Tuesday, October 12, 2010

Sông Mao - Phi Vụ Ngày 30 Tết


* Bài viết này để vinh danh Đại Tá Tỉnh Trưởng Ngô Tấn Nghĩa, một cấp lãnh đạo tài đức cuả Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã có công bình định, đem đến an ninh thịnh vuợng cho tỉnh Bình Thuận. Đại Tá Nghĩa cũng là một vị chỉ huy anh hùng chống trả quân xâm lược tại thành phố Phan Thiết với một lực lượng yếu kém gồm Nghĩa Quân và Địa Phương Quân cho tới những giây phút cuối cùng.

* Một nén hương lòng để tưởng nhớ đến Trung úy Lê Tấn Thành và tất cả nhân viên phi hành của biệt đội 259D đã mất tích trong một phi vụ liên lạc Phan Thiết - Bảo Lộc.
 
Chiều ba mươi Tết năm Quý Sửu, 1974 Ta về đây tìm ký ức thuở nào
Đã đánh đổi bằng muôn ngày lạc lối
Thân viễn xứ, nhìn tâm hồn nhức nhối
Thấy chính mình vật vã nỗi niềm riêng
Vừa về tới nhà thì trời vừa sập tối. Dựng chiếc xe Honda 90 trước sân, tôi xách túi bay nhẩy lên ba bậc cấp bước vào phòng khách. Bên trong đèn đuốc đang bật sáng choang, ba tôi đang đứng khấn vái trong phòng thờ kế bên, mùi nhan trầm tỏa hương bay thơm ngát, trên bàn Phật bày hai đĩa hoa quả đủ màu kế bên những chân đèn, lư hương, tượng Phật đã được chùi đồng bóng loáng. Ngay giữa phòng khách, chị tôi đang lúi húi bày biện thức ăn và bánh mức trên chiếc bàn phủ khăn trắng, ở giữa đặt một chậu hoa pha lê cắm những cành lay-ơn màu đỏ thắm. Ngay góc phòng gần đó, chưng một cành mai cắm trong bình sứ lớn, những cánh hoa vàng tươi khoe sắc thắm. Đứng lặng yên một giây ngay ngưỡng cửa, nhìn bức tranh êm đềm ấm cúng đang phơi bày trước mắt, tôi chợt có cảm tưởng như mình đang sống trở lại thời thơ ấu năm xưa. Một cảm giác sung sướng bỗng dâng lên ngập lòng!

-Em đi bay về à! Nhìn thấy tôi bước vào chị tôi hỏi

-Dạ!..Me đâu rồi chị?

-Chắc Me đang nấu ăn dưới bếp...Em!..tối ni em được ở nhà cúng giao thừa hay phải vô phi trường trực đêm?

-Tối nay em được ở nhà.

Nói xong tôi bước thẳng xuống nhà bếp. Me tôi đang đứng phụ bên cạnh chị giúp việc, xào nấu trên lò than đỏ rực.

-Con mới về à!

-Dạ,..Me!..Con có trái dưa hấu hái trên rẩy của mấy thằng Việt Cộng con đem về mình ăn Tết.

-Con nói cái chi?..Dưa hấu!?..Dưa hấu nhà mình có nhiều rồi,..ăn răng cho hết, con đem về làm chi.

Không trả lời, tôi kéo "fermeture" túi bay xách ra một con heo con co quắp, máu đen còn đọng đầy trên bộ lông màu nâu, để lên trên bàn bếp.

-Trời!..- Me tôi la lên, người co rúm - Con chi mà dễ sợ rứa?

-Heo sọc dưa!.. Me coi này,..mấy cái sọc trên lưng giống trái dưa hấu phải không Me?

-Con à,..Me đã nói hoài,..sống nghề nguy hiểm mà còn sát sanh không nên con à!.. Ba thì ăn chay niệm Phật, con kiến không đụng tới,.. mà con thì như rứa...Ba biết thì buồn lắm đó!

