là vùng biển mặn, quy tụ cư dân của nhiều địa phương suốt dọc duyên hải miền Trung và gần Sài Gòn, nên hầu hết người PhanThiết, kể cả giai cấp thượng lưu, ai cũng thích nghệ thuật. Với người lao động, dân biển, bất kể là ngày thường, ngày tết, nếu rạp hát không có đoàn hát Bội hay Cải Lương trình diễn, cũng tụ tập ở ngõ hẻm, góc chợ, trụ đèn để nghe các nghệ nhân gõ sanh, kéo nhị hát bài chòi, cải lương, hô thai chơi lô tô hay hát những đoạn tuồng cổ sử. Do trên, đầu thập kỷ 20 Phan Thiết đã có ba rạp hát lớn là Rạp Bà Ðầm (Modern), Star (Ánh Sáng của Phạm Ngọc Thình) và rạp Odeon (Hồng Lợi của Thất Ngàn). Riêng rạp Lilas mới xây vào thời VNCH.
             Tại Phan Thiết trước đây cũng có nhiều Ban hát nổi tiếng như Tiền, Sầm, Kiểm và các kép Xưa, Bành và nổi nhất là đào Năm Nam con bầu Hoạch.Những năm kháng chiến chống Pháp, những người Phan Thiết chiến đấu trong mặt trận Việt Minh, cũng lập ra một đoàn văn nghệ, quy tụ hầu hết các tài danh trong tỉnh như Khánh Cao, Ðinh Lân, Duy Liêm, Hồng Anh, Minh Quốc, Huy Sô..
                      Hạ Uy Di cũng là xóm biển, làm nhớ hoài dòng sông Cà Ty, những ngày tháng tuổi thơ rong chơi không biết mệt. Ở hải ngoại hiện nay có Duy Chánh, Khai Trinh, Anh Vũ.. sinh trưởng tại Phan Thiết, đều là những nghệ sĩ nổi tiếng với các loại đàn, sáo.. mỗi lần ngân rung các điệu Xuân Tình, Tây Thi, Tứ Ðại Oán, Vọng Cổ.. hòa nhịp trong tiếng hát gợi cảm của các cung điệu Nam Ai, Cửu Khúc, Phụng Hoàng.. làm ai cũng tỉnh rượu, để theo dõi những ngón tay của người nghệ sĩ nhảy múa trên phím đàn muôn bậc như tiếng tình tự của quê hương.
             Trước năm 1975, Bình Thuận-Phan Thiết là xứ ăn chơi tới nổi cái nồi cũng bán, cái tơi cũng cầm, nên ai cũng thích cầm ca. Phan Thiết những năm 50,60,70 rộn lên phong trào ca nhạc, nhộn nhất là ở Ðức Nghĩa có Ba Bứa, Song Én cùng chơi Ðờn Kìm, Mười Qườn sử dụng Violon, Nam Choi Ghita nhưng Phan Sinh là người biết chơi tất cả các âm cụ. Riêng các giọng ca thuở đó có Năm Bờ, Tám Mối, Tao Ngộ.một thời lẫy lừng trong Ðoàn Nhạn Trắng, Phan Thành. Sau năm 1975, Năm Hường mở quán Nghệ sĩ trên đường Từ văn Tư ( đường công hương nối Quốc lộ 1 ờ Cầu Sở Muối với đường Lương Ngọc Quyến), qui tụ các tài tử cây nhà lá vườn về ca hát như trước đây ông Phan Sinh, Mười Qườn đã làm. Thời VNCH, Phan Thiết có nhiều ca nhạc sĩ nổi danh như Trần Thiện Hải, Nguyễn Hữu Thiết-Ngọc Cẩm, Hồng Phúc, Nhật Trường, Dũng Chinh, Mỹ Thể, Anh Khoa, Trang Mỹ Dung và nhất là vợ chồng Nhạc Sĩ mù LA TÚ MỸ-NGỌC THU, chồng chơi phong cầm (Accordion và sáng tác nhạc), còn vợ kéo vỉ cầm. La Tú Mỹ trước khi bị mù, vốn là một sinh viên Khoa Học, chỉ vì bất cẩn trong phòng thí nghiệm, nên chịu cảnh u trầm một kiếp. Ông đồng thời với Ðoàn Thanh, người đã sáng tác ca khúc ‘Trăng Sáng Mường Giang’ nổi tiếng. Thời tỉnh trưởng Lưu Bá Châm, La Tú Mỹ là Trưởng Ban Nhạc của Ty Thông Tin Bình Thuận.
             Phan Thiết ngày xưa còn có hai nữ ca sĩ TRÚC THANH, tên thật là Nguyễn Ngọc Hoàng Cung và TRÚC LY, tên thật là Nguyễn Ngọc Hoàn Viên, có chồng là Soạn giả Hương Sắc. Cả hai cô ca sĩ này đều là con Nguyễn Ngọc Ấn, Trưởng Ty Kiến Thiết Bình Thuận rồi Bình Tuy, em ruột nhà thơ nổi tiếng Phan Thiết là Kiều Thệ Thủy, nhà ở đường Lý Thường Kiệt, khoảng giữa Ðinh Tiên Hoàng-Tự Ðức.
             Sau năm 1975, tại Hải Ngoại Phan Thiết-Bình Thuận cũng sản sinh nhiều nhạc và ca sĩ nổi tiếng như NGUYÊN CHI, tức Bác sĩ Nguyễn Lương Chỉ, Anh Vũ, Bảo Phương.. và đặc biệt là ca sĩ cổ nhạc CAO MINH HÙNG sinh năm 1963 tại Phú Quý. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là Người Chiến Sĩ TRẦN THIỆN KHẢI. Anh sinh năm 1949 tại Phú Hội, Hàm Thuận con Trần Thiện Bang tại Bình Hưng, vốn cùng với Trần Thiện Thanh có chung tổ phụ là Sĩ Phu Trần Thiện Chánh. Xuất thân từ trường Trung Học Phan Bội Châu, Phan Thiết, niên học cuối 1969-1970. Trần Thiện Khải là sĩ quan hải quân khóa 24 và là Hạm Phó HQ-719. Là một trong những nhạc sĩ tài danh ở hải ngoại, sáng tác nhiều bản nhạc giá trị, trong dòng nhạc chiến đấu mà điển hình là nhạc khúc Trăng Chiến Khu. Tử thương tại Lào, trên đường về giái phóng quê hương năm 1987.
             Sau rốt ai cũng đều đồng ý rằng, trên đỉnh nghệ thuật sáng tác và ca diễn, trong giới nghệ sĩ Bình Thuận-Phan Thiết thì Nhật Trường-Trần Thiện Thanh là con chim đầu đàn, đã làm rạng danh người Phan Thiết qua nhiều thập niên trong dòng lịch sử ca nhạc.

2 - NHẬT TRƯỜNG - TRẦN THIỆN THANH :
              Từ năm 1958, sự xuất hiện của ca sĩ Nhật Trường cũng như nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, làm cho giới ca nhạc thủ đô xao động, nhiều người bảo tại ca sĩ gốc Phan Thiết, nên khi rời quê hương mình, đã đem theo cát và gió, làm cho vũ trường, sân khấu buổi đó cũng mù mịt gió cát đất Phan Thành. Nhật Trường có giọng ca nồng mặn và rất trau chuốt, cho nên chỉ trong một sớm một chiều, đã là đối thủ lợi hại của danh ca đương thời Duy Khánh . Nhờ bộ dáng cao ráo,tuy răng hơi vẩu, mặt thỏn,nhưng không ngờ đó là những nét yêu, đã giúp cho người ca sĩ thêm sáng sân khấu, điển trai, thu hút khán giả như một thần tượng của mọi giới, kể cả thanh niên và nhất là các cô nàng nử sinh, sinh viên mơ mộng.
             Nhạc của Trần Thiện Thanh sáng tac lúc đó, hầu hết được quần chúng đón nhận, dù là nhạc viết cho lính hay người tình, bạn bè nằm xuống hoặc nói về cuộc nhân sinh dời đổi. Tất cả đều là giọt lệ khô như Không Bao Giờ Ngăn Cách, Hoa Trinh Nữ, Rừng Lá Thấp. Chiều trên Phá Tam Giang... nhưng được ưa thích nhất là các bản Khi Người Yêu Tôi Khóc và Anh Không Chết Ðâu Anh.
             Nhiều người không biết về lý lịch của nhạc ca sĩ, nên cứ tưởng Trần Thiện Thanh vì cần tiếng và tiền, nên sáng tác bừa để làm vừa lòng quần chúng. Thật sự dòng họ Trần Thiện từ ông tổ gần là Trần Thiện Chánh (1822-1874), tài kiêm văn vỏ, cho tới thân phụ của Trần Thiện Thanh là Trần Thiện Hải nức tiếng khắp Phan Thiết là kẻ tài hoa, đủ đường ca hát, đóng kịch, soạn nhạc.. cho nên ảnh hưởng tới con cháu như Nhật Trường là điều không ai phủ nhận,. Bởi vậy trong âm hưởng của dòng nhạc Trần Thiện Thanh, có chất cải lương ủy mị, khiến cho người thưởng ngoạn khó có thể phai nhạt, nếu không muốn nói là chất nhạc đả thấm sâu trong máu thịt cuộc đời.
             Trước n8m 1975, Ngọc Minh từng được mệnh danh là người yêu của lính, còn Trần Thiện Thanh lại là nhạc sĩ của quân đội vì là người có nhiều nhạc phẩm nhất viết ca tụng lính, bắt đầu từ thập niên 60. Nhạc cảnh ‘ Anh chưa chết đâu Em ‘ diễn chung với Thanh Lan, trên đài truyền hình VN, là một thành công và chính nó đã mở một chân trời mới cho nền tân nhạc Miền Nam. Tóm lại nhạc của Trần Thiện Thanh trước năm 1975, phẩm chất cũng như số lượng phát hành, coi như gần tương đương với các nhạc sĩ lừng danh thời đó như Phạm Duy, Lam Phương, Hoàng Thi Thơ.. Trong tác phẩm nổi tiếng ‘ Theo chân những tiếng hát ‘ , nhà văn Hồ Trường An khi viết về Trần Thiện Thanh-Nhật Trường, cũng đã đề cao khả năng sáng tạo của người nhạc sỹ tài hoa một cách trang trọng .
             Là một tên tuổi lừng lẫy trong giới ca nhạc sĩ miền Nam suốt bao thập niên tới bây giờ. Tên thật là Trần Thiện Thanh sinh tại Phú Trinh Phan Thiết . Năm 1958 ông rời tỉnh nhà và vào Sài Gòn dấn thân vào ánh đèn màu sân khấu. Chất nghệ sĩ truyền thống và núi sông miền biển mặn, đã tạo cho Nhật Trường một khả năng sáng tạo đặc biệt, làm cho tên tuổi đất Phan Thành theo chân người nhạc sĩ quyện vào sông núi muôn đời. Ngày nay nhớ về quê cu, không ai không bùi ngùi khi nghe các nhạc phẩm Lầu Ông Hoàng, Hàn Mạc Tử, Biển Mặn.. để tưởng tượng một thời thơ ấu buồn vui theo dòng nước Cà Ty, phát nguồn từ Trường Sơn chất ngất, ôm ấp tình thương, nước ra sông nguồn Mường Mán, Phú Hội, Phan Thiết, Thương Chánh.. để mãi sống trong hồn người, dù biết những người đi đấu tranh chưa về, vì mang lời thề tận miền sơn khê.

