Tuesday, October 12, 2010

Sông Mao - Phi Vụ Ngày 30 Tết


* Bài viết này để vinh danh Đại Tá Tỉnh Trưởng Ngô Tấn Nghĩa, một cấp lãnh đạo tài đức cuả Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã có công bình định, đem đến an ninh thịnh vuợng cho tỉnh Bình Thuận. Đại Tá Nghĩa cũng là một vị chỉ huy anh hùng chống trả quân xâm lược tại thành phố Phan Thiết với một lực lượng yếu kém gồm Nghĩa Quân và Địa Phương Quân cho tới những giây phút cuối cùng.

* Một nén hương lòng để tưởng nhớ đến Trung úy Lê Tấn Thành và tất cả nhân viên phi hành của biệt đội 259D đã mất tích trong một phi vụ liên lạc Phan Thiết - Bảo Lộc.
 
Chiều ba mươi Tết năm Quý Sửu, 1974 Ta về đây tìm ký ức thuở nào
Đã đánh đổi bằng muôn ngày lạc lối
Thân viễn xứ, nhìn tâm hồn nhức nhối
Thấy chính mình vật vã nỗi niềm riêng
Vừa về tới nhà thì trời vừa sập tối. Dựng chiếc xe Honda 90 trước sân, tôi xách túi bay nhẩy lên ba bậc cấp bước vào phòng khách. Bên trong đèn đuốc đang bật sáng choang, ba tôi đang đứng khấn vái trong phòng thờ kế bên, mùi nhan trầm tỏa hương bay thơm ngát, trên bàn Phật bày hai đĩa hoa quả đủ màu kế bên những chân đèn, lư hương, tượng Phật đã được chùi đồng bóng loáng. Ngay giữa phòng khách, chị tôi đang lúi húi bày biện thức ăn và bánh mức trên chiếc bàn phủ khăn trắng, ở giữa đặt một chậu hoa pha lê cắm những cành lay-ơn màu đỏ thắm. Ngay góc phòng gần đó, chưng một cành mai cắm trong bình sứ lớn, những cánh hoa vàng tươi khoe sắc thắm. Đứng lặng yên một giây ngay ngưỡng cửa, nhìn bức tranh êm đềm ấm cúng đang phơi bày trước mắt, tôi chợt có cảm tưởng như mình đang sống trở lại thời thơ ấu năm xưa. Một cảm giác sung sướng bỗng dâng lên ngập lòng!

-Em đi bay về à! Nhìn thấy tôi bước vào chị tôi hỏi

-Dạ!..Me đâu rồi chị?

-Chắc Me đang nấu ăn dưới bếp...Em!..tối ni em được ở nhà cúng giao thừa hay phải vô phi trường trực đêm?

-Tối nay em được ở nhà.

Nói xong tôi bước thẳng xuống nhà bếp. Me tôi đang đứng phụ bên cạnh chị giúp việc, xào nấu trên lò than đỏ rực.

-Con mới về à!

-Dạ,..Me!..Con có trái dưa hấu hái trên rẩy của mấy thằng Việt Cộng con đem về mình ăn Tết.

-Con nói cái chi?..Dưa hấu!?..Dưa hấu nhà mình có nhiều rồi,..ăn răng cho hết, con đem về làm chi.

Không trả lời, tôi kéo "fermeture" túi bay xách ra một con heo con co quắp, máu đen còn đọng đầy trên bộ lông màu nâu, để lên trên bàn bếp.

-Trời!..- Me tôi la lên, người co rúm - Con chi mà dễ sợ rứa?

-Heo sọc dưa!.. Me coi này,..mấy cái sọc trên lưng giống trái dưa hấu phải không Me?

-Con à,..Me đã nói hoài,..sống nghề nguy hiểm mà còn sát sanh không nên con à!.. Ba thì ăn chay niệm Phật, con kiến không đụng tới,.. mà con thì như rứa...Ba biết thì buồn lắm đó!

-Me dấu đi, đừng cho ba thấy. Còn chuyện sát sanh thì Me đừng lo, bọn Việt Cộng con giết hoài, giết thêm mấy thú nữa thì có sao đâu!..Sống chết có số cả Me à!

-Con đừng nói rứa,...giết Việt Cộng là bổn phận của con, răng mà con so sánh được...Con đừng làm như rứa nữa nghe! Thôi,..con lên nhà chuẩn bị ăn cơm.

Nghe Me tôi nói xong, tôi quay gót bước lên nhà trên, ra trước sân đứng hút thuốc. Ngoài đường một đám trẻ con hàng xóm đang tụ tập đốt pháo. Những sơi pháo giây cháy lóe sáng, văng tung tóe những đốm lửa trong bóng đêm . Một làn gió nhẹ thoảng qua phảng phất thơm mùi thuốc pháo. Đứng im trong bóng tối dưới dàn hoa giấy, điếu thuốc trên môi, nghe tiếng tụng kinh của Ba tôi vọng ra hòa cùng với tiếng nổ đì đùng đì đạch, tôi cảm thấy mình hạnh phúc và may mắn hơn boa nhiêu người trai cùng thế hệ, trong giây phút này đang ở nơi tiền đồn heo hút, hay đứng gác ngoài biên cương...

Từ khi Việt Cộng vi phạm lệnh ngưng bắn trong dịp Tết Mậu Thân, dân quân miền Nam đã học được một bài học đắt giá về sự tráo trở của bọn Cộng Sản, nên vào những ngày gần Tết tất cả mọi đơn vị của quân lực VNCH đều đề cao cảnh giác, canh phòng cẩn mật. Riêng Không Đoàn 62 Chiến Thuật đã chỉ định phi đoàn Thần Tượng mỗi ngày cắt một phi vụ tuần thám vòng đai phi trường trong giai đoạn ngưng bắn "da beo" sau khi hiệp định Paris được ký kết năm ngoái. Chợt nhớ đến phi vụ tuần thám chiều nay, tôi bật cười! Đang bay bình phi dọc theo bờ rừng, lòng thì nôn nóng mong về nhà đón giao thừa với gia đình, bỗng gặp một tiểu đội heo con chạy lạc bên bờ sông Đồng Bò. Đúng là buồn ngủ mà gặp chiếu manh!..Bầu không khí đang buồn tẻ chợt thay đổi hẳn, mấy anh lính phòng thủ bay theo tàu lần đầu tiên thấy thú rừng từ trên cao, la hét ầm ỉ. Nghĩ đến những con heo con này có lẽ là món quà Tết bất ngờ đáng kể cho người lính nghèo và gia đình của họ, tôi nghiêng tàu xuống thấp. Những khẩu súng "carbine", M-16 của mấy anh lính phòng thủ sau khoang tàu nổ rang như pháo Tết. Mấy con heo ngã lăn quay bên bờ cát. Thật là một niềm vui bất ngờ cuối năm! Khác hẳn một phi vụ khó quên cũng vào ngày ba mươi Tết vài năm trước đây, đã đeo đuổi ám ảnh tôi như một áng mây đen che khuất ánh mặt trời tươi sáng trong mấy ngày đầu Xuân. Tất cả đã trở về trong tâm trí tôi cùng với những năm tháng hành quân liên tục trên vùng đất gió cát tỉnh Bình Thuận, rõ ràng như một cuốn phim quay chậm...
Bình Thuận, vùng đất xôi đậu

Từ 1970 trở về trước, tình hình an ninh tại tỉnh Bình Thuận vô cùng nguy ngập. Trong giai đoạn Việt Minh - viết tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội - chống Pháp trong chín năm, từ năm 1946 đến khi hiệp định Geneve thành hình, tỉnh Bình Thuận là một cứ điểm mạnh của kháng chiến quân. Sau khi hiệp định được ký kết ngày 21 tháng 7 năm 1954 chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17, một số quân Việt Minh được để lại nằm vùng, một số rút về Bắc. Và số quân kháng chiến nằm vùng này bắt đầu hoạt động mạnh trở lại để chống lại Miền Nam Tự do khi đất nước bắt đầu chia đôi. Bọn Việt Cộng đã thành công trong việc biến nhiều nơi ở ngoại ô tỉnh Bình Thuận thành một vùng đất xôi đậu. Ngoài những thành phần mầm mống kháng chiến từ thời chống Pháp, rất nhiều người dân nghèo đói, sinh sống trên vùng đất cát thì nhiều, ruộng thì ít, ở vùng xa xôi bị Việt Cộng chiêu dụ, rủ rê, dọa dẫm lùa theo các đơn vị du kích địa phương nằm trong các chiến khu.

Nhiều làng xã bị Việt Cộng kiểm soát gần 90%. Có rất nhiều nơi ban ngày là của ta ban đêm thuộc về địch. Chúng hoành hành ám sát, tấn công đốt phá các trụ sở, gài mìn đặt bẫy, đặt trạm thâu thuế trên Quốc Lộ 1. Mọi sự di chuyển an toàn đều phải dựa trên đường biển hoặc đường hàng không. Việt Cộng hầu như đã thành công trong việc chia cắt miền Nam Tự Do ra làm hai phần.

Cuối năm 1969, Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa, nguyên là Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn II ở Pleiku, được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định chức vụ Tỉnh Trưởng tỉnh Bình Thuận để thay thế Đại Tá Trần Thiện Ngôn, qua sự đề nghị của Trung Tướng Lữ Lan Tý lệnh Quân Đoàn II.

Ðược giao phó cho một lãnh thổ rộng lớn, mất an ninh, địch quân xâm nhập trong mọi lãnh vực, không khác gì một khúc gỗ mục, mọt ăn tới xương tủy, ngay cả một vị Tỉnh Trưởng, một trong những vị Tỉnh Trưởng tiền nhiệm, Trung Tá Đinh Văn Đệ là một tên Việt Cộng nằm vùng, Đại Tá Nghĩa đã có một trọng trách vô cùng khó khăn và phức tạp.

Bình Thuận, thành phố là Phan Thiết, là một tỉnh ở cực nam và rộng lớn nhất nhì miền Trung, đứng hàng đầu về ngành ngư nghiệp cũng như kỹ nghệ chế biến hải sản. Đây cũng là một vùng đất được coi như là khô hạn nhất Việt Nam. Quận, xã, ấp nằm rời rạc cách khoảng. Nhiều động cát, đồi cát mênh mông xen kẽ là những đồi trọc, rừng thưa, không trồng trọt gì được ngoài dưa hấu, khoai mì hay dừa. Vì nằm trên mặt biển từ 100 đến 200 mét, nên không thể đào giếng được, bởi thế nước là một nhu yếu phẩm quý giá nhất cho những người dân sinh sống trong những vùng đất này. Người dân thường đùa cợt rằng: nhà gái vùng đất gió cát này đòi hỏi nhà trai trong việc sính lễ là "nước".




Từ khi nhậm chức, Đại Tá Nghĩa bắt đầu áp dụng chương trình "Bình Định Phát Triển", nhằm thanh lọc và tiêu diệt hạ tầng cơ sở Việt Cộng ở những vùng xôi đậu. Áp dụng chính sách "dân vi quý", nhờ tình báo nhân dân để triệt hạ tất cả những thành phần của địch đang bám sát vào dân. Và ngoài ra để tăng cường an ninh cho vùng ngoại ô, Đại Tá Nghĩa đã ra lệnh cho tất cả cấp trưởng ty sở, quận...phải ra vùng tiền đồn, xã ấp hẽo lánh, ngay cả Đại Tá Tỉnh Trưởng, để ngủ chung với binh lính với mục đích chấm dứt tình trạnh lính ma, lính kiển, và gia tăng tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Cộng thêm vào đó là kế hoạch xử dụng mìn Claymore tối đa để các đơn vị Địa Phương Quân phòng thủ hữu hiệu ban đêm, ngăn chận bọn du kích hay thân nhân đem đồ tiếp tế ra bưng. Tất cả chiến thuật áp dụng đã có một thành quả vô cùng tốt đẹp.

Một đặc điểm nhỏ, đáng đề cập về Đại Tá Nghĩa là ông có một người con trai tên Ngô Quang Lễ chưa tới hai mươi tuổi, rất lanh lợi và gan dạ, luôn luôn sát cánh bên ông như là một cánh tay mặt hay một cận vệ, thường xuyên làm tài xế lái ông đi đến những ấp xã xa xôi hẻo lánh. Chính trong một chuyến đi vào xã La Gàn, quận Tuy Phong, đoàn xe của Đại Tá Nghĩa đã bị phục kích. Nhờ sự nhanh nhẹn và can đảm của Lễ, cậu ta đã không nghe lời ngừng xe lại, đạp ga phóng chạy, thoát ra khỏi đoạn đường nguy hiểm. Nhờ thế tất cả thoát chết, mặc dù chiếc xe Jeep của Đại Tá Nghĩa đã trúng nhiều viên đạn bể kính xe.

Giử chức vụ Tỉnh Trưởng ở một phần đất xôi đậu mất an ninh, nằm ngay giữa trục lộ giao thông của miền Nam, Đại tá Nghĩa đã được ưu tiên không yểm của Sư Đoàn II Không Quân, Nha Trang. Phi đòan 215 Thần Tượng thường xuyên yểm trợ hành quân trực thăng vận cho Trung Đoàn 44, Sư đoàn 23 Bộ binh trú đóng tại Sông Mao, Phan Thiết.

Mỗi buổi chiều vào phi đoàn xem bảng phi lệnh thấy vỏn vẹn bốn chữ ghi trên bảng đen: " Hành Quân Sông Mao", là lòng tôi lại ngao ngán! Đó một quận lỵ nghèo nàn, co cụm vài trăm nóc gia, kế bên đường xe lửa xuyên Việt gần Quốc Lộ I, cách Phan Thiết hơn năm chục cây số đường chim bay hướng đông bắc. Sông Mao lấy tên từ tiếng Chàm, được chuyển âm thành Ma-Ó, nhưng sau một thời gian ở thời Pháp thuộc, dấu gạch ngang mất đi và được đọc thành chữ Mao.