-Me dấu đi, đừng cho ba thấy. Còn chuyện sát sanh thì Me đừng lo, bọn Việt Cộng con giết hoài, giết thêm mấy thú nữa thì có sao đâu!..Sống chết có số cả Me à!

-Con đừng nói rứa,...giết Việt Cộng là bổn phận của con, răng mà con so sánh được...Con đừng làm như rứa nữa nghe! Thôi,..con lên nhà chuẩn bị ăn cơm.

Nghe Me tôi nói xong, tôi quay gót bước lên nhà trên, ra trước sân đứng hút thuốc. Ngoài đường một đám trẻ con hàng xóm đang tụ tập đốt pháo. Những sơi pháo giây cháy lóe sáng, văng tung tóe những đốm lửa trong bóng đêm . Một làn gió nhẹ thoảng qua phảng phất thơm mùi thuốc pháo. Đứng im trong bóng tối dưới dàn hoa giấy, điếu thuốc trên môi, nghe tiếng tụng kinh của Ba tôi vọng ra hòa cùng với tiếng nổ đì đùng đì đạch, tôi cảm thấy mình hạnh phúc và may mắn hơn boa nhiêu người trai cùng thế hệ, trong giây phút này đang ở nơi tiền đồn heo hút, hay đứng gác ngoài biên cương...

Từ khi Việt Cộng vi phạm lệnh ngưng bắn trong dịp Tết Mậu Thân, dân quân miền Nam đã học được một bài học đắt giá về sự tráo trở của bọn Cộng Sản, nên vào những ngày gần Tết tất cả mọi đơn vị của quân lực VNCH đều đề cao cảnh giác, canh phòng cẩn mật. Riêng Không Đoàn 62 Chiến Thuật đã chỉ định phi đoàn Thần Tượng mỗi ngày cắt một phi vụ tuần thám vòng đai phi trường trong giai đoạn ngưng bắn "da beo" sau khi hiệp định Paris được ký kết năm ngoái. Chợt nhớ đến phi vụ tuần thám chiều nay, tôi bật cười! Đang bay bình phi dọc theo bờ rừng, lòng thì nôn nóng mong về nhà đón giao thừa với gia đình, bỗng gặp một tiểu đội heo con chạy lạc bên bờ sông Đồng Bò. Đúng là buồn ngủ mà gặp chiếu manh!..Bầu không khí đang buồn tẻ chợt thay đổi hẳn, mấy anh lính phòng thủ bay theo tàu lần đầu tiên thấy thú rừng từ trên cao, la hét ầm ỉ. Nghĩ đến những con heo con này có lẽ là món quà Tết bất ngờ đáng kể cho người lính nghèo và gia đình của họ, tôi nghiêng tàu xuống thấp. Những khẩu súng "carbine", M-16 của mấy anh lính phòng thủ sau khoang tàu nổ rang như pháo Tết. Mấy con heo ngã lăn quay bên bờ cát. Thật là một niềm vui bất ngờ cuối năm! Khác hẳn một phi vụ khó quên cũng vào ngày ba mươi Tết vài năm trước đây, đã đeo đuổi ám ảnh tôi như một áng mây đen che khuất ánh mặt trời tươi sáng trong mấy ngày đầu Xuân. Tất cả đã trở về trong tâm trí tôi cùng với những năm tháng hành quân liên tục trên vùng đất gió cát tỉnh Bình Thuận, rõ ràng như một cuốn phim quay chậm...
Bình Thuận, vùng đất xôi đậu