3- NHỮNG BÀI HÁT NỔI TIẾNG CỦA TRẦN THIỆN THANH :
             Hòn Rơm, Mũi Né và Lầu Ông Hoàng là những địa danh nổi tiếng xưa nay của Bình Thuận. Năm 1936, nhà thơ Hàn mạc Tử nhân quen biết với thi sĩ Bích Khê ở Quảng Ngãi, nên mới tao ngộ được cô cháu Huỳnh thị Nghệ qua bút danh Mộng Cầm lúc đó đang theo cậu tại Phan Thiết. Mối tình thơ văn qua lại giữa người thơ và giai nhân mà tuyệt tác ‘Phan Thiết, Phan Thiết’ sau này được Nhật Trường Trần Thiện Thanh phổ nhạc, đã làm các địa danh Phan Thiết, Lầu Ông Hoàng và danh xưng Mộng Cầm trở nên bất tử với thời gian:

‘..lầu ông Hoàng đó, thuở xưa hai người..

Qua khỏi Phan Thiết chừng 5km về hướng đông b?c, sẽ tới Phú Hài và bắt đầu leo dốc trên đường đi Mũi Né, Hòn Rơm. Ðây là núi Ngọc Lâm gồm có năm ngọn đồi thấp chạy ra sát biển mang những cái tên thật đẹp nào là Thanh Long, Bạch Hổ, Long Sơn, Ngọc Sơn, Núi Cố, Bà Nài.. Phần mộ của Nguyễn Thông nằm trên núi Thanh Long, còn Lầu Ông Hoàng thì dựng trên đỉnh Bạch Hổ hay đồi Bà Nài, kế bên còn có Tháp Chàm Nữ Vương Tranh. Xa xa về phía tây trên núi Cố, buổi trước mọc đầy mai và hoa sứ trắng, bốn mùa tỏa hương thơm ngào ngạt khắp núi rừng.
Về bài ‘ Rừng lá thấp ‘, theo tất cả bạn bè của Trần Thiện Thanh cho biết vào những ngày lửa máu tết Mậu Thân 1968, trong đợt 1 VC tấn công vào thủ đô. Tại mặt trận Hàng Xanh ngoài xa lộ do Thủy Quân Lục Chiến phụ trách. Trong lúc giao chiến, Trung Uý Vũ Mạnh Hùng, Ðại Ðội Trưởng bị tử thương. Hùng là bạn rất thân với Thanh khi hai người còn học và chơi với nhau tại Phan Thiết, nên khi nghe tin bạn mất, lòng quá đau đớn, ông đã sáng tác nhạc phẩm trên, để thương tiếc bạn mình . Riêng ‘ Biển Mặn ‘ được ông sáng tác vào thời gian thụ huấn ở Ðồng Ðế, Nha Trang, nhìn cảnh sính tình, khiến cho người nhạc sĩ tài hoa nhớ tới quê hương miền biển mặn Phan Thiết, nơi có con sông tình ái Mường Mán, phát nguồn từ Núi Ông trong rặng Trường Sơn, sau khi vượt qua rừng núi lau lách, vườn cây trái, đồng ruộng.. mới tới Phan Thiết qua cái tên ‘ Cà Ty ‘ rồi mới chảy ra Ðông Hải tại cửa Thương Chánh.
Năm 1971 chiến tranh tại miền Nam leo thang kinh khiếp. VNCH đã tổ chức nhiều cuộc hành quân vượt biên nhưng lớn nhất vẫn là Hành quân Lam Sơn 719. Trong lần đại chiến này, Sư đoàn Dù bị thiệt hại rất nặng tại Hạ Lào, Ðại Tá Nguyễn Ðình Bảo tử thương và đó cũng là nguồn cảm hứng, để ông sáng tác hai ca khúc bất hủ ‘ Người ở lại Charlie và Anh không chết đâu Anh ‘ tới nay vẫn được mọi người ưa thích .
 Khi đoàn quân từ Hạ Lào về Ðông Hà, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đích thân tới tại chổ để ủy lạo các chiến sĩ về từ cỏi chết. Tháp tùng có Ðoàn Văn Nghệ của Cục Tâm Lý Chiến, mà Trần Thiện Thanh đang phục vu . Bởi vậy khi ở trên máy bay, từ Huế tới Quảng Trị, ông đã sáng tác bài ‘ Chiều qua phá Tam Giang ‘ theo ý thơ của Thi sỉ Tô Thùy Yên, tức Ðại Úy Ðinh Thành Tiên, là chồng của nử văn sỷ một thời nổi tiếng của MiềnNam trước năm 1975 là Nguyễn Thị Thụy Vũ, chị ruột Hồ Trường An, người Ðịnh Tường..
Nói đến phá Tam Giang, chúng ta cũng không quên được những câu hò tiếng hát của trai gái đối đáp trên sông nước như “ thuyền từ Kim Long, thuyền về Ðập Ðá, thuyền qua Vĩ Dạ, thẳng ngã Ba Sinh “.Theo tài liệu ta biết, phía sau Kim Long là Kim Phụng hay Thương Sơn chạy ra biễn. Bên ngoài Ngã Ba Sinh có phá Tam Giang, ngày trước gọi là Hải Nhi. Tất cả những danh từ trên đều gợi cho ta một cảnh trời biển đẹp mênh mông, muôn thuở đã gắn liền trong thi ca và tâm hồn người xứ Huế mà đời còn lưu lại nhiều câu đối thật hay và đầy vấn vương cảm lụy “ Tây Sơn cao viễn chiếu, Ðông Hải thủy triều lai”. Rồi thì Ngự Bình, Thiên Thai, Cẩm Kê, Ngọc Trản.. cho tới Cầu Hai, Hà Trung, Thủy Tú, Tư Hiền ra phá tam giang, tất cả gắn bó đời này kiếp nọ như công đức dựng và mở nước của tiền nhân. Tam giang là tên của ba con sông mà thời nào cũng đều gắn liền với lịch sử. Sông Ô Lâu mở cửa vào rừng từ trên đầu phá. Sông Bồ cùng phát ngưồn với sông Hương ở ngã ba Sình rồi sau đó mạnh ai nấy chảy tới tận Trường Sơn. Cả ba con sông đều là thủy lộ quan trọng nên đêm ngày không bao giờ vắng thuyền bè xuôi ngược. Sông Ô Lâu từ vùng núi non Hòa Mỹ, Phong Ðiền, tới khu đền tháp Hội Ðiền, về Vân Trình, Phong Chương, Ðiền Hải. Sông Bồ từ A Lưới chảy qua nhiều khu rừng già xuống Phong Sơn về Tứ Hạ, Bác Vọng, Vân Xá.. trước khi tới ngã ba Sình. Riêng sông Hương nổi tiếng qua tên Huế cổ thuộc đất Trà Kê. Tên sông theo người Việt thay đổi từ Kim Trà tới Hương giang, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Sự đổi tên con sông theo sử liệu, chỉ vì để tránh phạm húy tục danh của Nguyễn Kim. Ðối diện đền Lồi cổ xưa, là chùa Thiên Mụ mà cái tên cũng là cả một huyền thoại từ miền đất Hà Khê, qua mấy câu ca dao truyền tụng :
“ Gió đưa cành trúc la đà,
tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
mịt mờ khói tỏa ngàn sương..”
Nếu các di tích Vân Trình, Phò Trạch, Hòa Viện còn trơ với thời gian qua các bệ thờ, điêu khắc đều hằn lên bóng dáng của Phật Giáo, qua các tác phẩm nghệ thuật Bảo Tọa thờ các vị Phật, Bồ Tát, La Hán và chúng sinh, thực tế chỉ gợi lại cho ta bóng dáng kỳ vĩ của một nền kiến trúc cổ. Nhưng Thiên Mụ thì như có hồn, có tình vì đã chứa đựng tâm linh tín ngưỡng từ bao năm tháng. Ðã vậy bên cạnh còn Ðiện Huê Nam, thờ Thiên Y Ana thánh mẫu, trên núi Ngọc Trản-Hòn Chén. Xa xa trong sương mù là đỉnh Mang nối liền Bạch Mã, Hải Vân. Tất cả đều là nơi phát xuất của những nguồn nước dồn về phá tam giang, trước khi chảy ra Ðông Hải. Bốn trăm năm trước, người xưa đã biết cách trị thủy, biến một vùng nước xoáy nguy hiểm thành thủy lộ lộ an toàn, quả nội tán Nguyễn khoa Ðăng là người tài cao xuất chúng, cho nên mọi người ca tụng ông cũng là diều xứng đáng.
Lời ca tụng trên qua ca dao, cũng đã được ghi chép trong Ðại Nam liệt truyện, nói về sự nghiệp trị dân giúp nước của quan nội tán Nguyễn khoa Ðăng vào năm 1722, đã dẹp yên bọn cướp tại đường rừng Hổ Xá (truông nhà Hồ) và việc uốn nắn lại con sông ở Quảng Ðiền chảy ra phá Tam Giang, làm giảm bớt thác ghềnh, khiến cho thủy đạo này trở nên thông dụng đối với thuyền bè qua lại, nên dân chúng hết lòng biết ơn và ca tụng. Ngoài ra ông còn được cả chúa và người đương thời xưng tụng là Bao Công tái thế, trong khi xử án và sự ngay thẳng không biết vị nể ai, kể cả hoàng thân quốc thích. Năm 1725 nhân chúa Nguyễn phúc Chu qua đời, Nguyễn cửu Thế vì thù riêng đã vu cáo ông với chúa Nguyễn phúc Trú, hãm hại ông chết lúc đó mới vừa 34 tuổi.
 Như hầu hết những kẻ tài danh của Phan Thiết, Trần Thiện Thanh còn rất tốt bụng với bạn bè và mọi người chung quanh. Khi phục vụ trong phòng Văn Nghệ Cục Tâm lý Chiến, do Ðại Úy Dinh Thành Tiên (nhà thơ Tô Thùy Yên) làm trưởng phòng, có nhiều nhạc sỷ nổi tiếng phục vụ như Trần Thiện Thanh, Anh Việt Thu, Pham Minh Cảnh, Pham Lê Lan.. Theo Hồ trường An kể lại, chính Nhật Trường đã bỏ tiền riêng của mình để thực hiện đặc san ‘ Bồng Hồng ‘ cho đơn vị. Lúc đó Hồ trường An cũng là phóng viên của Phòng Văn Nghệ TLC, nên được giao công tác phỏng vấn các ca nhạc sỷ, đạo diển nổi danh đương thời, để làm một bài phóng sự đăng trong số Xuân của Bông Hồng. Cuối cùng nhà báo đã quên phứt Trần Thiện Thanh nhưng ông vẫn không hề bất mãn mà chỉ nói ‘ tui bỏ tiền ra để làm báo cho anh em cùng vui, chứ đâu phải để viết về tôi ‘.Lúc đó Nhật Trường-Trần Thiện Thanh gần như là con chim đầu đàn của sân khấu vì được quá nhiều khách mộ điệu.
 Cũng viết về Nhật Trường, nhà báo lão thành Nguyễn Long trong tác phẩm ‘ 66 năm nhạc kịch, diện ảnh VN ‘ cho biết Nhật Trường đã đuợc quần chúng Miền Nam công nhận là ‘ Nhạc sỷ của Lính ‘.Ông xuất hiện trong sinh hoat văn nghệ miền Nam từ đầu thập niên 60 và đã chinh phục được ngay cảm tình và lòng ái mộ của người Sài Gòn cũng như toàn cõi VNCH. Ðồng thời ông cũng là nhạc sỹ đa tài, sáng tác rất mạnh, với đủ đề tài thể loại nhưng ca khúc nào cũng đặc sắc và tuyệt diệu, làm cho ai nghe hay đọc tới cũng ưa thích vì rất phù hợp với mọi hoàn cảnh của cuộc đời.
 Cuối thập niên 60, Nhật Trường thành lậo Ban ‘ Trường Ca 20 ‘ và một nhà xuất bản cùng tên, để xuất bản những nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh. Trên đài truyền hình Sài Gòn và sân khấu, lần đầu tiên Nhật Trường dựng Nhạc cảnh ‘ Anh không chết đâu Anh ‘, diễn chung với Thanh Lan, lúc đó đang là một nử ca sĩ ăn khách và nổi tiếng, nhất là giới sinh viên trí thức, vì Thanh Lan và Hoàng Oanh là sinh viên của Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn. Cũng theo Nguyễn Long, nhiều nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh lúc đó, đã phát hành tới mấy trăm ngàn bản, tương dương với nhạc của Phạm Duy, Khánh Băng, Lam Phương và Hoàng Thi Thơ.
 Quen nhau từ lúc còn ở Phan Thiết, biết nhau vì cùng học chung nhiều năm ở Trường Nam tiểu học tới Trung Học Phan Bội Châu nhưng giữa chúng tôi là hai thế giới khác biệt vì hoàn cảnh gia đình và nhân sinh quan. Từ năm 1958 Nhật Trường vào Sài Gòn theo hẳn con đường ca hát nghệ thuật, cũng là thời gian bọn tôi xa hẳn, vì cuộc chiến đời lính và danh phận.
 Tháng 7-2004 về Nam California ra mắt sách, qua những bạn bè cũ như Họa sỹ Duy Huệ, Giáo sư Nguyễn Minh Ðức, nhà thơ Phan Thiết Phạm Ðình Thừa.. tới thăm cố nhân. Bấy giờ Nhật Trường đã bắt đầu phát bệnh nhưng ông vẫn uống bia với anh em để mùng ngày Hội Ngộ 50 năm , qua một cuộc biển dâu trầm thống. Rồi thì mỗi người một ngả vì sinh kế, tôi về Xóm Cồn Hạ Uy Di với cuộc sống du tử đìu hiu, Nhật Trường ở lại chốn Tiểu thủ đô Sài Gòn, cuộc đời xe ngựa. Nhưng không biết sao, ông lại bỏ mọi người trở về quê mẹ Phan Thiết vào tháng 6-2005, khiến cho bạn bè chỉ còn biết ngỡ ngàn trong ngấn lệ.

Từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Tháng 11-2010
HỒ ÐINH

Saturday, November 13, 2010

Cao Xuân Huy và Hình Ảnh Tháng 3 Gãy Súng





Đọc Truyện Tháng Ba Gãy Súng on line


Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ. Tôi viết những điều mà những thằng lính chúng tôi đã trực tiếp tham dự nhưng không ai viết lại, trong khi nhiều người đã viết về những chuyện chiến trường thì hình như chẳng có ai dự.
Trong lứa tuổi của tôi, lứa tuổi dưới mười khi theo gia đình di cư từ Bắc vào Nam, ngoại trừ những người có thân nhân ruột thịt bị giết bởi Việt Cộng, còn hầu hết, có bao nhiêu người thực sự căm thù Việt Cộng đâu, vì rõ rệt một điều là từ lứa tuổi tôi trở xuống, có đứa nào biết Việt Cộng là cái gì đâu. Cũng y như lứa tuổi dưới mười khi theo cha mẹ qua Mỹ từ năm 1975 ở đây bây giờ. Cũng thù ghét Việt Cộng vậy, nhưng chỉ là cái thù gia truyền, cha mẹ thù ghét thì mình cũng thù ghét theo thế thôi, chứ chẳng có gì là sâu đậm cả. Cho đến khi lớn lên, đầu óc đã tạm đủ để suy xét thì khổ một nỗi, hệ thống tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa lại có giá trị phản tuyên truyền nhiều hơn là tuyên truyền. Cho nên khi vào quân đội, tôi tình nguyện vào đơn vị tác chiến thứ thiệt vì căm thù kẻ địch thì ít mà vì cái máu ngông nghênh của tuổi trẻ, vì bị kích thích bởi những cảm giác mạnh của chiến trường thì nhiều.
Tuy nhiên, vì ở một đơn vị thường xuyên tác chiến, cùng gian nguy, cùng sống chết với nhau nên tôi đã gắn bó với bạn bè, đồng đội trong đơn vị như với anh em ruột thịt. Tôi yêu đơn vị tôi, tôi yêu màu mũ, màu áo tôi, tôi yêu thuộc cấp tôi và tôi kính trọng thượng cấp tôi. Tôi bình thản chấp nhận mọi thói hư tật xấu của thượng cấp và thuộc cấp, và chính tôi cũng có quá nhiều thói hư tật xấu.
Nhưng, khi hai ông xếp lớn của tôi là đại tá Lữ đoàn trưởng và trung tá Lữ đoàn phó bỏ Lữ đoàn gồm bốn Tiểu đoàn tác chiến và các đơn vị phụ thuộc tổng cộng vào khoảng trên dưới bốn ngàn người trong cơn quẫn bách để chạy lấy thân thì lòng căm hận của tôi đột nhiên bùng dậy. Tôi giết Việt Cộng không gớm tay nhưng không bởi lòng căm thù vì giữa chúng tôi và Việt Cộng đã có lằn ranh rõ rệt, hai bên chiến tuyến hẳn hòi, hễ cứ thấy mặt nhau là giết, dùng mọi mưu mọi cách để giết nhau. Còn đằng này, vừa mất niềm tin vừa tủi nhục vì những người mình vừa kính trọng vừa phải tuân lệnh một cách tuyệt đối.
Làm thuyền trưởng thì phải sống chết theo tàu, làm đơn vị trưởng thì phải sống chết theo đơn vị. Tôi muốn nói đến tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy. Người có quyền hành mà không có trách nhiệm nào có khác gì kẻ phản bội. Chúng ta thua không phải vì kẻ địch mạnh mà vì trong hàng ngũ chúng ta có quá nhiều kẻ phản bội và hèn nhát. Chính vì lòng thù hận sự hèn nhát và vô trách nhiệm của cấp chỉ huy nên hình ảnh và diễn tiến những ngày cuối cùng trước khi cả Lữ đoàn tan rã và bị bắt bởi khoảng hơn một đại đội du kích Việt Cộng vào nửa cuối tháng Ba năm 1975 đã như một cuốn phim nằm in trong trí nhớ của tôi, chỉ cần một cái ấn nút là được chiếu lại một cách rõ nét với đầy đủ những suy nghĩ và phản ứng của tôi, với từng diễn tiến nhỏ mà tôi đã phải trải qua.
Tôi ôm cái kỷ niệm đau đớn và tủi nhục này cả chục năm nay, qua những năm tù đày, qua những ngày tháng lang thang ở trại tỵ nạn, qua đến Mỹ, tôi đọc được lời tuyên bố của một ông tướng cũ nào đó trên báo đại khái “Ðể mất nước là tội chung của mọi người, làm lớn thì tội lớn, làm bé thì tội bé”. Tôi nghĩ ngay đến một điều là những thằng đâm sau lưng chiến sĩ có tội, và những thằng chiến sĩ đưa lưng cho xếp của mình đâm cũng có tội luôn. Ðiều này đã là cái ấn nút để tôi kể lại câu chuyện này.
Ðiều tôi muốn nói trong quyển sách này là không ai là không quay lại nhìn chỗ mình vừa ngã, và cũng không ai là không quay lại nhìn đống phân mình vừa thải. Ngã là lỗi của chính mình, và phân có thối cũng là phân của mình, vậy mà tại sao cả chục năm nay vẫn không thấy ai dám quay nhìn lại cái lỗi đã làm cho mình ngã lên ngay trên đống phân của mình, mà chỉ có toàn những lời chửi bới và đổ lỗi cho người khác, can đảm lắm cũng chỉ dám nhận một cái lỗi chung chung “lớn lỗi lớn, bé lỗi bé” đúng theo cái kiểu “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Thằng thất phu còn có lỗi thì còn ai mà không có lỗi, tôi cũng đành có lỗi vậy.
Tôi không nhớ câu này của ai: “Cái đám quân thần của triều đình cũ chẳng có gì phải ngại cả, vì khi có quân có quyền trong tay họ còn chẳng làm được trò trống gì, thì bây giờ, chỉ còn trơ lại có mỗi cái thân giá áo túi cơm, hỏi rằng họ sẽ làm được gì hơn ngoài cái giá và cái túi”.
Ðâu phải đất nước ta là một bàn cờ để hễ đánh thua ván này, xóa đi xếp quân làm lại bàn khác mà tướng vẫn là tướng, quân vẫn là quân. Ðâu phải những con xe, con mã, con chốt đã chết đi đều có thể dựng đầu dậy để làm lại một trận mới.
Trí đã không mà dũng cũng không, chỉ có mỗi cái tài dở dở ương ương là sử dụng một cách bừa bãi cái dũng của người khác đến nỗi phải bỏ cả đất nước mà chạy, đánh lừa để bỏ hàng triệu thằng dám chiến đấu tới cùng vào trong những trại tù đỏ, vậy mà vẫn còn dám chường mặt ra đòi tiếp tục làm cha mẹ dân thì quả là quá lắm lắm. Cái dĩ vãng thối tha và hèn nhát thì dù cho người đương thời có thể bỏ qua, nhưng lịch sử đâu có tha thứ. Vẫn cái chính danh là chống Cộng nhưng cái ngôn của các ông trước kia làm xếp lớn đã không thuận rồi, bây giờ phải để cho lớp người mới. Với tư thế mới, họ mới là những người thuận ngôn. Danh chính ngôn thuận mới có thể thắng được Việt Cộng, khôi phục lại được đất nước. Những con chốt thấp cổ bé miệng, những thằng bị đè đầu sai khiến ngày xưa và những người mới lớn bây giờ mới có quyền nói và mới là người có tư cách làm.
Quyển sách này không hề là một tiểu thuyết mà là một hồi ký. Bởi vì tôi chưa từng là một người cầm bút và tôi cũng không biết cách sắp xếp câu chuyện như thế nào. Tháng Ba thì mọi người đã rõ, còn Gãy Súng, tôi muốn nói lên một điều đau lòng cho những thằng lính cầm súng, khẩu súng mà không có đạn thì giá trị không bằng một khúc củi mục, chính tôi đã dẫn đại đội xung phong lên chiếm mục tiêu mà chỉ bắn bằng mồm. Súng của chúng tôi có phải là đã bị bẻ gãy không khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn cho chúng tôi để chúng tôi chiến đấu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi? Tôi đặt chữ Gãy Súng cho quyển sách này là như vậy.
Và tôi gọi Tháng Ba Gãy Súng là hồi ký vì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều tôi viết, tất cả những địa danh, những tên người, tên đơn vị, tất cả những diễn tiến đều là thật, thật một trăm phần trăm. Tôi không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào, chắc chắn là tôi đã quên khá nhiều chi tiết, và với cấp bậc và chức vụ thấp kém của tôi, chắc chắn là có rất nhiều dữ kiện mà tôi đã không được biết. Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mắt thấy, tai nghe, những điều tôi đã nhận lệnh và đã thi hành.
Nếu Tháng Ba Gãy Súng là tiểu thuyết thì tôi lại phải thêm một câu màu mè đại khái “những nhân vật và những sự việc đều do sự tưởng tượng của tác giả, mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên ngoài ý muốn...”, trong khi tôi chỉ có một điều ngoài ý muốn là tôi đã không đủ khả năng để viết tất cả những điều tôi phải viết.