Mỗi buổi sáng, khi sương mai còn đọng trên đầu ngọn cỏ, tám chiếc trực thăng cất cánh trực chỉ Sông Mao, chiều chiều lại lầm lũi nối đuôi nhau bay về. Ít khi trực thăng võ trang có một trận đụng độ nào đáng kể nào với Cộng Sản tại vùng này, ngoài năm việc bắn giết vài ba tên du kích lẻ tẻ. Mỗi buổi trưa, sau khi đổ quân xong, trở về đáp trên dãi đất đỏ, nhân viên phi hành đoàn leo lên hai chiếc xe chờ sẵn, theo con đường đất quanh co bụi mờ ra "phố" ăn cơm. Gọi là phố, nhưng thực sự chỉ là một con đường đất nằm dọc theo năm bảy chục căn nhà gạch, gỗ, lợp mái tôn san sát nhau. Quán ăn là một căn nhà nhỏ kê vài cái bàn gỗ, vài chục ghế nhựa rẻ tiền. Ngồi ăn dưới cái nóng cháy như thiêu đốt, mồ hôi nhỏ nhọt xuống đĩa cơm thập cẩm hay cơm sường và ly "cối" trà đá, nhìn ra con đường đất đỏ mỗi khi có một chiếc xe nhà binh chạy qua tung bụi mù là một hình ảnh quen thuộc đối với anh em phi hành đoàn Thần Tượng.

Sông Mao là nơi nghỉ chân của những người lính chiến xa nhà, nếu họ không muốn ra thăm khu Chợ Lầu sầm uất hơn ở gần đó vài cây số, gọi là Chợ Lớn Mới nằm trên QL-1. Ở đâu có binh lính là có những dịch vụ thương mãi đi theo chân, nhất là dịch vụ giải quyết sinh lý. Một câu thơ sặc mùi lính chiến sau đây đã nói lên ý nghĩa đó:

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
(Nguyễn Bắc Sơn)

Một buổi trưa hè nóng cháy da người, sau khi ăn cơm trưa xong, chờ xe đến rước về bãi đậu, tôi theo chân mấy người bạn đi "thăm dân cho biết sự tình". Chúng tôi đến thăm một nhà "thổ"ở gần đó. Đứng trước một căn nhà lụp xụp, tường đóng ván, mái tôn, một anh bạn sành sỏi nhất đám gõ cửa. Cánh cửa hé mở, một cô gái tóc xõa còn trẻ trong bộ đồ bà ba, có khuôn mặt tròn trỉnh thò đầu nhìn ra, thấy ba bốn anh phi công, súng ống đầy mình đang đứng chờ, em nghoẽn miệng cười tươi:

-" Mấy anh vào chơi!"

Bước vào trong, một mùi hôi thum thủm ngột ngạt khó thở đưa lên mũi. Trước mắt tôi là một căn phòng nhỏ nền xi măng đen loang lổ, kê một bộ xa lông nhỏ bọc ny lông rẻ tiền và một cái bàn nhỏ. Trên bàn để ấm trà và mấy cái ly nhựa. Ngay góc phòng để một cái quạt máy đang quay vù vù.

-"Mời mấy anh ngồi chơi,..uống nước. Có mấy cô mới về, để em đi kêu." Cô gái đon đả chào mời!

Ba bốn đứa tôi đứng yên, đưa mắt nhìn nhau tủm tỉm cười. Một anh bạn nhanh miệng:

-"Cám ơn cô, tụi tôi bữa nay chỉ ghé qua thăm cho biết,..để lần sau có nhiều thì giờ hơn."

Tôi nhìn xung quan sát. Ở phòng kế bên ngăn bằng một tấm màn hoa, kéo nửa chừng, bên trong bốn năm cái gường nhỏ phủ ra trắng đã ngả sang màu ngà nhàu nát, hiện ra trong tranh tối tranh sáng, đặt cách nhau chừng một thuớc, ngăn ra bằng những tấm màn bông hoa lòe loẹt. Trong bầu không khí im phăng phắc, tôi nghe tiếng cọt kẹt đều đặn phát ra từ bên kia một tấm màn kéo kín, đồng thời có tiếng xối nước rổn rảng vọng lên, có lẽ từ nhà bếp, hòa lẫn với tiếng nói chuyện thì thầm từ một góc phòng. Một người lính bộ binh bất ngờ vén màn buớc ra, khuôn mặt đỏ ửng, lấm tấm mồ hôi. Anh đi ngang mặt tôi không hề nhìn, nét mặt rất nghiêm trọng như đã "giải quyết" xong một vấn đề gì rất là "khẩn cấp". Một niềm cảm thông, thương cho những người lính chiến gian khổ, băng rừng lội suối. Nhớ những lúc leo lên tàu cất cánh trở về lại căn cứ từ những tiền đồn heo hút, tôi thường bắt gặp những ánh mắt xa vắng nhìn chúng tôi uớt ao, thèm muốn. Thành phố là những cái gì xa vời, một thế giới ngoài tầm tay với. Ngày ra mặt trận, tối về thành phố gần bên những người thân yêu là một điều mơ ước đối với họ.

Tòa tỉnh Phan Thiết, mỗi ngày đều được biệt phái riêng một chiếc trực thăng đậu ngay trước sân tỉnh đường do phi đoàn Thần Tượng cung cấp và sau đó được thay thế bằng phi đội 259D tại Phan Rang, một phi đội thành lập đầu năm 1973 bởi những hoa tiêu xuất thân từ phi đoàn 215 Thần Tượng.

Một biến cố đau thương đã xảy đến cho biệt đội 259D biệt phái cho tiểu khu Bình Thuận và từ đó liên tiếp đưa đến hai biến cố khác. Vào một buổi chiều, phi đội nhận được lệnh đi Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Trung úy Lê Tấn Thành biệt đội trưởng, tự là Thành "Lọ" ngồi ghế trưởng phi cơ, và hoa tiêu phụ là Thiếu úy Đặng Trung Hòa. Ngồi sau tàu có Thiếu úy Nguyễn Văn Tiến và người em ruột đi theo chơi, cọng thêm bốn mê vô xạ thủ. Ngoài ra tàu còn chở thêm Đại úy Quang, sĩ quan ALO (Air Force Admissions Liaison Officer) cho tòa tỉnh, Thiếu tá Việt chỉ huy trưởng của Hải Quân Phan Thiết và một Thiếu tá Pháo Binh. Chiếc trực thăng cất cánh vào khoảng sáu giờ chiều, khi trời bắt đầu chạng vạng tối. Ðường chim bay từ Phan Thiết đến Bảo Lộc khoảng bảy mươi lăm cây số, chưa tới nửa giờ bay bình phi của U-H1. Tuy đây là một lộ trình ngắn nhưng phải bay qua một vùng rừng núi hiễm trở, thường xuyên mây mù, nhất là vào những tháng mùa mưa. Quyết định bay trong hòan cảnh này có thể gọi là một quyết định liều lĩnh, nếu không gọi là sai lầm, nhất là với khả năng bay đêm của những hoa tiêu trực thăng đa số còn thiếu sót hay yếu kém.

Sau hai mươi phút bay, tổng đài nhận đuợc báo cáo trên tần số vị trí của Trung úy Thành "lọ", và đó là tin tức cuối cùng nhận được của chiếc trực thăng bất hạnh này. Trung úy Lê Tấn Thành cũng như Trung úy Phạm Thành Rinh, là hai hoa tiêu xuất thân từ phi đội trực thăng võ trang Mãnh Hổ, phi đoàn Thần Tượng, cũng là hai người bạn thân đã từng trú ngụ tại căn nhà của Ba Me tôi và chung chia với tôi rất nhiều kỷ niệm. Sự biến mất của Thành cũng như cái chết của Rinh, người đã hy sinh trong mặt trận "Mùa hè đỏ lửa", là một sự mất mát lớn lao cho cá nhân tôi cũng như cho gia đình Thần Tượng và phi đội 259D.

Tin chiếc trực thăng biệt phái cho Đại Tá Nghĩa tại Phan Thiết bị mất tích đã làm sôi động cả Sư Đoàn II Không Quân cũng như tòa tỉnh Phan Thiết. Ngay sau đó KĐ/62CT tức thì chỉ thị phi đoàn 215 Thần Tượng cùng với phi đội 259D tại Phan Rang mỗi ngay bay đi tìm chiếc tàu mất tích. Theo như sự ước tính, chiếc trực thăng của Trung úy Thành đã bay được tối thiểu là hai phần ba đoạn đường, và khu vực tìm kiếm sẽ ở phạm vi gần thành phố Bảo Lộc. Theo thông lệ, cuộc tìm kiếm này sẽ kéo dài một tuần lễ và nếu không có kết quả chiếc phi cơ lâm nạn sẽ được chính thức ghi vào hồ sơ coi như là mất tích.

Hai biến cố tiếp theo đã xảy ra mấy ngày sau đó.

Trong một phi vụ bay cho tiểu khu Tuyên Đức, Trung úy Nguyễn Hồng Huỳnh, tự là Huỳnh "râu", một phi công tải quân nòng cốt của Thần Tượng và hoa tiêu phụ, Thiếu úy Vàng Huy Lăng, cất cánh từ Bảo Lộc trở về Đà Lạt. Khi bay qua một khu rừng rậm rạp, Huỳnh "râu" tình cờ thấy một khoảng nhỏ cháy đen nằm giữa rừng cây xanh, dưới chân một suờn núi. Hy vọng đó là dấu vết của chiếc tàu mất tích, anh hạ cao độ xuống thấp để quan sát. Vừa xuống tới khoảng hai trăm bộ, thình lình một tràng súng AK nổ vang! Ngồi bên phải Thiếu úy Lăng lãnh đúng một viên đạn độc nhất, anh giật nẩy lên như chạm phải luồng điện cao thế, ngã nhào về phía trước đè lên cần lái (cyclic) trước ghế bay. Chiếc trực thăng chao đảo. Bên ghế trái, Trung úy Huỳnh đang cầm cần lái, anh vật lộn với con tàu cố lấy lại quân bình. Đằng sau, Thượng sĩ Cẩn, một xạ thủ lão làng cũng là tay súng đại liên M-60 thiện nghệ của phi đoàn, nhanh như cắt, phóng lên "cockpit" kéo người của Thiếu úy Lăng dựa ngửa vào lưng ghế bay, đồng thời tay "locked seatbelt", không cho thân hình bất động của Lăng ngã về phía trước. Ngồi quẹo đầu, đôi mắt nhắm ghiền, một dòng máu đỏ tươi từ miệng chảy xuống ướt đẫm ngực áo bay. Một viên đạn AK-47 đã đi qua cửa cockpit, chui qua kẻ hở của nách áo giáp của Lăng đi vào buồng phổi anh. Sau hai mươi phút bay dài đăng đẳng tàu đáp xuống một quân y viện tại Đà Lạt, Lăng được đem vào phòng cấp cứu. Sau một cuộc giải phẩu dài, Thiếu úy Lăng đã chiến thắng tử thần, và anh đã bình phục vài tháng sau đó. Cũng như một số hoa tiêu khác trong những phi vụ liên lạc, Thiếu úy Lăng đã không kéo tấm thép chắn đạn gắn bên hông ghế bay về phiá truớc để chặn viên đạn đã suýt làm anh mất mạng, và anh đã phải trả một giá quá đắt sau đó: giã từ nghiệp bay vì không còn đủ điều kiện sức khoẽ.

Vì vận tốc chậm và thường bay ở cao độ thấp, tất cả ghế của phi công trên trực thăng UH-1 tại chiến trường Việt Nam đều được bọc thép để chống lại mảnh sắt hay đạn của súng nhỏ. Ngoài ra một loại áo giáp cá nhân đặc biệt đã được chế tạo cho phi hành đoàn trực thăng vào năm 1968, lính Mỹ thường gọi là "Chicken Plate". Đó là hai tấm hợp chất ceramic dày ba phân, mặt trước và sau bọc trong hai túi may thành áo, nặng 18 cân Anh (1lb = 0.454 kg). Khi bận chỉ cần tròng vào đầu, gài chặt là xong. Thường thường, hoa tiêu trực thăng chỉ xử dụng tấm che trước ngực cho nhẹ, phần sau đã có lưng ghế cản đạn.



Tr/s xạ thủ Hội, phi đội Mãnh Hổ, Thần Tượng trong áo giáp "chicken plate"
Một biến cố thứ hai đã xảy ra cho phi đoàn Thần Tượng vài ngày sau. Hôm đó, Trung úy Nguyễn Văn Bảy cùng hoa tiêu phụ, Thiếu úy Lê Văn Thạch thuộc phi đội võ trang của phi đoàn 215 cùng với chiếc tàu của Trung úy Trần Văn Nghiêu, biệt đội 259D ở Phan Rang, được chỉ định trong phi vụ tìm kiếm chiếc trực thăng mất tích. Sau một buổi sáng bay vòng vo, xuôi ngược lục lọi hướng đông nam của Bảo Lộc, dọc theo sông La Ngà gần hồ Đa Mi, một hồ nằm trên cao độ gần 1900 feet thuộc quận Hàm Thuận, Trung úy Bảy thấy tàu đã gần cạn xăng, quyết định về đáp Phan Thiết đổ xăng và ăn cơm trưa. Tình cờ nhìn thấy một trảng cỏ tranh bên dưới vây quanh bởi rừng cây thấp có dấu chân người vạch cỏ đi ngang, Bảy gọi chiếc số hai của Trung úy Nghiêu đang bay theo sau chừng một phút bay:

-"Nghiêu!..tao xuống thấp xem,.. hình như có dấu chân người."