Từ 1970 trở về trước, tình hình an ninh tại tỉnh Bình Thuận vô cùng nguy ngập. Trong giai đoạn Việt Minh - viết tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội - chống Pháp trong chín năm, từ năm 1946 đến khi hiệp định Geneve thành hình, tỉnh Bình Thuận là một cứ điểm mạnh của kháng chiến quân. Sau khi hiệp định được ký kết ngày 21 tháng 7 năm 1954 chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17, một số quân Việt Minh được để lại nằm vùng, một số rút về Bắc. Và số quân kháng chiến nằm vùng này bắt đầu hoạt động mạnh trở lại để chống lại Miền Nam Tự do khi đất nước bắt đầu chia đôi. Bọn Việt Cộng đã thành công trong việc biến nhiều nơi ở ngoại ô tỉnh Bình Thuận thành một vùng đất xôi đậu. Ngoài những thành phần mầm mống kháng chiến từ thời chống Pháp, rất nhiều người dân nghèo đói, sinh sống trên vùng đất cát thì nhiều, ruộng thì ít, ở vùng xa xôi bị Việt Cộng chiêu dụ, rủ rê, dọa dẫm lùa theo các đơn vị du kích địa phương nằm trong các chiến khu.

Nhiều làng xã bị Việt Cộng kiểm soát gần 90%. Có rất nhiều nơi ban ngày là của ta ban đêm thuộc về địch. Chúng hoành hành ám sát, tấn công đốt phá các trụ sở, gài mìn đặt bẫy, đặt trạm thâu thuế trên Quốc Lộ 1. Mọi sự di chuyển an toàn đều phải dựa trên đường biển hoặc đường hàng không. Việt Cộng hầu như đã thành công trong việc chia cắt miền Nam Tự Do ra làm hai phần.

Cuối năm 1969, Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa, nguyên là Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn II ở Pleiku, được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định chức vụ Tỉnh Trưởng tỉnh Bình Thuận để thay thế Đại Tá Trần Thiện Ngôn, qua sự đề nghị của Trung Tướng Lữ Lan Tý lệnh Quân Đoàn II.

Ðược giao phó cho một lãnh thổ rộng lớn, mất an ninh, địch quân xâm nhập trong mọi lãnh vực, không khác gì một khúc gỗ mục, mọt ăn tới xương tủy, ngay cả một vị Tỉnh Trưởng, một trong những vị Tỉnh Trưởng tiền nhiệm, Trung Tá Đinh Văn Đệ là một tên Việt Cộng nằm vùng, Đại Tá Nghĩa đã có một trọng trách vô cùng khó khăn và phức tạp.

Bình Thuận, thành phố là Phan Thiết, là một tỉnh ở cực nam và rộng lớn nhất nhì miền Trung, đứng hàng đầu về ngành ngư nghiệp cũng như kỹ nghệ chế biến hải sản. Đây cũng là một vùng đất được coi như là khô hạn nhất Việt Nam. Quận, xã, ấp nằm rời rạc cách khoảng. Nhiều động cát, đồi cát mênh mông xen kẽ là những đồi trọc, rừng thưa, không trồng trọt gì được ngoài dưa hấu, khoai mì hay dừa. Vì nằm trên mặt biển từ 100 đến 200 mét, nên không thể đào giếng được, bởi thế nước là một nhu yếu phẩm quý giá nhất cho những người dân sinh sống trong những vùng đất này. Người dân thường đùa cợt rằng: nhà gái vùng đất gió cát này đòi hỏi nhà trai trong việc sính lễ là "nước".




Từ khi nhậm chức, Đại Tá Nghĩa bắt đầu áp dụng chương trình "Bình Định Phát Triển", nhằm thanh lọc và tiêu diệt hạ tầng cơ sở Việt Cộng ở những vùng xôi đậu. Áp dụng chính sách "dân vi quý", nhờ tình báo nhân dân để triệt hạ tất cả những thành phần của địch đang bám sát vào dân. Và ngoài ra để tăng cường an ninh cho vùng ngoại ô, Đại Tá Nghĩa đã ra lệnh cho tất cả cấp trưởng ty sở, quận...phải ra vùng tiền đồn, xã ấp hẽo lánh, ngay cả Đại Tá Tỉnh Trưởng, để ngủ chung với binh lính với mục đích chấm dứt tình trạnh lính ma, lính kiển, và gia tăng tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Cộng thêm vào đó là kế hoạch xử dụng mìn Claymore tối đa để các đơn vị Địa Phương Quân phòng thủ hữu hiệu ban đêm, ngăn chận bọn du kích hay thân nhân đem đồ tiếp tế ra bưng. Tất cả chiến thuật áp dụng đã có một thành quả vô cùng tốt đẹp.