Bút Ky'
Cao Xuân Huy 



Kinh thua cac bạn
Nhà Văn CAO XUAN HUY
tác giả hồi ký THÁNG BA GÃY SÚNG đã giã từ chúng ta vào lúc 4:57 phút chiều thứ sáu 13 tháng 11-2010 (giớ Califoirnia)
sau mot thời gian bị bạo bệnh, tại tư gia thuộc thành phố Lake Forest, Orange County, California
Nhà Văn Cao Xuân Huy sinh năm 1947 tại
Bắc Ninh, Việt Nam.
Nguyên Trung Uý Đại Đội Phó ĐĐ 4 thuộc TĐ 4 TQLC,
bị CS Bắc Việt bắt tại mật trận Quảng Trị vào tháng 3-1975
và bị cầm tù 5 năm.
Ông vượt biển đến Cali năm 1983.
Tang lễ sẽ cử hành tại Peek Family (Bolasa- Little Saigon), nhưng hiện nay gia dình chưa có giờ quàn, thăm viếng và tiễn đưa.
Xin thanh thật chia bùôn cùng chị Cao Xuan Huy, tang quyền và xin cầu nguyện cho linh hồn bạn Cao Xuân Huy sớm siêu thoát.
Ghi Chú; Trong chuong trinh Huynh De Chi Binh/SBTN vào ngày thứ năm 19/11 vào lúc 2:00PM và thứ bảy 21/11 vào lúc 10PM,(gio Cali) chúng tôi sẽ chiếu lại cuộc phỏng vấn Cao Xuan Huy vào tháng 6-2007 về những ngày tháng 3 của TQLC Cao Xuan Huy tại mặt trận Quang Trịị cũng nhưng tâm tình cua ông về Tháng Ba Gãy Súng.

Huy Phuong SBTN  







Thông báo về Tang Lễ của MX Cao Xuân Huy
 
Địa điểm: Peek Funeral Home
               7801 Bolsa Ave. Westminster, CA 92683
               Phòng số 2
 
Thời gian:
               Thứ Ba 16 tháng 11 năm 2010
-       Lễ Phủ Kỳ 6:00 PM
 
Thứ Tư 17 tháng 11 năm 2010
-       Thăm viếng từ 12:00 noon đến 8:00 PM
 
Thứ Năm 18 tháng 11 năm 2010
-       9:00 AM Nghi thức Tôn Giáo
-       10:30 Di Quan
-       Hỏa Táng (trước 11:00AM)
 
Trân trọng thông báo  đến quý niên trưởng, quý chiến hữu, về thời gian và địa điểm của Tang Lễ.
Xin quý anh em thu xếp để có mặt đông đủ trong nghi thức Phủ Kỳ ngày thứ Ba.
Xin quý anh em giúp thông báo đến anh em không có e-mail.
 
Nguyễn Phục Hưng


Sổ tay thường dân Tưởng Năng Tiến: Cao Xuân Huy Từ Chuyện Tháng Ba Gẫy Súng
Nhà văn Cao Xuân Huy - ảnh: Việt Báo.

Tháng 3 năm 1975, lúc đang còn ở lứa tuổi đôi mươi, khi khổng khi không, ông Cao Xuân Huy - một cựu sĩ quan của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, thuộc Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà - giã từ vũ khí. Bỏ súng đạn, dù ở vị thế của một kẻ chiến bại, để chấm dứt một cuộc chiến tranh đã triền miên tàn phá quê hương đất nước, không chừng,  cũng là kỳ vọng hay ước mơ tiềm ẩn của trung úy Cao Xuân Huy (nói riêng) và của cả nước (nói chung).
Sau đó (theo như lệnh của những nguời thuộc phe thắng trận) ông Cao xuân Huy cầm cuốc, cuốc tới tấp, cuốc túi bụi, cuốc không ngừng, cuốc tưng bừng, và cuốc liên tục (rất nhiều năm) trên những thửa đất … vô phương canh tác – ở nhiều trại cải tạo khác nhau. Điều này, dường như, không nằm trong ‘’ dự kiến ‘’ của cả nước (nói chung) và ‘’học viên’’ Cao Xuân Huy (nói riêng).
Cây cuốc, một nông cụ rất hữu ích và phổ biến kể từ khi loài người bắt đầu đời sống định canh cho đến hết Thời Trung Cổ, nếu đuợc tận dụng và thiện dụng, trong điều kiện đất đai và thời tiết lý tưởng (may ra) mới có thể mang lại vừa đủ cơm áo cho chính bản thân người sử dụng. Còn dùng thứ cuốc do tập thể làm chủ, bằng hình thức lao động cưỡng bách, trong điều kiện làm việc khắc nghiệt, trên những nông truờng quốc doanh, theo những kế hoạch kinh tế cứng rắn và hoang tưởng, vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ hai mươi… thì chỉ là một sự phí phạm nhân lực vô cùng tai hại và đáng tiếc - nếu nói một cách bao dung. Nói cách khác, chính xác hơn, đây là một phương cách trả thù hèn hạ đê tiện của những kẻ tiểu tâm.
Bởi vậy, sau khi rời trại cải tạo, ông Cao Xuân Huy đã không đến những vùng kinh tế mới để tiếp tục cuốc cầy – theo ý muốn của những người thuộc phe thắng trận. Ông đã bỏ nuớc mà đi.
Tháng 3 năm 1975, không phải chỉ có một mình trung úy Cao Xuân Huy bỏ súng. Sau đó, ông ta cũng không phải là kẻ duy nhất vươ?t biên. Ông chỉ là một trong hàng triệu triệu dân Việt - trong cơn quốc biến - hốt hoảng, ù té, bỏ chạy, hay đâm xầm ra biển, tứ tán, lênh đênh, phiêu bạt khắp bốn phương trời.
Giữa ông Cao Xuân Huy và phần lớn những người Việt tị nạn cộng sản khác chỉ có một chút dị biệt nho nhỏ. Sau khi bỏ súng, bỏ cuốc - thay vì cầm kìm, cầm búa hay một dụng cụ nhẹ nhàng nhưng thiết thực nào khác để kiếm sống nơi quê nguời đất khách - ông Cao Xuân Huy (chả may) lại vớ ngay cây bút, một vật dụng mà hiệu quả trong việc mưu sinh vô cùng giới hạn  và vẫn thuờng gây vô số chuyện phiền lòng (cũng như tai nạn) cho khổ chủ!
Dù vậy ông Cao Xuân Huy vẫn viết hết lòng, và tro+? thành mo^.t nhà văn Việt Nam lưu vong nổi tiếng (được nhiều người yêu qúi) trong suốt hai thập niên qua – dù ông viết không nhiều. Là một độc giả của ông nên khi có dịp gặp gỡ, tôi đã lên tiếng phàn nàn:
- Cha nội này làm biếng chết mẹ, uống thì nhiều mà viết chẳng bao nhiêu.
- Thì mày cũng vậy!
Chúng tôi cùng cười ha hả, và cùng “tự hứa” sẽ bỏ rượu (trong tương lai gần) để cầm bút một cách đàng hoàng, nghiêm chỉnh và chăm chỉ hơn. Cái “tương lai gần” này, tiếc thay, vẫn cứ hơi xa quá đối với tình trạng sức khoẻ mong manh của Cao Xuân Huy trong thời gian qua.
Sáng nay, tôi cầm tờ Người Việt mà bỗng thấy run tay:
“Ông Cao Xuân Huy, tác giả cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng,’ qua đời chiều Thứ Sáu 12 tháng 11, 2010, sau một thời gian bạo bệnh, tại tư gia ở Lake Forest, California.”
“Tại hải ngoại, ông Cao Xuân Huy từng cộng tác với báo Người Việt trong nhiều năm, cũng như với tuần báo Việt Tide. Ông nhiều lần làm tổng thư ký tạp chí Văn Học và chủ biên tạp chí này.”
“Tuy hoạt động rất nhiều với văn chương, ông ít khi tự nhận mình là nhà văn. Trong bài tựa cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng,’ ông viết, ‘Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ.”
“Nhà thơ Du Tử Lê cũng viết rằng ông Cao Xuân Huy ‘là người luôn từ chối hai chữ ‘nhà văn’ một cách thẳng thắn, với đôi chút khinh bạc của một Thủy Quân Lục Chiến, binh chủng ông từng vào sinh, ra tử, suốt tuổi thanh xuân, cộng thêm 5 năm tù ‘cải tạo!’”
“Ông Cao Xuân Huy sinh năm 1947 tại Bắc Ninh, Việt Nam. Ông đi lính năm 1968, là cựu Trung Úy Đại Đội Phó ĐĐ 4 thuộc Tiểu Đoàn 4 Thủy quân lục chiến. Tại mặt trận Quảng Trị vào tháng 3, 1975, ông bị bắt làm tù binh và bị cầm tù 5 năm.” “Năm 1982 ông vượt biên và đến Mỹ năm sau đó. Năm 1985, ông in cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng.’ Bốn tháng trước khi qua đời, ông Cao Xuân Huy ra mắt cuốn ‘Vài mẩu chuyện,” do tạp chí Văn Học xuất bản.
“Trong cáo phó, gia đình ông Cao Xuân Huy viết, ‘Mọi phúng điếu, nếu có, sẽ dành trọn để yểm trợ: Quỹ Thương binh Thủy Quân Lục Chiến VNCH, và Trại Trẻ em Cô nhi, Khiếm Thị Long Thành, Việt Nam.”
“Chương trình tang lễ ông Cao Xuân Huy được cho biết như sau:
- Nghi lễ nhập quan và phát tang: 12 giờ trưa Thứ Ba 16 tháng 11.
- Nghi lễ phủ kỳ: Từ 18 giờ đến 20 giờ Thứ Ba 16 tháng 11.
- Thăm viếng: Từ 12 giờ đến 20 giờ Thứ Tư 17 tháng 11.
- Nghi lễ hỏa táng: Từ 9 giờ đến 11 giờ Thứ Năm 18 tháng 11.
Địa điểm: Peek Family Funeral Home, 7801 Bolsa Ave., Westminster, CA 92683, điện thoại (714) 893-3525.”
Tôi vốn ham chơi, và hay thích đàn đúm. Đ... mẹ, bạn bè – khi khổng khi không – nó bỏ đi (ngang hông và ngang xương) như vậy thì tôi còn biết uống với ai, và viết cho ai đọc nữa?
 Tưởng Năng Tiến