Không đợi Nghiêu trả lời, Bảy hạ cao độ cho tàu bay trên đầu bìa rừng cây bao quanh trảng cỏ, hy vọng tìm được dấu vết nào của phi hành đoàn mất tích. Khi chiếc trực thăng vừa xuống thấp cở một trăm bộ, anh thấy khói bốc lên bên kia bìa rừng cây và cùng lúc với tiếng la thất thanh trên "intercom" của Trung sĩ xạ thủ Mười đang ngồi sau sàn tàu:

-" Ah!..chết,.. chết tui!.."

Đúng ngay lúc đó Trung úy Bảy cảm thấy bắp chân bên phải anh mát lạnh như bị cắt bởi những vật sắt bén, đồng thời có tiếng hú inh ỏi trong "intercom" báo hiệu cho biết vòng quay cánh quạt đã giảm dưới mức an toàn (low RPM audio alarm), Bảy chỉ còn đủ thời giờ để la trên tần số:

-" Nghiêu!...tao rớt rồi..!"

Vừa la anh vừa cố lài con tàu huớng về bãi cỏ trống truớc mặt. Ở cao độ quá thấp, chiếc trực thăng rơi xuống ngay trên đầu tàng cây rậm rạp. Ngồi trên ghế bay Trung uý Bảy gồng mình chịu trận khi cánh quạt khổng lồ quay gần saú ngàn vòng một phút chém vào rừng cây. Người choáng váng sau khi qua một cú "shock" mạnh, chân phải bị ghim đầy miễng sắt vụn do viên đạn xuyên qua thành tàu, anh lấy hết tàn lực đạp tung cửa nhảy xuống đất. Nghe có tiếng động cơ của chiếc trực thăng bay ngang qua đầu, Trung úy Bảy lộn ngược áo "jacket" màu vàng da cam ra ngoài đưa lên cao vẫy tay cầu cứu. Tại bãi cỏ trống, chiếc trực thăng của Trung uý Nghiêu đã đậu chờ sẵn. Bảy phóng lên sàn tàu cửa mở toang, miệng la lớn:

-"Tụi nó bên kia bià rừng...coi chừng!"

-"Sao có mình mày à,..Bảy!..Mấy thằng kia đâu rồi?" Nghiêu ngồi trên ghế bay quay đầu về phía sau hét lớn.

-"Tao không biết,.. cây cối che tùm lum, mày lên coi tụi nó bị gì không?"

Nghiêu nhấc tàu rời bãi cỏ, bay cao trên đầu chiếc trực thăng bị nạn đang nằm lọt giữa những tàn cây lá xum xuê. Mọi người ló đầu ra nhin xuống, hy vọng thấy hình bóng của phi hành đoàn còn lại. Tất cả im lìm, ngoại trừ đám khói đen từ buồng máy động cõ bán phản lực đang âm ỉ vươn lên trên mặt lùm cây. Tiếng động cơ ầm ỉ cùng tiếng cánh quạt phành phạch của chiếc trực thăng không một vũ khí để tự vệ*, vang vọng khắp vùng đồi núi yên tỉnh. Hình ảnh những khẩu súng AK lấp ló, rình rập đâu đó hiện rõ trên nét mặt căng thẳng của tất cả mọi người trên tàu. Sau vài phút bay lơ lửng trên không dài như bất tận, Trung uý Nghiêu lên tiếng:

-"Thôi dọt!..tàu gần hết xăng rồi!..Mình về chở lính bộ binh tới làm an nình bãi đáp cho chắc ăn."

Một tiếng đồng hồ sau, chiếc trực thăng trở lại với một tiểu đội lính địa phương. Phi hành đoàn ba người và một xạ thủ quá giang theo tàu được bốc về Bảo Lộc. Thiếu úy Thạch và Trung sĩ mê vô Sáu đã hồi tỉnh sau khi bị ngất đi vì chấn động mạnh, chỉ bị xây xát nhẹ. Trung sĩ mê vô Viên Văn Sự quá giang theo tàu của Trung úy Bảy từ Bảo Lộc về lại đơn vị đã bị thương do một viên đạn xuyên qua ngực. Riêng viên xạ thủ, Trung sĩ Mười, bị sụn xương sống, được đưa về Quân Y Viện Nha Trang cứu cấp. Tại nhà thương, bác sĩ cho biết xạ thủ Mười sẽ bị bán thân bất toại. Vài ngày sau, Trung sĩ Mười đã cắt mạch máu tự sát chết. Cái chết của Mười là một tin sét đánh ngang tai và đã làm cho tất cả nhân viên phi đoàn 215 Thần Tượng bàng hoàng thương tiếc. Nhiều giả thuyết, cũng như tin đồn về cái chết của Trung sĩ Mười, trong đó có đề cập tới sự hất hủi và lạnh nhạt của người bạn gái của anh sau khi cô ấy biết tin về tình trạng của người yêu (?).

Sau hơn hai tuần lễ tìm kiếm ráo riết, chiếc phi cơ của Trung úy Thành "lọ" vẫn biệt vô âm tín. Tất cả biệt đội của phi đội 259D tại Phan Thiết coi như là đã mất tích vĩnh viễn.

Hai trường hợp phi hành đoàn đi tìm chiếc phi cơ bị bắn đều xảy ra trong giai đoạn ngưng bắn "da beo", sau khi hiệp định Paris đã được ký kết đã nói lên sự vi phạm trắng trợn của bọn Cộng Sản khốn kiếp, xảo trá. Câu nói trứ danh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã từng được nhắc nhở nhiều lần về bản chất của bọn Cộng Sản: "Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm", quả không sai!
Sông Mao, ngày ba mươi Tết Tân Hợi, 1972 Khác hẳn mọi ngày, trong khi Nha Thành đang rộn rịp chuẩn bị đón Giao Thừa, hợp đoàn tám chiếc trực thăng của phi đoàn 215, Thần Tượng cất cánh ra đi lúc còn tờ mờ sáng, trực chỉ Sông Mao nắng cháy da người. Dẫn đầu hợp đoàn là Đại úy Lê Hữu Đức và hai trực thăng võ trang Mãnh Hổ cùng năm chiếc chở quân, trợ lực cho chương trình "Bình định phát triển - Xây dựng nông thôn" của Tỉnh Trưởng Phan Thiết, Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa.

Tới mười giờ sáng, hợp đoàn năm chiếc đã đổ một đợt quân đầu, đang trên đường trở về Sông Mao lấy thêm quân. Chiếc trực thăng chỉ huy "Charlie" (C and C = Command and Control) của Đại úy Đức chở bộ chỉ huy hành quân của Sư Đoàn 23 Bộ binh, đang lượn vòng trên cao độ để điều động quân bên dưới. Trong thời gian chờ đợi, nhiệm vụ của tôi là bay lục soát những vùng phụ cận của bãi đáp, tìm kiếm những dấu vết khả nghi của địch, bảo vệ cho hợp đoàn trực thăng và cho toán quân đang ở dưới đất.

Trên ghế bay tôi nhìn xuống vùng đất cỏ cháy mọc những bụi cây thấp chạy lùi vùn vụt sát dưới bụng tàu. Mặt trời nóng như thiêu đốt rọi vào phòng lái. Cái áo giáp nặng chình chịch ép sát vào lồng ngực, thêm vào đó chiếc áo bay "nomex" (fire retardant fly suit) dán sát vào làn da nhớp nháp mồ hôi cho tôi một cảm giác rít rát khó chịu. Bên trái tôi, Thiếu úy Thạch "nhí" đang ngồi im lặng nhìn xuống dưới. Bay theo sau một khoảng khá xa, Trung úy Bùi Hữu Sơn, tự là Sơn "mực", đang chúi mũi phóng theo.

Vùng đất trải rộng dưới chân tôi là một mật khu Việt Cộng lấy tên của một đảng viên Cộng Sản quốc tế: Lê Hồng Phong. Đối với người dân tỉnh Bình Thuận, không ai xa lạ mật khu này, thường được biết tên là Khu Lê, một hậu cứ thường trực của hai tiểu đoàn 480, 482 và Trung đoàn chính quy 812 của Bắc Việt. Mật khu này nằm hướng đông-bắc Phan Thiết, từ Quốc Lộ I ngay núi Tà Dôn chạy ra tới mũi Né, nơi đây là địa điểm CSBV dùng để tiếp tế vũ khí cho Việt Cộng chống lại chính quyền miền Nam. Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn với các bí danh như, Hải An, Litvinov.., sinh năm 1902 tại Hưng Thông, tỉnh Nghệ An. Theo học trường Sĩ Quan Hòang Phố của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, và sau đó theo chân HCM gia nhập đảng Cộng Sản Quốc Tế do Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sõn lập ra tại Quảng Châu. Về sau Lê Hồng Phong được HCM nhường Nguyễn Thị Minh Khai, một nữ đảng viên đầu tiên của đảng Cộng Sản Quốc Tế, cũng là chị ruột của vợ lớn Võ Nguyên Giáp tên là Nguyễn Thị Quang Thái, để lấy làm vợ. Nguyễn Thị Minh Khai bị Pháp bắt và xử bắn ngày 28 tháng 8 năm 1941 tại Hóc Môn. Đầu năm 1940, Lê Hồng Phong về Việt Nam hoạt động. Một thời gian sau Lê Hồng Phong bị mật thám Pháp bắt tại Phan Thiết, đày ra Côn Đảo và chết tại đó năm 1942. Chính HCM đã chỉ điểm cho mật thám của Pháp bắt Lê Hồng Phong với mục đích tiêu diệt hết đám trung ương đảng Cộng Sản tại Nam kỳ, để đảng bộ miền bắc nắm trọn quyền lãnh đạo.



Lê Hồng Phong với vợ là Nguyễn Thị Minh Khai, hai tên Cộng Sản
Quốc Tế, bị HCM âm mưu chỉ điểm mật thám Pháp bắt tại Phan Thiết.


Bay sát trên đầu vùng rừng núi cao nguyên trùng điệp, tôi thường gặp nhiều ruộng rẫy tươi tốt mới khai phá nằm tận nơi thâm sâu cùng cốc, những luống cày mới toanh phơi màu đất đỏ, những chiếc cầu treo bắc ngang con suối cạn hay những căn nhà tranh ẩn núp dưới những tàng cây rậm rạp, trước sân phơi ngũ cốc, lúa gạo...Nhưng tuyệt nhiên, tôi chưa bao giờ bắt gặp bóng dáng của một tên du kích nào, cho dù hình ảnh sống động đó đã nói lên một sự hiện hửu không chối cãi được của chúng. Tiếng động ầm ỉ của chiếc trực thăng chậm chạp vang vọng từ xa đã báo động cho đám du kích hậu cần cao bay xa chạy, hay trốn chui nhủi ở một hầm hố hay một bụi rậm nào đó. Ngoại trừ một lần, vô tình chúng đã để quên chiếc máy cày màu đỏ* ngay giữa đồng trống, gần những luống cày và đã bị tôi oanh kích làm cho hơn mười mấy tên chui dưới đụn rơm gần đó banh xác. Nhưng trái lại, ở vùng đất khô khan nắng hạn Bình Thuận này, ngay cả mật khu Lê Hồng Phong, một nơi nổi tiếng Việt Cộng dùng làm sao huyệt, ít khi tôi phát hiện được sự sinh hoạt hay canh tác khai khẩn nào của chúng, ngoài những miếng ruộng rẫy nhỏ hiếm hoi trồng khoai mì, hay dưa hấu.

Sau một thời gian bay vòng vo trên một vùng đất đầy bụi cây thấp, khô cằn xen kẽ những đụn cát trơ trụi, tìm kiếm lục lọi không có một dấu hiệu nào khả nghi, định vòng tàu trở lại, bỗng có tiếng la của người xạ thủ ngồi phía sau tàu làm tôi giật thót người:

-"Dưa hấu!..dưa hấu!..rẩy dưa hấu!."

-"Dưa hấu chớ cái gì mà la toáng lên vậy!..mẹ,..tao thấy rồi!" Tôi bực mình nói với anh mê vô.

Không xa hướng hai giờ của tôi là một đám rẫy vuông vức, rào bằng những cây khô đan chéo nhau nằm chơ vơ giữa một vùng đất mọc những bụi cây nhỏ rời rạc. Những trái dưa tròn trịa nằm trên đám lá xanh mọc dọc trên những luống đất thẳng hàng trông rất hấp dẩn.

-"Hổ hai!..đây Hổ một gọi!" Chiếc Hổ hai đang nhấp nhô trên những đụn cát đằng sau đuôi.

-"Hổ hai nghe!"

-Hai 'cover' trên cao nghe,..Hổ một đáp xuống 'dzớt' vài trái dưa ăn cho đở khát!"

Anh mê vô đang ngồi êm ru phía sau tàu nghe tôi nói hốt hoảng:

-"Trời!..ông đáp không sợ tụi nó gài mìn à!.."

-"Mìn đâu mà rảnh quá vậy..Làm sao mấy thằng du kích biết trước tao sẽ 'ghé thăm' để chuẩn bị 'đón tiếp'.. Tụi mày hái chừng bốn trái thôi,...làm lẹ lên!.. hợp đoàn sắp trở lại rồi đó."

Tôi vừa nói, vừa để hai càng tàu xuống ngay giữa hai luống cày. Cát bụi cùng cỏ lá tung bay mù mịt.

-"Hổ một nhớ lựa trái to cho Hổ hai nghe!..Ha...ha...ha..." Sơn cuời lớn trên tần số FM của Mãnh Hổ.