Một đặc điểm nhỏ, đáng đề cập về Đại Tá Nghĩa là ông có một người con trai tên Ngô Quang Lễ chưa tới hai mươi tuổi, rất lanh lợi và gan dạ, luôn luôn sát cánh bên ông như là một cánh tay mặt hay một cận vệ, thường xuyên làm tài xế lái ông đi đến những ấp xã xa xôi hẻo lánh. Chính trong một chuyến đi vào xã La Gàn, quận Tuy Phong, đoàn xe của Đại Tá Nghĩa đã bị phục kích. Nhờ sự nhanh nhẹn và can đảm của Lễ, cậu ta đã không nghe lời ngừng xe lại, đạp ga phóng chạy, thoát ra khỏi đoạn đường nguy hiểm. Nhờ thế tất cả thoát chết, mặc dù chiếc xe Jeep của Đại Tá Nghĩa đã trúng nhiều viên đạn bể kính xe.

Giử chức vụ Tỉnh Trưởng ở một phần đất xôi đậu mất an ninh, nằm ngay giữa trục lộ giao thông của miền Nam, Đại tá Nghĩa đã được ưu tiên không yểm của Sư Đoàn II Không Quân, Nha Trang. Phi đòan 215 Thần Tượng thường xuyên yểm trợ hành quân trực thăng vận cho Trung Đoàn 44, Sư đoàn 23 Bộ binh trú đóng tại Sông Mao, Phan Thiết.

Mỗi buổi chiều vào phi đoàn xem bảng phi lệnh thấy vỏn vẹn bốn chữ ghi trên bảng đen: " Hành Quân Sông Mao", là lòng tôi lại ngao ngán! Đó một quận lỵ nghèo nàn, co cụm vài trăm nóc gia, kế bên đường xe lửa xuyên Việt gần Quốc Lộ I, cách Phan Thiết hơn năm chục cây số đường chim bay hướng đông bắc. Sông Mao lấy tên từ tiếng Chàm, được chuyển âm thành Ma-Ó, nhưng sau một thời gian ở thời Pháp thuộc, dấu gạch ngang mất đi và được đọc thành chữ Mao.

Mỗi buổi sáng, khi sương mai còn đọng trên đầu ngọn cỏ, tám chiếc trực thăng cất cánh trực chỉ Sông Mao, chiều chiều lại lầm lũi nối đuôi nhau bay về. Ít khi trực thăng võ trang có một trận đụng độ nào đáng kể nào với Cộng Sản tại vùng này, ngoài năm việc bắn giết vài ba tên du kích lẻ tẻ. Mỗi buổi trưa, sau khi đổ quân xong, trở về đáp trên dãi đất đỏ, nhân viên phi hành đoàn leo lên hai chiếc xe chờ sẵn, theo con đường đất quanh co bụi mờ ra "phố" ăn cơm. Gọi là phố, nhưng thực sự chỉ là một con đường đất nằm dọc theo năm bảy chục căn nhà gạch, gỗ, lợp mái tôn san sát nhau. Quán ăn là một căn nhà nhỏ kê vài cái bàn gỗ, vài chục ghế nhựa rẻ tiền. Ngồi ăn dưới cái nóng cháy như thiêu đốt, mồ hôi nhỏ nhọt xuống đĩa cơm thập cẩm hay cơm sường và ly "cối" trà đá, nhìn ra con đường đất đỏ mỗi khi có một chiếc xe nhà binh chạy qua tung bụi mù là một hình ảnh quen thuộc đối với anh em phi hành đoàn Thần Tượng.