T Vấn:  Ông Gẫy Súng    đã “ lên tàu ” (*)
Tâm tình một nẻo quê chung
Người về cố quận, muôn trùng ta đi
(Huy Cận)
Như vậy là ông Gẫy Súng đã lên tàu về quê.
Lần này thì súng của ông bị bẻ gẫy chẳng bởi tại người, hay bởi vận nước, mà bởi cái lẽ sinh lão bịnh tử mà không một ai thóat ra khỏi được vòng cương tỏa của nó.
Trước khi bước chân lên tàu, ông đã chiến đấu rất dũng mãnh và can trường, không kém gì trận chiến năm xưa dù sau đó súng của ông (và của rất nhiều những chiến hữu của ông) đã bị bẻ gẫy. Súng gẫy thì vất súng, ông cầm bút. Mấy chục năm nay lưu vong nơi xứ người, với cây bút trên tay ông đã làm được nhiều việc mà không phải ai cũng làm được. Cho đến giây phút ông không còn sức để cầm bút nữa, không một ai có thể bẻ gẫy được ngòi bút của ông. Và ông vẫn là một chiến sĩ cho đến giây phút cuối cùng. Một con Kình Ngư không hề biết sợ sóng, sợ gió.
Nay thì con Kình ngư sẽ về nằm yên nghỉ giữa biển cả mênh mông, ngày đêm nghe tiếng sóng vỗ rì rào như lời mẹ ru đón con ra khỏi cuộc đời, thay cho những tiếng thét đau đớn uất hận ngày nào trên bãi biển Thuận An (Huế).
Những người bạn chiến đấu của ông, những người nằm lại trên bãi biển Thuận An từ dạo tháng Ba năm ấy, hẳn sẽ vui mừng chào đón ông, như chào đón một chiến binh quả cảm đã dũng mãnh tiếp tục cuộc chiến, dù không cân sức, thay cho những đồng đội của mình bị lọai khỏi vòng chiến một cách tức tửi.
Tôi hình dung ra chuyến tàu “suốt” vừa ngừng lại đón ông Gẫy Súng, đang từ từ tiến vào trạm cuối cùng. Trên sân ga, lố nhố những bóng người quen thuộc của bãi biển Thuận An năm nào. Người bạn chiến đấu năm xưa đã trở về, thể xác tuy mệt mỏi nhưng thần thái ung dung. Họ lại tiếp tục ngồi bên nhau uống rượu, hút thuốc lá, chửi thề, nhắc lại cho nhau những kẻ còn, người mất (trong thế giới của những người lính gẫy súng ở giờ thứ hai mươi lăm, kẻ còn tức người đã chết và người mất, tức những kẻ còn nặng nợ trần gian, chưa mãn hạn để có thể thảnh thơi bước lên tàu). Và chắc chắn, ông Gẫy Súng có rất nhiều điều để nói cùng bạn hữu. Bạn bè ông, ngoài nỗi vui gặp lại bạn cũ, hẳn còn nỗi vui khác lớn hơn.Ít nhất, thằng Tháng Ba Gẫy Súng đã nói lên được cho họ nỗi uất ức đến chết không thể nhắm mắt của một ngày tháng Ba năm 1975.
Chỉ với một tác phẩm, quyển hồi ký “Tháng Ba gẫy sung”, ông đã làm tròn vai trò một chứng nhân lịch sử, làm tròn sứ mạng thiêng liêng của một người cầm bút. Với người cùng thời, những người đã từng sát cánh với ông ở một bên chiến tuyến, ông là hiện thân của lương tâm, của sự dũng cảm, của những khát vọng được sống một cuộc sống bình thường như một con người bình thường. Với những người đã từng một thời cầm súng đứng ở bên chiến tuyến đối nghịch với ông và những bạn bè của ông, ông là ngọn gió thổi tan đi lớp sương mù ngộ nhận, gây ra bởi một guồng máy tuyên truyền vô nhân tính chỉ nhằm gieo cấy lòng thù hận giữa những người cùng một dòng máu đỏ da vàng. Với những thế hệ chưa một ngày sống qua chiến tranh, ông là ngọn đèn soi cho họ thấysự thảm khốc cùng cực của chiến tranh, sự vô nghĩa của thân phận con người trong lửa đạn, sự độc ác vô luân của những tham vọng áp đặt chủ thuyết này, ý thức hệ nọ lên quốc gia dân tộc.
Tất cả những thành tựu không nhỏ ấy, lại là kết quả từ một tập sách mỏng, của một người vốn trước đó không phải là nhà văn. Theo lời một vị thầy của tôi (nhà văn Nguyễn Xuân Hòang), ông không phải là một nhà văn, nhưng đã viết nên “những trang văn xuôi lương thiện và giản dị về con người”.
Tôi nhớ có người nào đó bảo rằng con người ta ai cũng có hai lần chết. Lần chết thứ nhất là khi thân xác được bỏ vào quan tài. Lần chết thứ hai là khi không còn ai nhắc đến tên mình nữa.
Nếu quả đúng như vậy thì ông Gẫy Súng của tôi chỉ chết có một lần.
Bao lâu người ta còn nhắc đến, còn bàn luận về cuộc chiến tranh tương tàn khốc liệt giữa những người Việt ở hai miền Nam Bắc thì ngày ấy người ta còn phải nhắc đến tên ông, nhắc đến những ngày cuối cùng bi thảm của cuộc chiến.
Hơn 25 năm nay, tiếng kêu bi phẫn của ông Gẫy Súng đã được nhiều người lắng nghe. Mỗi người, ở vị trí của mình – trong và sau cuộc chiến – đều mang một tâm trạng khác nhau khi đọc ông. Người ta có thể phản bác ông, nhưng tôi tin rằng, không một ai – dù là người ở bên kia chiến tuyến với ông – có thể nghi ngờ tính nhân bản phủ đầy những trang viết của Tháng ba Gẫy Súng, kể cả những trang mô tả sự tàn nhẫn khốc liệt nhất, kể cả ở những câu đối thọai độc ác nhất, kiểu “Đụ mẹ, đánh giặc đã quá ông thầy!”
Khi tôi viết những dòng này, hẳn đôi mắt ông Gãy Súng đã nhắm lại (tôi tin như vậy, vì ông có quá nhiều lý do để thanh thản ra đi). Ông có mãn nguyện không? tôi không thể quả quyết. Nhưng nếu tôi là ông, tôi sẽ mãn nguyện. Những gì cần phải làm cho người chết với tư cách kẻ sống sót, ông đã hòan thành xuất sắc.
Ông ra đi, những vẫn còn lại những trang viết, những “trang văn xuôi lương thiện và giản dị về con người”. Vì chúng lương thiện và giản dị, nên chắc chắn chúng sẽ bất tử.
Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã từng kêu lên: Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? Giả như ba trăm năm sau ngày cụ Nguyễn Du lên tàu “ suốt “, vẫn còn có người khóc cụ thì phỏng có ích gì cho cụ không khi thân xác cụ đã chỉ còn là nắm đất vụn. Điều quan trọng là những câu lục bát của cụ vẫn còn được lưu truyền không chỉ ba trăm năm, mà sẽ là ba ngàn năm, ba triệu năm nữa.
Còn ông Gẫy Súng của chúng tôi? Ông có cần phải thắc mắc rằng ba trăm năm sau liệu có còn ai nhớ đến ông không? Tôi không tin ông bận tâm về điều đó. Vì những trang viết lương thiện và giản dị của ông, không phải chỉ cho ông, mà còn cho một thế hệ tuổi trẻ (ở cả hai miền Nam Bắc) Việt Nam tội nghiệp. Nếu ba trăm năm sau, có kẻ hậu thế nào đó – nhờ đọc được Tháng Ba Gẫy Súng của ông – đã làm hết sức mình để tránh cho lịch sử của ba trăm năm trước lập lại, thế cũng đã quá đủ một đời phong ba rồi, phải không ông?
Mấy hôm trước, nghe tin ông đang ngấp nghé bên bờ tử sinh, tôi đã nhờ người quen kẻ biết nhắn với ông rằng “Chừng nào tới giờ lên tàu, ông cứ thanh thản lên tàu. Đừng lo cho chúng tôi. Thế nào cũng còn chỗ cho kẻ đến sau, chứ không phải như tháng Ba gẫy súng năm nào mà phải giành nhau đâu, ông Cao Xuân Huy ạ!”.
Đường đời muôn vạn nẻo, nhưng chỉ có một nẻo đích thực để trở về cố hương. Đó là lối nhỏ đi qua những tấm lòng bằng hữu, với hành trang trên vai là lòng thương yêu của những người thân kẻ thuộc trong gia đình.
Ông Gẫy Súng của tôi ơi! lối nhỏ bằng hữu đang hân hoan đón chào ông, hành trang thương yêu của gia đình đang sẵn sàng chờ ông ghé vai đỡ lấy.
Chúc người về cố quận thượng lộ bình an!
T.Vấn
Thứ Sáu 12 tháng 11 năm 2010
* Ông Cao Xuân Huy thở hơi cuối cùng vào lúc khỏang 4 giờ 53 chiều (giờ Cali) ngày thứ Sáu 12 tháng 11 năm 2010.Nhận được tin do một người anh em trong gia đình TQLC của CXH cho hay qua e-mail lúc 8 giờ tối (giờ Wichita, KS đi trước Cali 2 tiếng), tôi bỏ hết mọi công việc hàng ngày, vì không thể làm được gì khác, ngòai việc ngồi vào bàn viết. Và dù không muốn rườm lời, nhưng tôi nghĩ, để đưa tâm cảnh người đọc vào thế giới “ông Gẫy Súng”, tôi thêm phần phụ lục này vào cuối bài. Đó là bài phóng bút khi tôi vừa đọc được tin ông Cao Xuân Huy đang ở vào những ngày cuối cuộc đời (đã được giới thiệu trên trang Web cá nhân của tôi – T-Van.Net – ngày 3 tháng 11 năm 2010).