Ngay trên đầu, chiếc trực thăng của Sơn "mực" vừa bay vù ngang, hai khẩu súng sáu nòng chỉa ra ngoài cùng với hai bó hỏa tiễn bên hông trông dữ dằn như con mãnh hổ, tôi yên chí ngồi chờ. Dưới rẩy dưa, hai anh mê vô xạ thủ, hai tay ôm hai trái dưa hấu tròn như trái banh bóng chuyền đang lom khom chạy trở lại tàu trong đám bụi mù. Nhìn anh mê vô người nhỏ con, đội cái nón bay quá khổ lại bận thêm cái áo giáp "chicken-plate" nặng nề, bị vấp té bên luống cày, hai trái dưa rơi xuống đất lăn lông lốc, tôi không nín được cười! Thấy Thạch đang ngồi bên ghế trái, nét mặt lộ vẻ căng thẳng. Biết Thạch chưa quen vùng, tôi trấn an:

-"Ðừng lo Thạch!..vùng này trông trải, mấy thằng du kích thấy mình trốn chui trốn nhủi,..không dám làm gì đâu!"

Nhìn mấy trái dưa nằm trên sàn với hai anh mê vô xạ thủ cỏ lá dính đầy trên mặt đỏ gay đã an vị trên hai thùng đạn, tôi kéo vội cần cao độ, đẩy cần lái, chiếc trực thăng võ trang nặng nề cắm đầu chổng mông nhớm mình rời mặt đất, để lại phía sau một đám bụi mịt mù và một rẫy dưa mất đi bốn trái.

-"Mãnh Hổ, đây Charlie!" Tiếng của Đại úy Lê Hửu Đức vang trên tần số.

-"Nói đi!..Hổ nghe!"

-"Hợp đoàn sắp đến,..Hổ chuẩn bị!"

Hai chiếc trực thăng võ trang nối đuôi nhau bay về bãi đáp. Chợt nghĩ đến mấy thằng du kích đang chui rúc đâu đó, không dằn được lòng, tôi kéo ngược cần lái đạp "pedal", con tàu chổng ngược đầu bốc lên cao quay 180 độ trở lại, cánh quạt đập vào không khí kêu phần phật, rung chuyển. Chờ rẫy dưa lọt vào hồng tâm máy nhắm (gunsight), tôi bấm nút, trái "rocket" xé gió rít lên, lao vút đi như một mũi tên lửa.



-"Oành!.." Tiếng nổ ầm tung cao đất cát hòa lẩn với cây lá.

-"Mẹ,..cho chúng mày hết dưa cúng Tết ông bà luôn!" Tôi nói trên tần số.

-"Ha...ha...ha...!" Sơn "mực" đang bám theo sau cười lớn, rồi chêm vào:

-"Tụi nó làm cái đếch gì có ông bà mà cúng!..cúng già Hồ thì có!..ha...ha...ha..."

Tiếng cười của Sơn dòn dã trên tần số. Từ ngày Trung úy Sơn chinh phục được trái tim của một người đẹp có đôi mắt to, lông mi dài, ngồi "cashier" tại quán nước "Liz", sau mấy ngàn giờ...chầu rìa "biểu diễn" một bộ mặt "si mê khờ dại" trước mặt nàng, đời chàng lên hương thấy rõ. Người tầm vóc không lấy gì là cao ráo, nhưng Sơn có nụ cười "duyên dáng" luôn nở trên khuôn mặt ngăm đen "mặn mà", để lộ hàm răng trắng tinh đều đặn. Mỗi buổi chiều đi bay về, chàng hối hả ký vào sổ bay xong là leo lên xe phóng như bay đến thăm người đẹp ở tận mãi bên Hòn Chồng, để tận "hưởng" thành quả sau bao nhiêu công sức đã bỏ ra. Cũng nên đề cập tới quán Liz, một nơi lịch sự, trang nhã rất nhiều người biết đến tại Nha thành. Đây là chốn hò hẹn của trai thanh gái lịch, củng là nơi những chàng phi công "đi mây về gió" ghé nghỉ chân sau những giờ vẫy vùng trên vòm trời cao. Chủ nhân quán Liz là Trung tá Tôn Thất Lăng, xuất thân từ Trường Võ Bị Đà Lạt, Chỉ huy trưởng Liên đoàn Khóa sinh Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang, một nguời đã có công lao hun đúc, đào luyện hàng ngàn sinh viên SQKQ, những phi công tương lai của đất nước, trong giai đoạn căn bản quân sự.

Một sự kiện nho nhỏ đã xảy ra mà tôi tình cờ là chứng nhân, đã nói lên một phần nào cá tánh con nguời của vị Chỉ Huy Truởng này. Một đêm nọ tôi được Hải Quân Đề Đốc Châu tự Châu "cao bồi"*, một vị Chỉ Huy Truởng chịu chơi của Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang kêu đi nhảy đầm tại phòng trà Baccara nằm ngay trên đường Biệt Thự, dẫn vào cổng Long Vân của TTHL/KQ Nha Trang. Đang ngồi uống rượu với mấy cô bạn gái trong tiếng đàn tiếng nhạc xập xình dưới ánh đèn mầu chớp nháy, thì trên sàn nhảy có chuyện lộn xộn xãy ra. Một viên Đại úy Bộ Binh trong quân phục có vẻ hơi quá chén, nhảy nhót vung vít, vô tình đạp chân của Trung Tá Lăng, đang bận thuờng phục. Không những không xin lổi, mà vị Đại úy này còn lớn tiếng la lối. Sau vài lời qua lại, vị Đại uý quá chén này thách thức Trung Tá Lăng ra ngoài. Không nói một lời, Trung Tá Lăng theo gót vị Đại úy Bộ Binh rời sàn nhảy. Ngay cái bàn kế tôi ngồi, ba nguời trong quân phục bộ binh bỗng xô ghế đứng dậy đi ra cửa. Đã là "không quân không bỏ anh em, không bỏ bạn bè", tôi không có sự chọn lựa nào khác hơn là theo chân mấy anh lính vừa đi ra. Vén màn bước ra ngòai, truớc mắt tôi ngay sân trải sỏi, một "mặt trận" đã dàn ra sắp sửa bùng nổ. Một bên là vị Đại uý mặt mày đỏ gay với ba anh lính đứng sau lưng, đối đầu là Trung tá Lăng đang đứng chống nạnh một mình. Tôi vừa bước xuống ba bậc cấp thì thấy Trung tá Lăng đưa tay chỉ mặt đối thủ, nói lớn gần như hét: "Cở như mày tao trói hay tay, chỉ cần hai chân không cũng đủ xài rồi!". Vừa nghe xong, tôi hết hồn muốn lộn trở lui vô trong!.. sợ lỡ Trung tá Lăng nhờ tôi...chạy đi kiếm giây để trói tay trong giờ phút khuya khoắc này thì quá mất vui. May thay!..hai anh Quân Cảnh Hải Quân của Đề Đốc Châu "cao bồi" đang đậu xe ngoài đuờng nghe lộn xộn chạy vào can thiệp kịp. Thế là cuộc chiến sắp sửa bùng nổ bị ngưng ngang xương. Hú hồn! Tôi mừng thầm trong bụng vội vàng quay trở lại bên trong tiếp tục cuộc vui bị gián đoạn, tuy nhiên trong lòng vẫn thắc mắc không hiểu Trung tá Lăng, một người tầm thước "rất" trung bình, không biết dựa vào chỗ nào mà lại dám thách thức đối thủ có một lực lượng "hùng hậu" hơn nhiều. Về sau này biết vị Chỉ Huy Trưởng này là một người "võ nghệ rất cao cường" (đai đen Vovinam), tôi mới vỡ lẽ!

-"Hai Hổ đâu rồi?..Hợp đoàn còn vài phút nửa đáp, nghe không Hổ?"

Trên bầu trời trong xanh, chiếc Charlie nhỏ như một chấm đen đang bay vòng tròn trên cao. Dưới thấp năm chiếc trực thăng nối đuôi nhau giảm cao độ chuẩn bị đáp, trong khoang tàu chở đầy những người lính ngồi chân thỏng ra ngoài trong tư thế sẵn sàng.





-"Mãnh Hổ!..Sau khi hợp đoàn thả quân đợt này xong, hai Hổ ở lại bao vùng lục soát chờ 'Charlie' về Sông Mao đổ xăng ăn cơm trưa luôn!"

Cho hai chiếc "guns" vòng lại, chờ cho hợp đoàn đổ quân xong cất cánh rời bãi đáp, tôi bắt đầu nới rộng vùng hoạt động về hướng nam. Trước mũi tàu, một con suối đang uốn lượn giữa vùng đất cỏ cháy, cây cối mọc xanh um hai bên bờ. Khi tàu băng qua con suối cạn, tôi nghiêng đầu nhìn xuống dưới. Bất chợt, giữa khoảng trống của những tàng cây, tôi bắt gặp lóang thoáng vài bóng người đang chạy vụt ngang lòng suối. Tim tôi thót lại!..chưa kịp phản ứng thì con suối xanh đã biến mất về phía sau đuôi tàu như chớp mắt! Có lẽ đây là những tên du kích bất ngờ đương đầu với cuộc hành quân trực thăng vận, chạy xuống ẩn náu dưới suối. Tôi nghĩ thầm: "Tụi mày hết đường chạy rồi!"

Không cho biết chúng đã bị phát giác, tôi giữa nguyên hướng bay. Quay đầu trở lại lúc này là một hành động thiếu khôn ngoan, nếu không gọi là nguy hiểm. Khi bị đưa vào đường cùng, cho dù ở thế yếu địch thường bắn trả để tự vệ. Bay ở địa thế trống trải, chiếc trực thăng ầm ỉ, chậm chạp ở cao độ thấp là một mục tiêu dễ dàng cho những loại súng AK-47, có tầm sát hại từ một ngàn feet đến bốn ngàn năm trăm feet (Killing range: 1,500 m - Effective range: 300 m), cũng đủ làm phương hại đến phi hành đoàn hay con tàu. Một người bạn thân tôi, Trung úy Nguyễn Đình Toản đã tử thương vì một viên đạn AK-47 độc nhất bắn xuyên qua nón bay khi đang thả toán ở mật khu An Lão, Bình Định.

Sau đuôi tàu, chiếc Hổ hai vừa băng qua ngang con suối.

-"Hổ hai!..Bạn có thấy mấy thằng chạy dưới suối không?" Tôi hỏi.

-" Không!..Băng qua nhanh quá,..không thấy kịp...Quẹo lại làm thịt tụi nó đi..., Hổ một còn chờ gì nửa!" Sơn trả lời.

-"Không được!..chờ chút đi,...để 'check' với Charlie đã!.."

-"Charlie đây Hổ một gọi!.."

-"Charlie nghe...nói đi!"

-"Tôi phát giác có người chạy giữa lòng suối cách bãi đáp khoảng năm cây số, hướng hai giờ của trục đáp."

-"Hổ lập lại!.." Tiếng của Đại úy Đức rè trên tần số.

-"Có người di chuyển dưới suối, cách bãi đáp khoảng năm cây số, hướng hai giờ của trục đáp, 'Charlie' cho chỉ thị!"

-"Có phải con suối hướng nam bãi đáp không?"

-"Đúng năm!.."

-"Hổ chờ...để tôi 'check' với thẩm quyền."

Cho tàu bay song song với con suối một khoảng khá xa, tôi cố ghi nhận vị trí hai tàng cây cao bên bờ suối nơi chiếc trực thăng vừa băng qua.

-"Mãnh Hổ đây Charlie!"

-"Hổ một nghe!"

-"Negative!..Hổ một nghe rõ không? Negative!..Thẩm quyền cho biết không có quân bạn ở vị trí bạn báo cáo. Tự do tác xạ! Hổ nghe rõ...trả lời! Tôi sẽ đến gặp bạn."

Tiếng của Đại úy Đức vừa dứt lời, nhịp đập tim tôi tăng vọt!

-"OK!..Negative!..Tự do tác xạ... Hổ một nghe năm!"

-"Hổ hai đây Hổ một!..Bạn nghe không?..Bay 'cover' cho tôi nghe không Sơn?"

Thông báo cho Hổ hai xong, tôi cho tàu bay thật xa về hướng tây của mục tiêu để tránh sự nghi ngờ của địch, rồi vòng lại trên đầu nguồn suối. Cho tàu lướt nhanh, tôi uốn lượn theo con suối trên đầu đọt cây, mắt dán vào máy nhắm hỏa tiễn. Chờ cho hai tàn cây lọt vào hồng tâm, tôi bấm nút. Hai trái hỏa tiễn đầu tiên rít lên rời dàn phóng đâm đầu xuống con suối cạn.

-"Òanh! Oành!" Hai tiếng nổ ầm vang vọng, khói đen bốc lên từ lòng suối.

Thạch đang ngồi yên như pho tượng bỗng nhảy nhổm trên ghế bay:

-"Có người!..có người chạy!.." Thạch vừa la vừa đưa tay chỉ về hướng một giờ trước mặt.

Cách đám khói đen đang lơ lững trên đầu đọt cây, sáu bảy bóng người bận áo màu xanh cứt ngựa từ bờ suối chạy vụt ra ngoài đồng. Không một giây suy nghĩ, tôi đẩy con tàu về phía trước, miệng hét:

-"Mini-gun!..mini-gun!"

Tay đang để trên nút điều khiển vũ khí (armament control knob), Thạch tức khắc đổi qua vị trí súng. Người xạ thủ đứng hẳn người lên chỉa mũi súng xuống dưới bóp còn. Khẩu "mini-gun" quay tít, gầm lên như bò rống!

-"Whoo...whoo..."