Cao Xuân Huy tháng Ba gẫy súng
Đêm không ngủ được.Đọc lại những hàng chữ cũ. Chuyện của nhiều năm trước như hiển hiện trước mặt. Tươi rói như mới vừa xẩy ra hôm qua. Rồi bỗng nhiên biến mất và tối đen như màn hình chiếc Ti Vi bị mất điện. Ông già trong hình ảnh cặp vợ chồng già ngồi lặng lẽ giữa buổi chiều thu vàng (của Ân tình tháng mười một), – thở dài thườn thượt khi nhìn thấy con gà trống nhảy lên lưng con gà mái miệng kêu cục cục,- vừa mới lên chuyến xe cuối cùng về hư vô hôm tuần trước. 86 tuổi mới chết thì cũng chẳng có gì tiếc nuối. Buổi tiễn đưa ông, tôi đứng trước quan tài, nhìn khuôn mặt người bạn già (vong niên) bình thản, bỗng thấy lòng mình cũng bình thản lạ lùng. Không gian tràn đầy tiếng hát của ông (thu âm từ những ngày ông còn là một ca nhạc sĩ tài tử), nghe ấm áp và an ủi. Một buổi lễ đưa tang không đượm chút u buồn. Một cảm giác nghỉ ngơi, nhẹ nhõm khiến mọi người trở nên thư giãn. Đây là hình ảnh lý tưởng của cái chết, của sự chia ly. Có ích gì đâu mà phải khóc lóc nỉ non níu chân người đi. Ai rồi cũng được một lần lên đường. Hãy tìm lại cái háo hức thời tuổi trẻ làm hành trang, đừng ôm đồm mang theo làm gì những kỷ niệm, chúng chỉ khiến người đi nặng xác nặng lòng.
Cũng cuối tuần trước, một chiều thu rất điển hình của thu – không gian im ắng, lá rơi xào xạc, cơn gió vừa đủ cho cảm tưởng cần một chiếc áo khóac nhẹ – những người bạn của chiều thu năm nào lại hẹn hò gặp nhau ở Oklahoma. Tuy không đủ mặt, nhưng có còn hơn không. Thay vì những tiếng đàn, tiếng hát của năm nào thì nay chỉ còn những câu chuyện, kể về... chiều thu năm ấy. Rồi ngậm ngùi nhìn nhau. Rồi chép miệng than van : thời gian như chim bay, như gió thổi. Thóang chốc đã 5 năm. Thóang chốc đã kẻ ra đi, người ở lại.
Và sáng nay, trong lúc nhấm nháp ngụm cà phê thơm phức đầu ngày, ngụm cà phê quen thuộc cho cảm giác mình vẫn còn sống, còn thở, chiếc màn hình cái laptop trước mặt chập chờn hàng chữ:
Nhà văn Cao Xuân Huy tác giả của tác phẩm Tháng 3 Gãy Súng, là một cây viết được nhiều người yêu mến và cũng là một ký giả từng cộng tác với nhiều tờ báo Việt ngữ tại miền Nam California, ông cũng là một cựu sĩ quan thuộc Tiểu đoàn 4 Kình Ngư Thủy Quân Lục Chiến, sau một thời gian vật lộn với căn bệnh Ung thu Gan, hiện nay ông đang mấp mé những ngày cuối đời, thời gian chỉ tính bằng ngày hoặc ráng lắm thì bằng tuần mà thôi... (Calitoday -11/02/2010).
Ngụm cà phê trong miệng bỗng nhạt thếch. Thêm một con nhạn là đà... sắp rụng. Cao Xuân Huy hơn tôi độ 1 hay 2 tuổi. Tôi chẳng quen ông, và ông cũng không biết (không nhớ) tôi là ai. Ngày mới qua Mỹ, quyển sách đầu tiên tôi đọc là quyển Tháng Ba gẫy súng, tình cờ tìm thấy nơi thư viện thành phố. Sau đó, tôi đã nhiều lần đọc lại, mỗi lần đọc là mỗi lần muốn chửi thề như tác giả đã chửi thề trong sách.
Ông nhà văn Hòang Khởi Phong, tác gỉa “Ngày N, Giờ G”, người mà trước khi vui vẻ nhận tôi vào vai em, đã cùng tôi “chỏang nhau” ra trò nhân một bài viết của tôi ông lấy từ trang Talawas về đăng trên tờ Người Việt ở Nam Cali (hồi đó HKP còn là chủ bút của tờ báo). Ông bảo, Cao Xuân Huy là em kết nghĩa của ông, ông cũng sẽ coi tôi như Cao Xuân Huy, vì chúng tôi cùng độ tuổi, cùng tính tình ngang bướng (sic). Dầu vậy, tôi vẫn không quen Cao Xuân Huy.
Một thời gian sau, bỗng một hôm tôi nhận được bức e-mail chuyển lại từ Talawas của Phạm thị Hòai. Tác giả là ông Cao Xuân Huy. Ông muốn tôi đồng ý cho ông đăng trên tạp Chí Văn Học (CXH là Tổng Thơ Ký), một bài viết của tôi vừa lên mạng Talawas, đề tài về thành phố New Orleans trong cơn bão Katrina. Tất nhiên là tôi hoan hỉ bằng lòng. Sau đó, CXH gởi cho tôi một gói to tướng những số báo Văn Học, mới cũng như cũ (thay cho nhuận bút, có lẽ! Nhưng có bao giờ tôi đòi hỏi nhuận bút đâu, nhất là với ông CXH, người dạy tôi chửi thề.). Dầu vậy, tôi vẫn không quen Cao Xuân Huy.
Mới đây, ông Cao Xuân Huy có in một quyển sách, nhan đề “Vài mẩu chuyện”, ra mắt độc giả ở hội trường báo Việt Herald. Đến phần tác gỉa phát biểu, ông nói: “ Đây không phải là ra mắt sách. Thực ra, đây chỉ là giới thiệu cuốn sách vừa mới ra của tôi với anh em” Ông chỉ nói thế thôi rồi đi xuống. Buổi ra mắt sách, theo lời tường thuật của Việt Herald (nhờ vậy mà tôi được biết chuyện này), có sự tham dự của nhiều giới, trong đó có 2 vị cựu lính Thủy Quân Lục Chiến (cấp chỉ huy trong binh chủng của ông Cao Xuân Huy) là cụ Trường Can Đòan Trọng Cảo và cụ Phila Tô Văn Cấp. Hai vị này vốn là “bạn học” nhiều năm của tôi từ hồi chúng tôi còn dùi mài cầy cuốc ở Đại-Hộc-Máu (chữ của cụ Phila). Hai cụ, trong buổi ra mắt sách ấy, khen rằng ông Cao Xuân Huy dám nói những điều mà ít người dám nói. Liều mạng cỡ như cụ Phila mà còn phải khen cái “liều” của ông Cao Xuân Huy thì quả ông Cao Xuân Huy “ngon” thật. Không “ngon” sao được khi mà ngay lần đầu tiên cầm bút viết quyển “Tháng ba gẫy súng” ông đã lừng lững đi vào văn học sử...  hải ngọai. Trong suốt 25 năm nay, nhiều người đọc thuộc nhiều giới từ trong nước đến ngòai nước, vẫn còn nhắc tới “Tháng Ba gẫy sung”. Có người bảo cái tên CXH bây giờ đã trở thành “Cao Xuân Huy Tháng Ba gẫy súng”. Cũng phải thôi, vì ông không viết nhiều, vì “Tháng Ba gẫy sung” có một số phận gắn liền với số phận cá nhân ông, số phận những người cùng lứa tuổi với ông (trong đó có tôi).
Giờ đây, ông Cao Xuân Huy đang nằm thoi thóp chờ chết. Có “quậy” cỡ nào thì cũng đến lúc này. Tháng 3 năm nào ông chờ tàu hải quân vào rước ở cửa biển Thuận An, nhưng không có tàu. Tháng 3 năm đó, ông gẫy súng. Mấy chục năm sau, ông lại chờ tàu nữa. Lần này, không phải tháng 3 mà là tháng 11 (tháng của những chuyến tàu suốt chạy liên lỉ ngày đêm phục vụ khách lữ hành đã mãn hợp đồng trần gian), nên có lẽ cái huông lỡ tàu không đến nỗi đeo đuổi ông. Bị ung thư gan thì chắc chắn sẽ có tàu lại đón, chỉ còn vấn đề sớm muộn thôi. Một khi đã được lên tàu thì gẫy súng hay không gẫy súng cũng chẳng còn gì để bàn cãi, phải không ông Cao Xuân Huy, người tôi chưa bao giờ quen, chỉ biết mà thôi!
Cái tin không vui về ông khiến tôi bần thần cả buổi. Không gian mùa thu vốn chỉ làm tâm hồn con người cảm hòai, nay trước cuộc sắp-sửa-chia-tay của ông Cao Xuân Huy với trần gian, mối cảm hòai ấy lại càng thêm đậm đặc. Tôi giở ra đọc lần nữa Tháng Ba gẫy súng. Lại chửi thề!
Cám ơn ông nhé, người đã dạy tôi chửi thề (nhờ thế mà đỡ phát điên). Chừng nào tới giờ lên tàu, ông cứ thanh thản lên tàu. Đừng lo cho chúng tôi. Thế nào cũng còn chỗ cho kẻ đến sau, chứ không phải như tháng Ba gẫy súng năm nào mà phải giành nhau đâu, ông Cao Xuân Huy ạ!
Tạm biệt ông nhé, người không quen! Nhưng có lẽ sẽ quen khi tôi gặp lại ông ở đâu đó. Nơi một cõi trên hoặc cõi dưới. Khi ấy, gẫy súng còn chẳng bận tâm huống hồ cõi trên hay cõi dưới! Phải không ông Tháng Ba gẫy súng?
Xin ông thứ lỗi, lúc này đây, một góc hồn cải lương của tôi bỗng bật câu hát nho nhỏ... Thôi về đi! đường trần đâu có gì...
Hốt nhiên, ngồi trong nhà, mà tôi tưởng như mình đang đi giữa cơn mưa thu ngọt ngào.
T. Vấn
13 tháng 11 năm 2010

 Nén hương lòng, với bao thương tiếc,
 Biền biệt tiễn người chiến hữu xưa
 Súng đạn không còn, ngòi bút sắt
 Cái tâm kia sáng rực không thừa
 Non nước đất trời luôn chuyễn hóa
 Lời nguyền lính chiến chẵng phôi phai
 Gươm mài bóng nguyệt mây che khuất
 Nuốt hận mang theo xuống cữu đài.
 
               Kính viếng vong hồn
       Chiến hữu CAO XUÂN HUY
 và thành kính Phân ưu cùng Cao xuân Huy Phu nhân
 cùng Tang quyến. Nguyện cầu Hương linh Anh sớm về cõi
Vĩnh hằng .
             Chính-Tâm NGUYỄN Hữu KÝ
        Khóa 5/68 KBC-4100, Seattle, WA/state


 
Tên tuổi Cao Xuân Huy gắn liền với tác phẩm bất hủ "Tháng Ba Gãy Súng", những trang sách kể lại những oan nghiệt khi cấp lãnh đạo từ Sài Gòn quyết định rút quân bỏ Vùng I, tôi đọc những trang sách trong xúc động, Cao Xuân Huy ghi đậm nét những những chiến sĩ mũ xanh vẫn chiến đấu, dù trong tình thế tuyệt vọng, vô cùng bất lợi. Người lính vừa đánh giặc vừa cưu mang người dân, cô sinh viên văn khoa Huế bám theo đoàn quân mũ xanh để được che chỡ, rồi một thương tâm khác khi người lính không biết lội bám víu vào tác giả, cả hai chìm lĩm, nhờ cơn sóng lớn hất tung họ ra, nhờ vậy thiên nhiên cứu mạng một người, cũng như kết liễu một người. Những trang sách cho thấy những chiến binh quá gian khổ, người lính sống bên cạnh lửa đạn, bên cạnh tử thần, những địa danh đã đi vào chiến sử như Cửa Hiền, Cửa Việt, Đồn Mang Cá, Bãi biển Thuận An, Phá Tam Giang,... Đọc Cao Xuân Huy để hiểu anh hơn, những bạn đồng ngũ với anh đã xuất hiện trên Ti Vi cho biết mũ xanh Cao Xuân Huy sống với danh dự, sống với can trường, những tình thế nguy hiểm nhất khi địch quân vây hãm, anh đưa quân đi giải cứu cho đồng đội bị kẹt trong vòng hỏa lực của địch quân sát hại. Giờ đây Cao Xuân Huy đã ra đi, bao nhiêu chiến hữu xưa, bạn văn, bạn báo thương tiếc.
 
clip_image008
Cao Xuân Huy cùng hiền nội trong hạnh phúc 
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ghi nhận về sách "Tháng Ba Gãy Súng" như sau:

"Khi trang cuối của Tháng Ba Gãy Súng được gấp lại, người đọc hình như vẫn cảm thấy còn một điều gì đó chưa xong chưa hết. Cái dấu chấm hết của mệnh đề sau cùng vẫn còn là một lời hứa hẹn sẽ mở ra một trang sách khác. Dù sao những hình ảnh tàn nhẫn và khủng khiếp, những nỗi lo âu và hãi hùng vẫn còn đọng lại trong ta.
 
Vẫn còn đọng lại trong ta những địa danh, địa hình, địa điểm quen thuộc của một vùng đất quê hương khô cằn, cả thời tiết của đất trời mà da thịt ta vốn từng chịu đựng, và nhất là vẫn còn đọng lại trong ta hình ảnh những con người - trong đó có chúng ta - với số phận hẩm hiu cô quạnh bị bủa vây trong cơn cuồng nộ của những biến cố bạo tàn... "

Nhà văn T. Vấn viết về Cao Xuân Huy bằng lời trang trọng:
 
"Trước khi bước chân lên tàu, ông đã chiến đấu rất dũng mãnh và can trường, không kém gì trận chiến năm xưa dù sau đó súng của ông (và của rất nhiều những chiến hữu của ông) đã bị bẻ gẫy. Súng gẫy thì vất súng, ông cầm bút. Mấy chục năm nay lưu vong nơi xứ người, với cây bút trên tay ông đã làm được nhiều việc mà không phải ai cũng làm được. Cho đến giây phút ông không còn sức để cầm bút nữa, không một ai có thể bẻ gẫy được ngòi bút của ông. Và ông vẫn là một chiến sĩ cho đến giây phút cuối cùng. Một con Kình Ngư không hề biết sợ sóng, sợ gió.
Nay thì con Kình ngư sẽ về nằm yên nghỉ giữa biển cả mênh mông, ngày đêm nghe tiếng sóng vỗ rì rào như lời mẹ ru đón con ra khỏi cuộc đời, thay cho những tiếng thét đau đớn uất hận ngày nào trên bãi biển Thuận An (Huế).
Những người bạn chiến đấu của ông, những người nằm lại trên bãi biển Thuận An từ dạo tháng Ba năm ấy, hẳn sẽ vui mừng chào đón ông, như chào đón một chiến binh quả cảm đã dũng mãnh tiếp tục cuộc chiến, dù không cân sức, thay cho những đồng đội của mình bị loại khỏi vòng chiến một cách tức tửi."
 

Những chiến binh ưu tú mũ xanh
 
Lịch sử cần sự thật, sự thật có giá trị cao quý của nó. Cao Xuân Huy viết sự thật với "Tháng Ba Gãy Súng", những sự kiện không pha chế, những ý tưởng không hư cấu, anh cam kết một câu chuyện thật một trăm phần trăm:
"Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ. Tôi viết những điều mà những thằng lính chúng tôi đã trực tiếp tham dự nhưng không ai viết lại, trong khi nhiều người đã viết về những chuyện chiến trường thì hình như chẳng có ai dự. "
Tôi nhớ câu ngạn ngữ Pháp cho là: "Thường thường rất khó nói sự thật cho người khác nghe, càng khó khăn hơn khi phải tự thú với mình.", Cao Xuân Huy cho lời nói từ lương tâm, anh yêu nghiệp làm lính tác chiến không bỏ bạn bè, anh trân quý màu cờ sắc áo mũ xanh cọp biển:
 
"Tuy nhiên, vì ở một đơn vị thường xuyên tác chiến, cùng gian nguy, cùng sống chết với nhau nên tôi đã gắn bó với bạn bè, đồng đội trong đơn vị như với anh em ruột thịt. Tôi yêu đơn vị tôi, tôi yêu màu mũ, màu áo tôi, tôi yêu thuộc cấp tôi và tôi kính trọng thượng cấp tôi. Tôi bình thản chấp nhận mọi thói hư tật xấu của thượng cấp và thuộc cấp, và chính tôi cũng có quá nhiều thói hư tật xấu."

Anh giải thích tên tựa sách, vì sao anh đặt tên cho đứa con tinh thần của anh. Hầu như giới văn chương và báo chí dúng tựa đề quyển sách này khi đề cập dến sự bức tử của Việt Nam Cộng Hòa như quân cờ bị người bạn đồng minh bỏ rơi:
"Quyển sách này không hề là một tiểu thuyết mà là một hồi ký. Bởi vì tôi chưa từng là một người cầm bút và tôi cũng không biết cách sắp xếp câu chuyện như thế nào. Tháng Ba thì mọi người đã rõ, còn Gãy Súng, tôi muốn nói lên một điều đau lòng cho những thằng lính cầm súng, khẩu súng mà không có đạn thì giá trị không bằng một khúc củi mục, chính tôi đã dẫn đại đội xung phong lên chiếm mục tiêu mà chỉ bắn bằng mồm. Súng của chúng tôi có phải là đã bị bẻ gãy không khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn cho chúng tôi để chúng tôi chiến đấu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi? Tôi đặt chữ Gãy Súng cho quyển sách này là như vậy. "
Bài viết ngắn này xin gửi đến tác giả của "Tháng Ba Gãy Súng", tôi ái mộ nét bút thành tâm, thẳng thắn của anh. Một câu thành ngữ của người Anh cho là: "Đừng viết những điều mà bạn không dám ký tên dưới đó.
Cao Xuân Huy của lòng tự trọng viết về một biến cố thật sự, anh không bẻ cong ngòi bút, anh ký tên chịu trách nhiệm những gì anh viết. Tôi xin dâng bài này đến hương inh của anh như lời tiển chân một nhà văn sống với nhũng lý tưởng cao quý của kẻ sĩ. Cầu chúc anh sớm an giấc ở cõi vĩnh hằng.
"Và tôi gọi Tháng Ba Gãy Súng là hồi ký vì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều tôi viết, tất cả những địa danh, những tên người, tên đơn vị, tất cả những diễn tiến đều là thật, thật một trăm phần trăm. Tôi không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào, chắc chắn là tôi đã quên khá nhiều chi tiết, và với cấp bậc và chức vụ thấp kém của tôi, chắc chắn là có rất nhiều dữ kiện mà tôi đã không được biết. Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mắt thấy, tai nghe, những điều tôi đã nhận lệnh và đã thi hành."
Đoạn văn trên xin chấm dứt lời tâm tình về nhà văn Cao Xuân Huy, xin anh Huy cho tôi dùng phong vị "nhà văn" đối với anh với sự ái mộ và trân quý nhất.
 
Xin chào vĩnh biệt anh! 
Trần Việt Hải



Mũ Xanh Cao Xuân Huy
ImageShack, share photos, pictures, free image hosting, free video hosting, image hosting, video hosting, photo image hosting site, video hosting site

Chia Tay Cao Xuân Huy!
 