Tiếng rú khủng khiếp của khẩu súng sáu nòng nổ sát bên lổ tai, nghe đinh tai nhức óc. Hàng trăm viên đạn lửa tuôn ra xối xả xuống đầu đám người đang chạy theo hàng ngang giữa bãi cỏ vàng cháy. Thần kinh tôi kích thích, căn thẳng đến tột độ. Bỗng dưng, đám người đang chạy nằm rạp xuống đất, đưa tay lên trời vẫy rối rít!..Mắt nổ đôm đốm! Linh cảm một điều gì bất ổn!.. tay buông cần cao độ, tôi chụp vội nút vũ khí ngay giữa hai ghế bay vặn qua vị thế "off". Khẩu sáu nòng đang quay tít mòng đứng khựng lại!..Tiếng bò rống tắt ngúm. Một cụm khói màu đỏ bất chợt nở bung trên bãi cỏ vàng. Cụm khói từ từ vươn lên cao rồi tỏa rộng bay theo chiều gió. Trước một cảnh tượng quá bất ngờ xảy ra trước mắt, người tôi choáng váng. Giải pháp tốt đẹp nhất lúc này là rời vùng, tôi vội vã nghiêng tàu, quay mũi về hướng biển trực chỉ. Trên trời cao chiếc "Charlie" đang trên đường bay đến.

-"Charlie! đây Mãnh Hổ gọi!.."

-"Nghe Hổ!..nói đi!"

Tai còn lùng bùng vì tràng súng "mini-gun" vừa rống sát bên tai, tôi hét lớn trên tần số:

-"Charlie!..Có người thả trái khói đỏ nơi tôi vừa đánh!..Yêu cầu 'check' lại tọa độ!..Charlie nghe rõ trả lời!"

-"Cái gì?.. Khói đỏ? ".

-"Đúng năm!..Có người thả trái khói trên tọa độ...Nghe rõ trả lời!"

-"Hổ chờ,.."

Tôi cho tàu lên cao. Trước mũi tàu, mặt biển lấp lánh, gợn sóng lăn tăn.

-"Hổ một!..Hổ một!.. Ngưng tác xạ tức khắc!..Ngừng tác xạ tức khắc!.. nghe rõ không? Hổ một!..thẩm quyền cho biết vị trí bạn vừa tác xạ có quân bạn!..Ngưng tác xạ! "

Đã quá trể! Đầu óc xây xẫm, tôi lạc giọng trên tần số:

-"Charlie!?..tôi đã bắn lầm quân bạn?..đúng không Charlie?..Nghe rõ trả lời!.."

-"Đúng năm, bạn đã tác xạ vào toán viễn thám!..Hổ!..Thẩm quyền cho biết...toán tiền sát tiến quân quá nhanh,..chưa kịp bao cáo vị trí !..Hổ 'hold' chờ chỉ thị,..nghe rõ không Hổ một!..

-"OK!..Tôi bay ra biển chờ."

Nói xong, tôi giao cần lái cho Thạch, ra dấu cho tàu bay vòng tròn trên mặt biển rồi ngả người vào lưng ghế móc thuốc ra châm lửa đốt, đầu óc quay cuồng những tư tuởng hỗn độn. Từ khi viên đạn đầu tiên ra khỏi nòng đến khi khẩu súng ngừng quay chỉ trong vòng ba bốn giây đồng hồ. Nhưng với khả năng khạc ra bốn năm ngàn viên đạn một phút, ba bốn giây ngắn ngủi đó cũng đủ tai hại chết người. Nghĩ đến đó, điếu thuốc ngậm trên môi run rẩy.

Gió biển trên cao lộng vào khoang tàu mát lạnh. Tiếng nổ động cơ hòa với tiếng cánh quạt đập vào không khi kêu phầng phật. Tôi ngồi im lặng trên ghế, mở mắt vô hồn nhìn xuống dưới chân. Mặt biển chói chan, óng ánh bạc như một tấm gương khổng lồ trên đại dương mênh mông bát ngát. Xa trước mũi tàu, Phan Rí cửa đang nằm im lìm sát bờ cát vàng, những căn nhà mái đỏ, mái tôn chen chúc, chấp chóa dưới ánh mặt trời bên cửa sông Lũy mở rộng. Hàng trăm chiếc ghe, chiếc thuyền con con neo san sát bên nhau dọc theo hai bên bờ.




Phan Rí Cửa, Phan Thiết

Những hình ảnh vừa xảy ra bên bờ suối bỗng trở lại trong đầu tôi, rõ mồn một! Khi toán viễn thám đang ở trong lòng suối, nghe tiếng hỏa tiễn nổ quá gần, họ chạy ra ngoài đồng trống cho phi cơ biết là đây là quân bạn, không ngờ sự việc diễn tiến quá nhanh, họ đã trở thành nạn nhân của sự ngộ nhận, lầm lẩn chết người này. Đại úy Lê Hữu Đức là một hoa tiêu kinh nghiệm của Thần Tượng, luôn luôn quan tâm đến sự an toàn của hợp đoàn. Người cao ráo, khỏe mạnh, có đôi vai rộng, trên khuôn mặt chữ điền lúc nào cũng sẵn sàng nở nụ cười tươi. Bản chất ôn hòa được anh em thương mến. Trong giây phút này, tôi hiểu rõ sự lầm lẫn đáng tiếc này là hoàn toàn dưới trách nhiệm của người chỉ huy hành quân Bộ binh đang ngồi trên chiếc "Charlie".

Bắn chậm thì chết! Tiên hạ thủ vi cường! Đó là điều mà tôi luôn tâm niệm ngay từ khi bước lên chiếc trực thăng võ trang để đương đầu mặt trận du kích chiến. Chiến tranh trực thăng vận được Hoa Kỳ đem vào chiến trường rừng rú Việt Nam là một thí điểm để thực nghiệm một chiến lược mới. Khác hẳn ngành "fixed- wing" (phi cõ có cánh), "pilots" của Không quân Hoa Kỳ đã lấy kinh nghiệm từ Thế Chiến Thứ Nhất, những huấn luyện viên trực thăng Mỹ ở trường bay tuyển những phi công trở về từ Việt Nam sau khoảng một năm phục vụ, với một mớ kinh nghiệm ít ỏi không quá một ngàn giờ bay. Khóa sinh đã học được gì của họ trên chiến trưòng, ngoài chuyện lèo lái điều khiển chiếc trực thăng? Bay một con tàu chậm chạp, ồn ào, hỏa lực yếu là những khuyết điểm lớn của chiếc trực thăng võ trang. Để hoạt động hửu hiệu và sống còn, người hoa tiêu trực thăng phải luôn đề cao cảnh giác, thận trọng cũng như uyển chuyển theo tình thế tại mặt trận, nhất là khi chiến trường càng ngày càng ác liệt, vũ khi địch quân càng ngày càng tối tân hơn.
.
Tôi còn nhớ rõ trong giai đoạn "mùa hè đỏ lửa", một phi vụ bay yểm trợ cho một nguời bạn thân, Trung úy Huỳnh "râu", đổ toán biệt kích sát bên đường mòn HCM. Hai chiếc "guns" theo thông lệ, bay theo sát chiếc chở toán biệt kích đến tận bãi đáp. Sau khi thả quân xong, chiếc "slick" (danh từ dùng để chỉ tàu chở quân) của Huỳnh trống rỗng, "thăng thiên" nhanh như diều gặp gió, để lại sau lưng không phải hai con Mãnh Hổ mà hai con "vịt đẹt", nặng nề, ì ạch lên cao độ giữa những cụm khói đen treo lơ lững giữa trời xanh do những viên đạn bắn lên từ những khẩu phòng không đặt dọc theo đường mòn HCM. Ngồi chết cứng trên ghế bay mà tôi có cảm tưởng như mình là một tử tội đang ngồi trên ghế điện chờ bị bấm nút. Từ đó, những phi vụ thả toán sâu vào lòng địch, nếu tình trạng quá "hot" thì chiếc "Charlie" ở trên cao điều khiển, hướng dẫn chiếc chở quân bay sát trên đầu rừng cây từ vùng an toàn vào tận bãi đáp, trong khi hai chiếc "gunships" ở trên cao độ theo dõi và sẵn sàng nhào xuống tiếp cứu nếu cần thiết.

-"Ăn dưa hấu không anh? Ngọt lắm!" Thạch đang cầm múi dưa đỏ đưa lên miệng, hỏi tôi.

-"Cám ơn, Thạch ăn đi!"

Nhìn mấy miếng dưa hấu đỏ tươi nằm trên sàn tàu, tôi liên tưởng đến gia đình của những người lính viễn thám đi theo bước chân quân hành rồi lập nghiệp sinh sống, đang chờ đợi người thân yêu trong ba ngày Tết này. Ray rức trong lòng, tôi nôn nóng bấm nút gọi Đại úy Đức:

-"Charlie! Hổ một gọi!"

-"Nói đi Hổ!.."

-"Charlie cho biết tình trạng thiệt hại của toán tiền sát!?"

-"Chưa rõ tình trạng...sẽ cho tàu đến bốc họ. Hai Hổ về đáp Sông Mao đổ xăng, ăn cơm trưa. Có thể phi vụ ngày hôm nay là xong rồi, Hổ có thể về trước."

Tôi ra dấu cho Thạch Sông Mao trực chỉ. Bên dưới mặt biển xanh biếc lóng lánh ánh mặt trời, những con sóng lăn tăn vô tri vô giác đang nô đùa rượt đuổi vào bờ cát vàng...

Sông Mao, Mùng 6 Tết

Cho tàu bay dọc theo ven biển, Phan Rí cửa bên bờ sông Lũy đang trải dài dưới chân. Nghiêng cần lái, tôi theo con Quốc Lộ I về hướng Phan Thiết. Sau lưng tôi, Trung úy Phạm Chí Thành đang bay chiếc trực thăng võ trang số hai theo sát. Chỉ hơn vài phút bay phi trường dã chiến Sông Mao hiện ra trước mũi tàu. Sáu chiếc trực thăng của phi đoàn 215 Thần Tượng đậu theo hàng dọc, cạnh bên dãi đất đỏ, cánh quạt chưa cột còn buông lững lờ. Mấy chiếc xe nhà binh đang nối đuôi nhau chạy trên đường đất dẫn vào bãi đậu, để lại sau lưng đám bụi mờ mịt. Lính bộ binh đã có mặt, ngồi từng nhóm nhỏ dọ theo hông tàu, chờ trực thăng vận vào mật khu Lê.

Hạ cao độ, tôi cho tàu đáp kế bên hợp đoàn. Sau lưng chiếc Hổ hai vừa hạ càng, bụi mù cỏ rác tung bay lên đầu những người lính khốn khổ đang ngồi gần đó. Làm thủ tục tắt máy tàu xong, tôi móc nón bay lên sau lưng ghế rồi mở cửa bước xuống đất. Đứng vươn vai, làm vài cử động cho giãn gân cốt một lúc, tôi bước đến bên chiếc Hổ hai vừa tắt máy, cánh quạt còn quay chậm chậm chưa ngưng hẳn, nhìn lên Thành "râu" đang ngồi trên ghế bay, chân gát lên cánh cửa mở, miệng phì phèo điếu thuốc.

-"Sao mày?!..ra Tết có gì phát tài chưa Thành?"

Thành nhe răng cười đưa hàm răng trắng bóng dưới bộ râu rậm cắt tỉa kỹ càng.

-"Phát tài cái đếch gì!..đánh đâu thua đó!..Đen như cái mõm chó!"

Chợt có tiếng nói chuyện sau lưng. Tôi quay lại thấy sáu bảy người lính đầu đội nón sắt, lưng mang ba lô vừa bước đến gần, bu quanh khẩu "mini-gun" chỉ chỏ, bàn tán.

-"Đ. m.!..Tuần trước chiếc này 'bén' tụi mình đó!.."

Câu nói vô tình vừa lọt vào tai, tôi giật thót người!

-"Đúng là chiếc này chứ còn gì nữa!..Chính nó,.. tao thấy con voi trước mũi mà!"

Thành "râu" trợn mắt nhìn tôi, tỏ vẽ ngạc nhiên. Đưa tay lên miệng ra dấu cho Thành im lặng, tôi quay người đưa lưng về phía mấy anh lính, móc điếu thuốc ra hút, tai lắng nghe. Trong tiếng quay máy ầm ỉ của chiếc "Charlie" đang chuẩn bị cất cánh, tôi nghe loáng thoáng tiếng đuợc tiếng mất:

-"...nhờ tao thả kịp trái khói...đ.m..."

Tim tôi như muốn ngưng đập, tôi rít dài hơi thuốc cố giữ bình tĩnh.

Một giọng nói khác chen vào:

-"...bi đông nước... bị lủng mấy lỗ...đ.m,..tao đái trong quần..."

-"...thằng B....với thằng...bị què giò..."

-"Đ.m!..may mà tụi nó bắn quá dở... đ. có đứa nào chết cả!"

Nghe tới đó tôi nháy mắt nhìn Thành đưa tay ra dấu chào, rồi lặng lẽ cất bước, rời xa những tiếng nói lao xao. Hình ảnh những người lính viễn thám nằm rạp dưới lằn đạn của khẩu súng sáu nòng bất chợt sống lại trong tôi. Bước đi trên bãi cỏ úa vàng, tôi đưa điếu thuốc lên môi, cố nén cơn xúc cảm đang dâng trào. Những chiếc trực thăng trước mắt tôi bỗng nhòe hẳn đi. Tôi thì thầm :
"Đúng vậy!..may mà tụi nó bắn quá dở...đ. có đứa nào chết cả!" Lời Kết: Trong một cuộc chiến, nhất là một cuộc chiến tranh kéo dài, sự thương vong ngoài mặt trận do hỏa lực của chính quân bạn gây ra do sự lầm lẫn hay ngộ nhận là một điều không thể tránh được. Quân đội Hoa Kỳ có từ ngữ "friendly fire" để chỉ rõ sự thương vong trong trường hợp này. (Friendly fire is inadvertent firing towards one's own or otherwise friendly forces while attempting to engage enemy forces, particularly where this results in injury or death). "Friendly fire" không ám chi cho bất cứ sự thiệt mạng hay bị thương nào do sự bất cẩn, cố ý hay tai nạn gây ra từ quân bạn.