 

Nhà văn Thảo Trường Trần Duy Hinh qua đời ngày tháng Tám 2010, rồi nay lại đến nhà văn Cao Xuân Huy, mãn phần vào ngày 12 tháng 11 năm 2010, hưởng thọ 64 tuổi. Lại một cái tang, một sự đau buồn cho giới văn học.
         
clip_image010
Cao Xuân Huy và tác phẩm 'Tháng Ba Gãy Súng"

 
Thân hữu nhà văn “ THÁNG BA GÃY SÚNG “ và Thủy Quân Lục Chiến tiễn biệt đồng đội Mũ Xanh CAO XUÂN HUY.
Cố Trung Úy Cao Xuân Huy, thuộc Tiểu Đoàn 4 Kình Ngư, Lữ Đoàn 147/TQLC đã được các đồng đội của mình trang trọng tổ chức Nghi Lễ Phủ Quốc Kỳ VNCH vào lúc 06 giờ tối thứ ba ngày 16 tháng 11 năm 2010 tại thành phố Westminster.
Cố Trung Úy Cao Xuân Huy được biết đến nhiều qua tác phẩm “ Tháng Ba Gãy Súng “ một tác phẩm nói lên đúng thực trạng bi hùng, đau thương của người lính TQLC trong những trận chiến cuối cùng vào năm 1975. Vì thế tên tuổi ông được gắn liền với đề tựa của tác phẩm.
Tháng Ba Gãy Súng k hông những là tâm trạng uất ức, đau đớn riêng đối với tác gỉa mà là tiếng nói đau thương tủi nhục của cả tập thể hàng trăm ngàn quân nhân cán chính miền Địa Đầu Giới Tuyến, trong cơn cuồng phong của lịch sữ.
-       Ngày 27 tháng 3 năm 1975 tại bờ biển Thuận An, thành phố Huế nơi Mũ Xanh Cao Xuân Huy gãy súng với  gần 4 ngàn đồng đội thuộc Lữ Đoàn 147 TQLC hy sinh trong lúc mõi mắt  chờ Tàu đến đón, nhưng hỡi ơi . . . vô vọng ?
-       Ngày 29 tháng 3 năm 1975 tại bờ biển Mỹ Khê, thành phố Đà Nẳng, là điểm hẹn, là hy vọng tìm Tàu cuối cùng của hàng ngàn đơn vị miền Trung,vùng Hỏa Tuyến, nhưng chẳng khác  gì hơn.
Đã hơn 35 năm qua những âm thanh những hình ảnh kinh hoàng đó chắc sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong ký ức những người còn sống hôm nay, mà Tháng Ba Gãy Súng là một trong những chứng nhân của lịch sữ.
Kính gởi đến quý thân hữu, quý bằng hữu, quý chiến hữu Thủy Quân Lục Chiến khắp nơi một số hình ảnh Nghi Lễ Phủ Quốc Kỳ cho chiến hữu “ Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng”.
Trân trọng                                                                                                                              Trần Sơn.
image

Linh vị cố Trung Úy Cao Xuân Huy

image

Nghi lễ Phủ Quốc Kỳ VNCH (h1)


Nghi lễ Phủ Quốc Kỳ VNCH (h2)

image

Nghi lễ Phủ Quốc Kỳ (h3)

image

Tiếng kèn Truy Điệu trong nghi lễ

image

TQLC chào Vĩnh Biệt chiến hữu Cao Xuân Huy

image

Thân hữu tiễn đưa

image

Gia đình chiến hữu Cao Xuân Huy: Vợ và hai con gái

LỄ PHỦ KỲ cho MX Cao Xuân Huy.


Chiều nay lúc 18 giờ ngày 16 tháng 11 năm 2010, Hội TQLC Nam CA tiến hành lễ phủ cờ cho chiến hữu Cao Xuân Huy.



Số người tham dự rất đông gồm bằng hữu và các quân binh chủng bạn. Tôi thấy có Hải Quân, Không Quân, Biệt Động Quân, Nhẩy Dù, Bộ Binh
v.v..  TQLC thì tôi thấy niên trưởng Phạm Văn Chung, anh chị Cổ Tấn Tinh Châu, anh Đoàn Trọng Cảo, anh chị Huy Lễ và rất đông các anh chị
em khác. Bắc CA xuống có anh hội trưởng và một chiến hữu.


Sau khi MX Trần Như Hùng đọc tiểu sử của Cao Xuân Huy thì MX Nguyễn Phục Hưng chỉ huy nghi thức phủ kỳ,

MX Phan Diệu thổi kèn truy điệu.

Sau đó là tới phần phân ưu của Tổng Hội, do MX Tô Văn Cấp,


phân ưu của các niên trưởng do MX Đoàn Trọng Cảo.


Rồi tới MX Nguyễn Phục Hưng Hội Nam CA,
Nguyễn Trãi,

MX Trần Vệ, đại diện TĐ.4/TQLC.


MX Phan Diệu, đại diện các cựu học sinh


MX Trần Như Hùng, đại diện Liên Hội Úc Châu.


Tối nay không co phần phân ưu của bằng hữu và giới văn sĩ.


Phần Phân Ưu của Tổng Hội như sau:

MX Cao Xuân Huy đi thật rồi sao?
Không, anh còn nằm kia trong vòng tay thân yêu của gia đình, bằng hữu và đồng đội.
Và rồi Kình Ngư Cao Xuân Huy sẽ rời bỏ chốn ao tù để bơi ra biển cả mênh mông, ở đó ngày đêm sóng vỗ rì rào như lời mẹ ru con ngủ.
Ở đó có những Kình Ngư Tiểu Đoàn Phó Nguyễn Trí Nam, ĐĐT Tô Thanh Chiêu cùng bao nhiêu đồng đội khác đã đi trước vào những ngày cuối
tháng 3/1975, họ đang chờ đón Huy. Nhất là Chiêu, đang chờ Huy với chai rượu trên tay như Huy đã kể lại trong “Tháng Ba gẫy súng.

Ở đó chỉ có tiếng cười thay cho tiếng gào thết xung trận và rồi uất hận trên bãi biển pháp trường cát Thuận An.
Chính vì thế mà hôm nay tôi thay mặt Tổng Hội TQLC đến báo tinh cho gia đình chiến hữu CXH biết rằng Huy lại tiếp tục lên đường hành quân
cùng các chiến hữu đã đi trước.

Xin chị CXH và hai cháu yên tâm, đừng chờ cơm Cao Xuân Huy nữa.

Tạm biệt chiến hữu Cao Xuân Huy,

Chị Cao Xuân Huy đã nghẹn ngào ngỏ lời cảm tạ các Niên trưởng, đồng đội, chiến hữu  có mặt với Cao Xuân Huy đêm nay. Chị nói " tại đây, giờ này, chị thật sự thấu hiểu được mối tình gắn bó của chồng mình với đơn vị, với đồng đội" và chị tin tưởng " anh linh của anh sẽ trở về nơi quê hương mà anh yêu quý và đã từng không tiếc thân chiến đấu để bảo vệ ".
Sau đó lần lượt tất cả anh em TQLC lên niệm hương và đến chào CXH lần cuối .
 '  
Hội Ái hữu Cựu tù chính trị Bình Điền cũng đến tưởng niệm người bạn tù năm xưa Cao Xuân Huy. Đại diện HAHCTBĐ nói "chúng tôi rất hãnh diện khi có người bạn tù như người lính TQLC Cao Xuân Huy".
(Mx Tô Văn Cấp, đại diện THT tường trình).


Tại lễ hỏa táng MX Cao Xuân Huy sáng nay có sự hiện diện khá đông của anh em 2 hội TQLC Bắc, Nam California và 1 đại diện Liên hội TQLC Úc châu, trong số này có 2 niên trưởng Phạm Văn Chung, Đoàn Trọng Cảo và đặc biệt là có bà quả phụ Lê Nguyên Khang. 
Sau nghi thức Phật giáo do Thượng Tọa Quảng Phú (trụ trì chùa Văn thù, Riverside, California) chủ lễ với phần trợ niệm của ban Hộ niệm, chị Đỗ Thị Minh, tức bà quả phụ CXH cùng 2 cháu Chúc Dung và Xuân Dung đã có lời cuối cùng cảm tạ tất cả mọi thân hữu , quan khách đã thương mến đến tiễn đưa anh. 
Sau mẹ, cháu Xuân Dung (thứ nữ của CXH) xin phát biểu bằng tiếng Anh vì cháu ngại nếu nói tiếng Việt sẽ không bày  tỏ được trọn vẹn ý nghĩ tự đáy lòng của cháu. 

Xuân Dung nói (đại ý) " Cháu biết rằng bố cháu được nhiều người thương yêu nhưng đến hôm nay mới thực sự biết rõ là bố cháu được mọi người yên mến đến mức nào. Ở ngoài xã hội, nếu mọi người biết bố cháu dưới nhiều vai trò, người lính, người cầm bút, thì với cháu, bố cháu thuần túy  là một người bố yêu quý, một người kể chuyện tuyệt vời đã từng thủ thỉ kể cháu nghe biết bao nhiêu chuyện từ ngày còn thơ ấu cho đến mãi về sau này.  Vì vậy,  cháu rất hãnh diện có một người bố như thế.

Một người bạn TQLC của CXH đã nói với cháu  Xuân Dung rằng  đồng đội của bố cháu, người trên, bạn bè , kẻ dưới ai ai cũng hãnh diện được là chiến hữu của bố cháu vì bố cháu là một con người yêu đất nước , yêu đơn vị , khí khái và trung trực trong mọi hoàn cảnh,  bất chấp mọi hậu quả.

1 MX đại diện gia đình CXH, xin phép thay mặt anh em MX cảm ơn bà quả phụ Lê Nguyên Khang, dù lớn tuổi , sức khỏe không dồi dào vẫn cố gắng đến tiễn đưa CXH, như bà vẫn cố gắng tham dự mọi sinh hoạt của anh em mỗi khi có dịp. Điều này thể hiện mối thâm tình bền chặt  giữa gia đình cố Tr/Tướng Lê Nguyên Khang và binh chủng.

Đúng 10 g 30 là lễ di quan dưới sự hướng dẫn của TT Quảng Phú và tiếng niệm kinh cầ siêu.

Đi đầu là bát nhang và di ảnh CXH , tiếp theo là vợ con, thân quyến và ngay sau đó là linh cữu người quá cố với 6 MX hộ tống 2 bên. Toàn thể CQN/TQLC trong quân phục đi 2 hàng ngay sau quan tài và còn lại là hàng trăm thân hữu, quan khách.

image


image


image 


image

Tới trước phòng thiêu, đoàn linh cữu dừng lại để tiến hành gnhi thức thu kỳ


Toán TQLC quân phục do NT Phạm Văn Chung và Tô Văn Cấp dẫn đầu dàn 2 hàng ngang
Nghiêm!


bên phải,  quay!


Lễ thu kỳ bắt đầu


Chào tay , chào!



 

Toán thu kỳ gấp cờ trong tiếng kèn truy điệu

  

    

Trưởng toán trao cho Nt Cao Bằng Phạm Văn Chung,

  

Niên trưởng Cao Bằng  đại diện Tư lệnh, và thay mặt toàn thể anh em TQLC , trao lá cờ phủ linh cữu cho bà quả phụ Cao Xuân Huy




  

Đúng 11 g sáng, linh cữu MX Cao Xuân Huy từ từ được đưa vào lò thiêu. Toàn thể anh em MX nghiêm trang chào tay tiễn đưa đồng đội đi vào cõi vĩnh hằng