Nguyên nhân của "friendly fire" thuờng vì những yếu tố chính sau đây:

-Lầm lẫn vị vị trí hay tọa độ (Errors of position): Vô tình tác xạ vào quân bạn khi hai lực lượng đối nghịch quá gần nhau. Một thí dụ điễn hình đã xảy ra vào ngày 11.03.1975 tại mặt trận Ban Mê Thuột: khi hơn 10 chiến xa của Cộng Sản Bắc Việt bao vây Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh tại phi trường Phụng Dựt, tiến đến gần hầm chỉ huy. Vị Tư Lệnh Chiến Trường chấp nhận nguy hiểm, yêu cầu Không Quân đánh bom thẳng vào những chiếc xa của địch. Ba chiến xa T-54 đã bị bốc cháy, nhưng hai trái bom khác rơi trúng hầm chỉ huy và truyền tin của Đại Tá Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23 BB. Tất cả mọi liên lạc với Tư Lệnh chiến trường và Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột bị cắt đứt từ đó.*

-Ngộ nhận mục tiêu ( Error of identification): Thường thường trường hợp này hay xảy ra trong những trận đánh mà những mũi dùi tiến quân quá nhanh, cọng thêm sự thiếu phối hợp của bộ chỉ huy hành quân với những đơn vị tiền sát. Phi vụ ngày 30 Tết tại Sông Mao là một thí dụ điển hình. Ngoài ra trong những trận chiến phối hợp bởi nhiều quốc gia khác nhau cũng sẽ đưa đến tình trạng ngộ nhận dễ dàng. Thời tiết và địa thế cũng đóng góp rất nhiều cho thực trạng tai hại này. Một trường hợp "friendly fire" đã gây ra nhiều tiếng vang, xảy ra trong một trận chiến khốc liệt giữa quân đội Mỹ và VNCH đụng độ Cộng Sản Bắc Việt tại ngọn đồi 937 (Hill 937), được gọi là "Trận Đồi Thịt Bằm" (Battle of Hamburger Hill), và Holliwood đã quay thành phim. Vào ngày 11 tháng 5 năm 1969, khi một tiểu đoàn Hoa Kỳ bao vây ngọn đồi A-Bia giữa thung lũng A-Lưới, tỉnh Thừa Thiên, gần biên giới Lào, Trung Tá Weldon Honeycutt chỉ huy mặt trận đã điều khiển trực thăng võ trang yểm trợ xung kích. Trực thăng võ trang đã bắn hỏa tiễn vào bộ chỉ huy đóng giữa ngọn đồi vì đã tưởng lầm là quân địch đã làm hai người lính thiệt mạng, ba lăm người bị thương kể cả Trung Tá Honeycutt. Hậu quả đã làm bộ chỉ huy phải triệt thoái xuống chân ngọn đồi.

Một trường hợp khác, sự tổn thương nhân mạng cao hơn nhiều: Một chiến đấu cơ F4-Fhantom của Hoa Kỳ đã thả một trái bom 500 cân Anh vào Bộ chỉ huy tiểu đoàn dù Hoa Kỳ (2nd Battalion 503d, 173d Airborne Brigade) trong khi yểm trợ chống lại một lực lượng đông đảo của CSBV. Kết quả: 45 lính dù bị chết và 45 bị thương.

Trên đây chỉ là một vài trường hợp điển hình, còn bao nhiêu trường hợp khác đã không được nhắc nhở đến trong một cuộc chiến kéo dài gần hai mươi năm. Trách nhiệm trong tai nạn "friendly fire" thường đặt nặng trên cấp chỉ huy, nhưng đôi khi lên vai những người trực tiếp gây ra tai nạn.

Không yểm là một yếu tố tối quan trọng đóng góp trên chiến trường Việt Nam. Hành động vội vã hay sai lầm của phi công có thể đưa đến một hậu quả tai hại vô lường về phương diện vật chất cũng như tâm lý và có thể làm ảnh hưởng tới sự thành bại của chiến trận. Bởi thế, người phi công, nhất là phi công khu trục, với một hỏa lực đáng kể trong tay, đòi hỏi phải có một tinh thần trách nhiệm cao độ, cũng như một sự khôn ngoan sáng suốt và thận trọng khi xử dụng hỏa lực. Cũng nên đề cập đến phi công quan sát, một đơn vị đã có công lao rất lớn trên chiến trường nhưng ít được nhắc nhở đến hoặc vinh danh đúng mức. Họ là những người hùng cô độc trên chiến trường, là những cặp mắt trên trời cao, luôn luôn soi mói tìm tòi những dấu vết của quân địch. Nhiệm vụ chính của phi công quan sát là hướng dẩn những khu trục cơ xạ kích mục tiêu và cũng như điều chỉnh tọa độ cho pháo binh. Sự hiện diện của "em Lan-19", một từ ngữ thường dùng để chỉ phi cơ L-19, trên vùng trời hỏa tuyến là gạch nối giữa những đơn vị đang hành quân và bộ chỉ huy không yểm hậu cứ, và nâng cao tinh thần cho những người lính bên dưới. Họ cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa thương vong ngoài mặt trận do sự ngộ nhận hay lầm lẫn.

Qua quá trình của cuộc chiến chống lại bọn Cộng Sản xâm lược, cho dù một đôi khi có những lầm lẫn không thể nào tránh khỏi trong một cuộc chiến quy mô lâu dài, phi công của QL/VNCH đã làm rạng danh quân chủng Không Quân với lòng can đảm và những thành tích đã đạt được trên những chiến trường dậy sóng...
Hết





*Xin đọc bài "Chiếc Máy Cày Màu Đỏ"
*Xin đọc bài Ngày Tàn Cuộc Chiến III: Vĩnh Biệt Nha Trang
*Theo như Hiệp định Paris đã được ký kết, trong giai đoạn ngưng bắn "da beo", phi cơ không còn được trang bị vũ khí trong mọi phi vụ.
*"Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên" của Phạm Huấn.


Thành thật cám ơn sự đóng góp chi tiết trong bài viết này của những hoa tiêu thuộc phi đoàn 215 Thần Tượng: Trung úy Nguyễn Văn Bảy, Trung úy Trần Văn Nghiêu, Đại úy Nguyễn Hồng Huỳnh và Thiếu úy Nguyễn Thế Tòng.

Wednesday, October 6, 2010

Hinh Anh Chien Tranh VN

The photos below offer a look back at the Vietnam War from the escalation of U.S. involvement in the early 1960’s to the Fall of Saigon in 1975.

Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
2
A U.S. crewman runs from a crashed CH-21 Shawnee troop helicopter near the village of Ca Mau in the southern tip of South Vietnam, Dec. 11, 1962. Two helicopters crashed without serious injuries during a government raid on the Viet Cong-infiltrated area. Both helicopters were destroyed to keep them out of enemy hands. (AP Photo/Horst Faas)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
3
3A Helmeted U.S. Helicopter Crewchief, holding carbine, watches ground movements of Vietnamese troops from above during a strike against Viet Cong Guerrillas in the Mekong Delta Area, January 2, 1963. The communist Viet Cong claimed victory in the continuing struggle in Vietnam after they shot down five U.S. helicopters. An American officer was killed and three other American servicemen were injured in the action. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
4
Caskets containing the bodies of seven American helicopter crewmen killed in a crash on January 11, 1963 were loaded aboard a plane on Monday, Jan. 14 for shipment home. The crewmen were on board a H21 helicopter that crashed near a hut on an Island in the middle of one of the branches of the Mekong River, about 55 miles Southwest of Saigon. (AP Photo)

Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
6
Flying at dawn, just over the jungle foliage, U.S. C-123 aircraft spray concentrated defoliant along power lines running between Saigon and Dalat in South Vietnam, early in August 1963. The planes were flying about 130 miles per hour over steep, hilly terrain, much of it believed infiltrated by the Viet Cong. (AP Photo/Horst Faas)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
7
A South Vietnamese Marine, severely wounded in a Viet Cong ambush, is comforted by a comrade in a sugar cane field at Duc Hoa, about 12 miles from Saigon, Aug. 5, 1963. A platoon of 30 Vietnamese Marines was searching for communist guerrillas when a long burst of automatic fire killed one Marine and wounded four others. (AP Photo/Horst Faas)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
8
A father holds the body of his child as South Vietnamese Army Rangers look down from their armored vehicle March 19, 1964. The child was killed as government forces pursued guerrillas into a village near the Cambodian border. (AP Photo/Horst Faas)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
9
General William Westmoreland talks with troops of first battalion, 16th regiment of 2nd brigade of U.S. First Division at their positions near Bien Hoa in Vietnam, 1965. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
10
The sun breaks through the dense jungle foliage around the embattled town of Binh Gia, 40 miles east of Saigon, in early January 1965, as South Vietnamese troops, joined by U.S. advisors, rest after a cold, damp and tense night of waiting in an ambush position for a Viet Cong attack that didn't come. One hour later, as the possibility of an overnight attack by the Viet Cong diasappeared, the troops moved out for another long, hot day hunting the elusive communist guerrillas in the jungles. (AP Photo/Horst Faas)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
11
Hovering U.S. Army helicopters pour machine gun fire into a tree line to cover the advance of South Vietnamese ground troops in an attack on a Viet Cong camp 18 miles north of Tay Ninh, northwest of Saigon near the Cambodian border, in Vietnam in March of 1965. (AP Photo/Horst Faas, File)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
12
Injured Vietnamese receive aid as they lie on the street after a bomb explosion outside the U.S. Embassy in Saigon, Vietnam, March 30, 1965. Smoke rises from wreckage in the background. At least two Americans and several Vietnamese were killed in the bombing. (AP Photo/Horst Faas)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
13
Capt. Donald R. Brown of Annapolis, Md., advisor to the 2nd Battalion of the 46th Vietnamese regiment, dashes from his helicopter to the cover of a rice paddy dike during an attack on Viet Cong in an area 15 miles west of Saigon on April 4, 1965 during the Vietnam War. Brown's counterpart, Capt. Di, commander of the unit, rushes away in background with his radioman. The Vietnamese suffered 12 casualties before the field was taken. (AP Photo/Horst Faas)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
14
U.S. soldiers are on the search for Viet Cong hideouts in a swampy jungle creek bed, June 6, 1965, at Chutes de Trian, some 40 miles northeast of Saigon, South Vietnam. (AP Photo/Horst Faas)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
15
The strain of battle for Dong Xoai is shown on the face of U.S. Army Sgt. Philip Fink, an advisor to the 52nd Vietnamese Ranger battalion, shown June 12, 1965. The unit bore the brunt of recapturing the jungle outpost from the Viet Cong. (AP Photo/Steve Stibbens)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
16
An unidentified U.S. Army soldier wears a hand lettered "War Is Hell" slogan on his helmet, in Vietnam on June 18, 1965. (AP Photo/Horst Faas, File)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
17
South Vietnamese supply trucks take a detour around a destroyed bridge en route to Pleiku on Route 19, July 18, 1965. The original bridge, and a temporary bridge placed on top of it, were both destroyed by the Viet Cong. (AP Photo/Eddie Adams)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
18
Wounded marines lie about the floor of a H34 helicopter, August 19, 1965 as they were evacuated from the battle area on Van Tuong peninsula. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
19
The Associated Press photographer Huynh Thanh My covers a Vietnamese battalion pinned down in a Mekong Delta rice paddy about a month before he was killed in combat on Oct. 10, 1965. (AP PHOTO)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
20
Elements of the U.S. First Cavalry Air Mobile division in a landing craft approach the beach at Qui Nhon, 260 miles northeast of Saigon, Vietnam, in Sept. 1965. Advance units of 20,000 new troops are being launched for a strike on the Viet Cong during the Vietnam War. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
21
Paratroopers of the U.S. 2nd Battalion, 173rd Airborne Brigade hold their automatic weapons above water as they cross a river in the rain during a search for Viet Cong positions in the jungle area of Ben Cat, South Vietnam, Sept. 25,1965. The paratroopers had been searching the area for 12 days with no enemy contact. (AP Photo/Henri Huet)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
22
Wounded U.S. paratroopers are helped by fellow soldiers to a medical evacuation helicopter on Oct. 5, 1965 during the Vietnam War. Paratroopers of the 173rd Airborne Brigade's First Battalion suffered many casualties in the clash with Viet Cong guerrillas in the jungle of South Vietnam's "D" Zone, 25 miles Northeast of Saigon. (AP Photo)

Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
24
A U.S. B-52 stratofortress drops a load of 750-pounds bombs over a Vietnam coastal area during the Vietnam War, Nov. 5, 1965. (AP Photo/USAF)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
25
Chaplain John McNamara of Boston makes the sign of the cross as he administers the last rites to photographer Dickey Chapelle in South Vietnam Nov. 4, 1965. Chapelle was covering a U.S. Marine unit on a combat operation near Chu Lai for the National Observer when she was seriously wounded, along with four Marines, by an exploding mine. She died in a helicopter en route to a hospital. She became the first female war correspondent to be killed in Vietnam, as well as the first American female reporter to be killed in action. Her body was repatriated with an honor guard consisting of six Marines and she was given full Marine burial. (AP Photo/Henri Huet)

Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
27
A napalm strike erupts in a fireball near U.S. troops on patrol in South Vietnam, 1966 during the Vietnam War. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
28
A U.S. paratrooper moves away after setting fire to house on bank of the Vaico Oriental River, 20 miles west of Saigon on Jan. 4, 1966, during a "scorched earth" operation against the Viet Cong in South Viet Nam. The 1st battalion of the 173rd airborne brigade was moving through the area, described as notorious Viet Cong territory. (AP Photo/Peter Arnett)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
29
Women and children crouch in a muddy canal as they take cover from intense Viet Cong fire at Bao Trai in Jan. of 1966, about 20 miles west of Saigon, Vietnam. (AP Photo/Horst Faas, File)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
30
U.S. Army helicopters providing support for U.S. ground troops fly into a staging area fifty miles northeast of Saigon, Vietnam in January of 1966. (AP Photo/Henri Huet, File)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
31
First Cavalry Division Medic Thomas Cole, from Richmond, Va., looks up with his one uncovered eye as he continues to treat a wounded Staff Sgt. Harrison Pell during a January 1966 firefight in the Central Highlands between U.S. troops and a combined North Vietnamese and Vietcong force. (AP Photo/Henri Huet)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
32
Weary after a third night of fighting against North Vietnamese troops, U.S. Marines crawl from foxholes located south of the demilitarized zone (DMZ) in Vietnam, 1966. The helicopter at left was shot down when it came in to resupply the unit. (AP Photo/Henri Huet)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
33
Water-filled bomb craters from B-52 strikes against the Viet Cong mark the rice paddies and orchards west of Saigon, Vietnam, 1966. Most of the area had been abandoned by the peasants who used to farm on the land. (AP Photo/Henri Huet)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
34
In a sudden monsoon rain, part of a company of about 130 South Vietnamese regional soldiers moves downriver in sampans during a dawn attack against a Viet Cong camp in the flooded Mekong Delta, about 13 miles northeast of Cantho, on Jan. 10, 1966. A handful of guerrillas were reported killed or wounded. (AP Photo/Henri Huet)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
35
Pfc. Lacey Skinner of Birmingham, Ala., crawls through the mud of a rice paddy in January of 1966, avoiding heavy Viet Cong fire near An Thi in South Vietnam, as troops of the U.S. 1st Cavalry Division fight a fierce 24-hour battle along the central coast. (AP Photo/Henri Huet)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
36
President Lyndon Johnson speaks during a televised address from the White House, Jan. 31, 1966, announcing the resumption of bombing of targets in North Vietnam. The president, who was photographed from a television screen at the New York studios of NBC-TV, said he was requesting Amb. Arthur Goldberg to call for an immediate meeting of the U.N. Security Council. (AP Photo/Marty Lederhandler)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
37
U.S. troops carry the body of a fellow soldier across a rice paddy for helicopter evacuation near Bong Son in early February 1966. The soldier, a member of the 1st Air Cavalry Division, was killed during Operation Masher on South Vietnam's central coast. (AP Photo/Rick Merron)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
38
A helicopter lifts a wounded American soldier on a stretcher during Operation Silver City in Vietnam, March 13, 1966. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
39
Seen here are pickets demonstrating against the Vietnam War as they march through downtown Philadelphia, Pa, March, 26 1966. (AP Photo/Bill Ingraham)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
40
Soldiers of the 101st Airborne Division carry a wounded buddy through the jungle in May 1966. (AP Photo/Henri Huet)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
41
A helicopter hovers over the field, ready to load personnel and equipment during Operation Masher in the Vietnam War, May 7, 1966. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
42
A young paratrooper with a mud-smeared face stares into the jungle in Vietnam on July 14, 1966, after fire fight with Viet Cong patrol in the morning. He is a member of C company, 2nd battalion, 173rd airborne brigade. (AP Photo/John Nance)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
43
A U.S. Marine CH-46 Sea Knight helicopter comes down in flames after being hit by enemy ground fire during Operation Hastings, just south of the Demilitarized Zone between North and South Vietnam, July 15, 1966. The helicopter crashed and exploded on a hill, killing one crewman and 12 Marines. Three crewman escaped with serious burns. (AP Photo/Horst Faas)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
44
Pinned down by Viet Cong machine gun fire, a U.S. medic looks over at a seriuosly wounded comrade as they huddle behind a dike in a rice paddy, near Phu Loi, South Vietnam, August 14, 1966. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
45
A U.S. infantryman from A Company, 1st Battalion, 16th Infantry carries a crying child from Cam Xe village after dropping a phosphorous grenade into a bunker cleared of civilians during an operation near the Michelin rubber plantation northwest of Saigon, August 22, 1966. A platoon of the 1st Infantry Division raided the village, looking for snipers that had inflicted casualties on the platoon. GIs rushed about 40 civilians out of the village before artillery bombardment ensued. (AP Photo/Horst Faas)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
46
An American F-105 warplane is shot down and the pilot ejects and opens his parachute in this photo taken by North Vietnamese photograper Mai Nam on September 1966 near Vinh Phuc, north of Hanoi. This photo is one of the most recognized images taken by a North Vietnamese photographer during the war. The pilot of the aircraft was taken hostage and held in a Hanoi prison from 1966 to 1973. (AP Photo/Pioneer Newspaper/Mai Nam)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
47
Paratroopers of the 173rd U.S. airborne brigade make their way across the Song Be River in South Vietnam en route to the jungle on the North Bank and into operation Sioux City in the D Zone on Oct. 4, 1966. Troopers and equipment were flown in by helicopter to the central highlands area, but the choppers couldn't land in the D zone jungles. The operation began late in the week of September 25. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
48
U.S. President Lydon B. Johnson reviews troops assembled in honor of his visit to the U.S. base at Cam Ranh Bay in South Vietnam on Oct. 26, 1966 during the war. Beside the President is Gen. William Westmoreland, Commander of the U.S. Military forces in Vietnam. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
49
Empty artillery cartridges pile up at the artillery base at Soui Da, some 60 miles northwest of Saigon, at the southern edge of War Zone C, on March 8, 1967. (AP Photo/Horst Faas)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
50
Three American marines sleep atop ammunition boxes during a pause in the fighting at Gio Linh on April 2, 1967, just south of the demilitarized zone in Vietnam. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
51
A wounded U.S. soldier of the 1st Infantry Division, 26th Infantry Regiment, 1st Battalion, receives first aid after being rescued from a jungle battlefield south of the Cambodian border in Vietnam's war zone C, April 2, 1967. A reconnaissance platoon ran into enemy bunkers, and their recuers were pinned down for four hours in fighting that left 7 U.S. dead and 42 wounded. (AP Photo)


Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
53
Rev. Dr. Martin Luther King Jr., leads a crowd of 125,000 Vietnam War protesters in front of the United Nations in New York on April 15, 1967, as he voices a repeated demand to "Stop the bombing." (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
54
A U.S. Marine sergeant points directions to a group of newly arrived replacement soldiers atop embattled Hill 881, below the demilitarized zone near the Laotian border, South Vietnam, in May 1967. The men were flown in by helicopter to enforce U.S. Marine lines badly weakened by casualties after several days of fighting for the strategic hills. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
55
A wounded member of the 1st Plt. Company "C," 25th Infantry Division, is helped to a waiting UH-1D "Iroquois" helicopter in Vietnam, May 10, 1967, during the Vietnam War. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
56
U.S. Marines of the 3rd Battallion, 4th Marines, crouch in the cover of a pagoda entrance as their patrol moves through a village along the Ben Hai river in the southern sector of the DMZ in South Vietnam, on May 22, 1967. The pagoda walls are richly decorated with images of dragons and snakes. (AP Photo/Kim Ki Sam)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
57
American infantrymen crowd into a mud-filled bomb crater and look up at tall jungle trees seeking out Viet Cong snipers firing at them during a battle in Phuoc Vinh, north-Northeast of Saigon in Vietnam's War Zone D on June 15, 1967. (AP Photo/Henri Huet, File)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
58
Medic James E. Callahan of Pittsfield, Mass., gives mouth-to-mouth resuscitation to a dying soldier in war zone D, about 50 miles northeast of Saigon, June 17, 1967. Thirty-one men of the 1st Infantry Division were reported killed in the guerrilla ambush, with more than 100 wounded. (AP Photo/Henri Huet)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
59
Secretary of Defense Robert S. McNamara (second from left), and Gen Earle Wheeler, chairman of the Joint Chiefs of Staff, huddle in one corner while Ellsworth Bunker, U.S. Ambassador to South Vietnam (second from right), and Gen. William C. Westmoreland, right, commander of U.S. Forces in Vietnam, go over a report at the beginning of briefings for the secretary at U.S. Army Headquarters on Tan Son Nhut Air Base, Friday, July 6, 1967 in Saigon. (AP Photo/Cung)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
60
Defense Secretary McNamara and Gen. William Westmoreland, commander U.S. Forces in Vietnam, sit with muffler type radio earphones as they ride in helicopter toward the DMZ on McNamara's first field trip during his current visit to Vietnam, July 10, 1967. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
61
Vietnamese Navy boats laden with Vietnamese Army infantrymen swing along the Bien Tre river to launch a search mission some 50 miles south of Saigon in the Meking Delta's Kien Hoa province, July 11, 1967. Viet cong guerrillas fired on the flotlla from the brushy shoreline, but no major contact was made. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
62
William Morgan Hardman is interrogated by North Vietnamese military authorities in front of Hoan Kien Hospital in Hanoi, Vietnam on Aug. 24, 1967. Hardman, a U.S. pilot, was captured after his plane was shot down. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
63
This general view shows a direct hit with North Vietnam 122 mm shell explosion in a U.S. ammunition bunker of 175 mm cannon emplacements at Gio Linh, next to demilitarization zone between north and south Vietnam, Sept. 1967, during the Vietnam War. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
64
The address is muddy bunker and the mailman wears a flak vest as CPL. Jesse D. Hittson of Levelland, Texas, reaches out for his mail at the U.S. Marine Con Thien outpost two miles south of the demilitarized zone in South Vietnam on Oct. 4, 1967. (AP Photo/Kim Ki Sam)


Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
68
U.S. troops move toward the crest of Hill 875 at Dak To in November, 1967 after 21 days of fighting, during which at least 285 Americans were believed killed. The hill in the central highlands, of little apparent strategic value to the North Vietnamese, was nevertheless the focus of intense fighting and heavy losses to both sides. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
69
General views of the destroyed montagnards of Dak son new life Hamlet, December 7, 1967 in Vietnam. Vietcong killed 114 of the villagers and wounded 47. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
70
More than 12,000 U.S. Marines crowd into an outdoor amphitheater to watch comedian Bob Hope and Phil Crosby open Hope's USO Christmas Show tour at Da Nang, Vietnam, with Raquel Welch and singer Barbara McNair, left, Dec. 19, 1967. Crosby, wearing a wig, carries a "Make Love Not War" sign. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
71
U.S. Marines pass a Catholic church as they patrol near Danang, Vietnam, during the Vietnam War in 1968. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
72
Two U.S. military policemen aid a wounded fellow MP during fighting in the U.S. Embassy compound in Saigon, Jan. 31, 1968, at the beginning of the Tet Offensive. A Viet Cong suicide squad seized control of part of the compound and held it for about six hours before they were killed or captured. (AP Photo/Hong Seong-Chan)

Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
74
President Johnson prepares to open a news conference February 2, 1968 in the White House Cabinet room. He told reporters that the military phases of the Communist offensives in Vietnam had failed. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
75
A large section of rubble is all that remained in this one block square area of Saigon on Feb. 5, 1968, after fierce Tet Offensive fighting. Rockets and grenades, combined with fires, laid waste to the area. An Quang Pagoda, location of Viet Cong headquarters during the fighting, is at the top of the photo. (AP Photo/Johner)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
76
First Lt. Gary D. Jackson of Dayton, Ohio, carries a wounded South Vietnamese Ranger to an ambulance Feb. 6, 1968 after a brief but intense battle with the Viet Cong during the Tet Offensive near the National Sports Stadium in the Cholon section of Saigon. (AP Photo/Dang Van Phuoc)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
77
A U.S. Marine shows a message written on the back of his flack vest at the Khe Sanh combat base in Vietnam on Feb. 21, 1968 during the Vietnam War. The quote reads, "Caution: Being a Marine in Khe Sanh may be hazardous to your health." Khe Sanh had been subject to increased rocket and artillery attacks from the North Vietnamese troops in the area. (AP Photo/Rick Merron)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
78
American soldiers take shelter in a sandbagged bunker as North Vietnamese rockets hit the U.S. Marine base at Khe Sanh on Feb. 24, 1968. (AP Photo/Rick Merron)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
79
An American C-123 cargo plane burns after being hit by communist mortars while taxiing on the Marine post at Khe Sanh, South Vietnam on March 1, 1968. (AP Photo/Peter Arnett)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
80
U.S. Air Force bombs create a curtain of flying shrapnel and debris barely 200 feet beyond the perimeter of South Vietnamese ranger positions defending Khe Sanh during the siege of the U.S. Marine base, March 1968. The photographer, a South Vietnamese officer, was badly injured when bombs fell even closer on a subsequent pass by U.S. planes. (AP Photo/ARVN, Maj. Nguyen Ngoc Hanh)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
81
Riverine assault boats, Operation of the Riverine Force of the U.S. 9th Division, glide along the My Tho River, an arm of the Mekong Delta near Dong Tam, 35 miles southwest of Saigon, Vietnam, March 15, 1968. (AP Photo)

Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
83
Police struggle with anti Vietnam War demonstrators outside the Embassy of the United States in Grosvenor Square, London, Mar. 17, 1968. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
84
View of the Anti-Vietnam war demonstration held in Trafalgar Square, London, on March 17,1968. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
85
U.S. President Lyndon B. Johnson addresses the nation in a radio and television broadcast from his desk at the White House in Washington, D.C., on March 31, 1968. In his speech the president talked about plans to de-escalate the war in North Vietnam and his plans not to run for re-election. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
86
As fellow troopers aid wounded buddies, a paratrooper of A Company, 101st Airborne, guides a medical evacuation helicopter through the jungle foliage to pick up casualties during a five-day patrol of Hue, South Vietnam, in April, 1968. (AP Photo/Art Greenspon)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
87
Pfc. Juan Fordona of Puerto Rico, a First Cavalry Division trooper, shakes hands with U.S. Marine Cpl. James Hellebuick over barbed wire at the perimeter of the Marine base at Khe Sanh, South Vietnam, early April 1968. The meeting marked the first overland link-up between troops of the 1st Cavalry and the encircled Marine garrison at Khe Sanh. (AP Photo/Holloway)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
88
Air Cavalry troops taking part in Operation Pegasus are shown walking around and watching bombing on a far hill line on April 14, 1968 at Special Forces Camp at Lang Vei in Vietnam. (AP Photo/Richard Merron)

Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
90
Smoke rises from the southwestern part of Saigon on May 7, 1968 as residents stream across a bridge leaving the capital to escape heavy fighting between the Viet Cong and South Vietnamese soldiers. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
91
This is a general view of the first meeting between the United States delegation, left, and North Vietnam delegation on the Vietnam peace talks at the international conference hall in Paris, May 13, 1968. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
92
A supply helicopter comes in for a landing on a hilltop forming part of Fire Support Base 29, west of Dak To in South Vietnam's central highlands on June 3, 1968. Around the fire base are burnt out trees caused by heavy air strikes from fighting between North Vietnamese and American troops. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
93
A helicopter full of Marines heading out on patrol lifts off the airstrip at the Khe Sanh combat base on June 27, 1968 in Vietnam. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
94
U.S. 25th Infantry division troops check the entrance to a Vietcong tunnel complex they discovered on a sweep northwest of their division headquarters at Cu Chi on Sept. 7, 1968 in Vietnam. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
95
A South Vietnamese woman mourns over the body of her husband, found with 47 others in a mass grave near Hue, Vietnam in April of 1969. (AP Photo/Horst Faas, File)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
96
At a hilltop firebase west of Chu Lai in Vietnam, a huge army "Chinook" helicopter prepares to lift a conked-out smaller one to a base for repairs, April 27, 1969. The firebase was named LZ West and was manned by the troopers of the 196th Light Infantry Brigade forming part of the American Division. The smaller helicopter - a Huey UH-ID - had developed engine trouble so its crew chief called in the local aerial towing service. One sturdy nylon strap to the chopper's winch and the two were off. (AP Photo/Oliver Noonan)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
97
A small boy holds his younger brother and looks at the remains of what was once his village, Tha Son, South Vietnam, 45 miles Northwest of Saigon, Vietnam on June 15, 1969. He and his family fled the village when Viet Cong troops infiltrated. Counter-attacking allied troops used artillery and bombs to push the Viet Cong out. The allies had told the people to leave their homes before the barrage began. (AP Photo/Oliver Noonan)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
98
A medic lights a cigarette for Spec/5 Gary Davies of Scranton, Pa., awaiting evacuation by helicopter from Ben Het in South Vietnam where he was wounded, June 27, 1969. (AP Photo/Oliver Noonan)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
99
Banners of appreciation from the Vietnamese decorate the dock at Danang where a farewell ceremony was held by the Vietnamese Government for departing Marines of the 1st Battalion/9th Regiment, July 14, 1969. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
100
Some of the 300 troops of the 9th Infantry Division scheduled for departure from South Vietnam line up to board aircraft bound for Hawaii, August 27, 1969. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
101
Supporters of the Vietnam moratorium lie in the Sheep Meadow of New York's Central Park Nov. 14, 1969 as hundreds of black and white balloons float skyward. A spokesman for the moratorium committee said the black balloons represented Americans who died in Vietnam under the Nixon administration, and the white balloons symbolized the number of Americans who would die if the war continued. (AP Photo/J. Spencer Jones)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
102
Vietnamese soldiers of the 21st Recon Company rush to board waiting Huey choppers in the rice paddies near their forward command post in South Vietnam on Nov. 14, 1969. The men are to be transported into the interior of the U-Minh forest, the large marshy and swamp and forest area at the southern tip of Vietnam, long considered to be a VC strong-hold. For the previous month, an all Vietnamese operation called "Operation u-minh" had been attempting to drive the VC and NVA regulars from the area. It was the second such operation within the year. (AP Photo/Godfrey)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
103
Demonstrators show their sign of protest as ROTC cadets parade at Ohio State University in May of 1970 during a ceremony in Columbus, Ohio during the Vietnam War. (AP Photo)

Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
105
Photographer Larry Burrows, far left, struggles through elephant grass and the rotorwash of an American evacuation helicopter as he helps GIs to carry a wounded buddy on a stretcher from the jungle to the helicopter in Mimot, Cambodia, May 4, 1970. The evacuation was during the U.S. incursion into Cambodia during the Vietnam War. (AP Photo/Henri Huet)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
106
American flag-bearing construction workers, angered by Mayor John Lindsay's apparent anti-war sympathies, lead hundreds of New York City workers supporting U.S. war policy in Vietnam in a demonstration inside a barricaded area near Wall Street in lower Manhattan, May 12, 1970. More than 1,000 police were on the scene to prevent possible clashes with anti-war student demonstrators, who were among office workers along the barricades. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
107
With a helmet declaring "Peace," a soldier of the 1st Cavarly Division, 12th Cavalry, 2nd Battalion, relaxes June 24, 1970, before pulling out of Fire Support Base Speer, six miles inside the Cambodian border. The troops were returning to South Vietnam after operations against enemy sanctuaries in Cambodia. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
108
Vietnam veterans opposed to the war assemble on the steps of the Capitol in Washington, April 19, 1971, to protest the U.S. action in Indochina. Addressing the crowd is Rep. Bella Abzug (D-NY), wearing hat. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
109
John Kerry, 27-year-old former navy lieutenant who heads the Vietnam Veterans Against the War (VVAW), receives support from a gallery of peace demonstrators and tourists as he testifies before the Senate Foreign Relations Committee in Washington, D.C., April 22, 1971. (AP Photo/Henry Griffin)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
110
South Vietnamese troops move out on patrol from Firebase Fuller, a hilltop position four miles south of the demilitarized zone, Vietnam on July 20, 1971. (AP Photo/Jacques Tonnaire)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
111
A South Vietnamese Marine carries the dead body of a comrade killed on Route 1, about seven miles south of Quang Tri Sunday, April 30, 1972. Marines were fighting to reopen the road in order to break the North Vietnamese siege of the provincial capital. (AP Photo/Koichiro Morita)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
112
South Vietnamese forces follow after terrified children, including 9-year-old Kim Phuc, center, as they run down Route 1 near Trang Bang after an aerial napalm attack on suspected Viet Cong hiding places on June 8, 1972. A South Vietnamese plane accidentally dropped its flaming napalm on South Vietnamese troops and civilians. The terrified girl had ripped off her burning clothes while fleeing. The children from left to right are: Phan Thanh Tam, younger brother of Kim Phuc, who lost an eye, Phan Thanh Phouc, youngest brother of Kim Phuc, Kim Phuc, and Kim's cousins Ho Van Bon, and Ho Thi Ting. Behind them are soldiers of the Vietnam Army 25th Division. (AP Photo/Nick Ut)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
113
South Vietnamese parents, with their five children, ride along Highway 13, fleeing southwards from An Loc toward Saigon on June 19, 1972. (AP Photo/Nick Ut)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
114
Lightly-wounded civilians and troops attempt to push their way aboard a South Vietnamese evacuation helicopter hovering over a stretch of Highway 13 near An Loc in Vietnam on June 25, 1972. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
115
A line of South Vietnamese troops move along a devastated street in Quang Tri City as the battle continues for the provincial capital on July 28, 1972. Government forces were the midst of a campaign to retake the northern South Vietnamese city which was captured by enemy forces two months earlier. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
116
Then presidential adviser Dr. Henry Kissinger tells a White House news conference that "peace is at hand in Vietnam" on Oct. 26, 1972. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
117
Police in Da Nang cover the eyes of a woman who was an alleged member of a Viet Cong terrorist unit on Oct. 26, 1972. The woman was captured carrying 15 hand grenades, during the previous night's battle in Da Nang. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
118
The flag comes down at the U.S. Army base at Long Binn, 12 miles Northeast of Saigon, as the base is turned over to the South Vietnamese Army, Nov. 11, 1972. It was at one time the largest American base in Vietnam with a peak of 60,000 personnel in 1969. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
119
Unaware of incoming enemy round, a South Vietnamese photographer made this picture of a South Vietnamese trooper dug in at Hai Van, South of Hue, Nov. 20, 1972. The camera caught the subsequent explosion before the soldier had time to react. The incident occurred during one of many continuing small scale fire fights in South Vietnam, despite talk of a forthcoming ceasefire. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
120
President Nixon confers with Henry A. Kissinger in New York on Nov. 25, 1972, after the presidential adviser returned from a week of secret negotiations in Paris with North Vietnam's Le Duc Tho. Documents released Tuesday, Dec. 2, 2008, from the Nixon years shed new light on just how much the Nixon White House struggled with growing public unrest over the protracted war in Vietnam. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
121
An American POW talks though a barred doorport to fellow POWs at a detention camp in Hanoi in 1973. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
122
The four delegations sit at the table during the first signing ceremony of the agreement to end the Vietnam War at the Hotel Majestic in Paris, Jan. 27, 1973. Clockwise, from foreground, delegations of the Unites States, the Provisonal Revolutionary Government of South Vietnam, North Vietnam and South Vietnam. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
123
John S. McCain III is escorted by Lt. Cmdr. Jay Coupe Jr., public relations officer, March 14, 1973, to Hanoi's Gia Lam Airport after the POW was released. (AP Photo/Horst Faas)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
124
Released prisoner of war Lt. Col. Robert L. Stirm is greeted by his family at Travis Air Force Base in Fairfield, Calif., as he returns home from the Vietnam War, March 17, 1973. In the lead is Stirm's daughter Lorrie, 15, followed by son Robert, 14; daughter Cynthia, 11; wife Loretta and son Roger, 12. (AP Photo/Sal Veder)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
125
An iron door opens on a compound of the "Hanoi Hilton" prison, where the French once locked up political prisoners, shown March 18, 1973. When 33 Americans were freed from it days earlier, all the cells were empty for the first time in more than eight years. Journalists were allowed to visit the prison, located in downtown Hanoi days after it was emptied. (AP Photo/Horst Fass)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
126
A South Vietnamese soldier rests his eyes at a lonely outpost northeast of Kontum, 270 miles north of Saigon, March 25, 1974. The hill overlooks a vital North Vietnamese supply road and is located rear the scene of some of the bloodiest fighting in South Vietnam since the cease fire. The soldiers on the hill say the enemy is "all around them." (AP Photo/Nick Ut)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
127
Mrs. Evelyn Grubb, of Colonial Heights, Va., left, follows her husband Wilmers coffin at Arlington National Cemetery, Thursday, April 4, 1974, Washington, D.C. Col. Grubb's name was released by the Democratic Republic of Vietnam as one of the prisoners of war who died in captivity. Mrs. Grubb holds the hands of two of her sons, Roy, 7, right, and Stephen, 10. The rest of the group is unidentified. (AP Photo/Henry Burroughs)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
128
Riot police block path of hundreds of anti-government demonstrators who sought to parade from suburban Saigon to the city center on Thursday, Oct. 31, 1974. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
129
A woman villager holding a small rock yells at a South Vietnamese military policeman on Feb. 10, 1975 during a confrontation near Hoa Hao in the Western Mekong Delta in Vietnam. Villagers had erected barricades along the highway to protest a government order disbanding the private army of a Buddhist sect in the area. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
130
South Vietnamese troops fill every available space on a ship evacuating them from Thuan An beach, near Hue, to Da Nang as Communist troops advanced in March, 1975. (AP Photo/Cung)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
131
A refugee clutches her baby as a government helicopter gunship carries them away near Tuy Hoa, 235 miles northeast of Saigon on March 22, 1975. They were among thousands fleeing from Communist advances. (AP Photo/ Nick Ut)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
132
Hundreds of vehicles of all sorts fill an empty area as the refugees fleeing in the vehicles pause near Tuy Hoa in the central coastal region of South Vietnam, Saturday, March 23, 1975 following the evacuation of Banmethuout and other population centers in the highlands to the west. (AP Photo/Ut)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
133
Jubilation as a C-141 takes off from Hanoi on March 28, 1973 heading home. (GNS Photo by Historical Office, Office of the Secretary of Defense)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
134
A South Vietnamese father carries his son and a bag of household possessions as he leaves his village near Trang Bom on Route 1 northwest of Saigon April 23, 1975. The area was becoming politically and militarily unstable as communist forces advanced, just days before the fall of Saigon. (AP Photo/KY Mhan)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
135
South Vietnamese troopers and western TV newsmen run for cover as North Vietnamese mortar round explodes on Newport Bridge in the outskirts of Saigon on Monday, April 28, 1975. (AP Photo/Hoanh)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
136
A joint session of South Vietnam's National Assembly votes on Sunday, April 28, 1975 to ask President Tran Van Huong to turn over his office to Gen. Duong Van Minh. The assembly made a move in the 11th hour to attempt to negotiate a settlement with the Communist forces. (AP Photo/Errington)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
137
U.S. President Gerald Ford discusses the Vietnam evacuation of Americans by telephone with a senior aide while Mrs. Betty Ford looks on in the living quarters of the White House in a picture released by the White House, Tuesday, April 29, 1975 in Washington. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
138
Americans and Vietnamese run for a U.S. Marine helicopter in Saigon during the evacuation of the city, April 29, 1975. (AP Photo)
Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
139
U.S. Navy personnel aboard the USS Blue Ridge push a helicopter into the sea off the coast of Vietnam in order to make room for more evacuation flights from Saigon, Tuesday, April 29, 1975. The helicopter had carried Vietnamese fleeing Saigon as North Vietnamese forces closed in on the capital. (AP Photo/jt)

Captured: Vietnam and the 35th Anniversary of the Fall of Saigon
141
Evacuees mount a staircase to board an American helicopter near the American Embasy in Saigon. (Hube