Sông Mao là nơi nghỉ chân của những người lính chiến xa nhà, nếu họ không muốn ra thăm khu Chợ Lầu sầm uất hơn ở gần đó vài cây số, gọi là Chợ Lớn Mới nằm trên QL-1. Ở đâu có binh lính là có những dịch vụ thương mãi đi theo chân, nhất là dịch vụ giải quyết sinh lý. Một câu thơ sặc mùi lính chiến sau đây đã nói lên ý nghĩa đó:

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
(Nguyễn Bắc Sơn)

Một buổi trưa hè nóng cháy da người, sau khi ăn cơm trưa xong, chờ xe đến rước về bãi đậu, tôi theo chân mấy người bạn đi "thăm dân cho biết sự tình". Chúng tôi đến thăm một nhà "thổ"ở gần đó. Đứng trước một căn nhà lụp xụp, tường đóng ván, mái tôn, một anh bạn sành sỏi nhất đám gõ cửa. Cánh cửa hé mở, một cô gái tóc xõa còn trẻ trong bộ đồ bà ba, có khuôn mặt tròn trỉnh thò đầu nhìn ra, thấy ba bốn anh phi công, súng ống đầy mình đang đứng chờ, em nghoẽn miệng cười tươi:

-" Mấy anh vào chơi!"

Bước vào trong, một mùi hôi thum thủm ngột ngạt khó thở đưa lên mũi. Trước mắt tôi là một căn phòng nhỏ nền xi măng đen loang lổ, kê một bộ xa lông nhỏ bọc ny lông rẻ tiền và một cái bàn nhỏ. Trên bàn để ấm trà và mấy cái ly nhựa. Ngay góc phòng để một cái quạt máy đang quay vù vù.

-"Mời mấy anh ngồi chơi,..uống nước. Có mấy cô mới về, để em đi kêu." Cô gái đon đả chào mời!

Ba bốn đứa tôi đứng yên, đưa mắt nhìn nhau tủm tỉm cười. Một anh bạn nhanh miệng:

-"Cám ơn cô, tụi tôi bữa nay chỉ ghé qua thăm cho biết,..để lần sau có nhiều thì giờ hơn."

Tôi nhìn xung quan sát. Ở phòng kế bên ngăn bằng một tấm màn hoa, kéo nửa chừng, bên trong bốn năm cái gường nhỏ phủ ra trắng đã ngả sang màu ngà nhàu nát, hiện ra trong tranh tối tranh sáng, đặt cách nhau chừng một thuớc, ngăn ra bằng những tấm màn bông hoa lòe loẹt. Trong bầu không khí im phăng phắc, tôi nghe tiếng cọt kẹt đều đặn phát ra từ bên kia một tấm màn kéo kín, đồng thời có tiếng xối nước rổn rảng vọng lên, có lẽ từ nhà bếp, hòa lẫn với tiếng nói chuyện thì thầm từ một góc phòng. Một người lính bộ binh bất ngờ vén màn buớc ra, khuôn mặt đỏ ửng, lấm tấm mồ hôi. Anh đi ngang mặt tôi không hề nhìn, nét mặt rất nghiêm trọng như đã "giải quyết" xong một vấn đề gì rất là "khẩn cấp". Một niềm cảm thông, thương cho những người lính chiến gian khổ, băng rừng lội suối. Nhớ những lúc leo lên tàu cất cánh trở về lại căn cứ từ những tiền đồn heo hút, tôi thường bắt gặp những ánh mắt xa vắng nhìn chúng tôi uớt ao, thèm muốn. Thành phố là những cái gì xa vời, một thế giới ngoài tầm tay với. Ngày ra mặt trận, tối về thành phố gần bên những người thân yêu là một điều mơ ước đối với họ.

Tòa tỉnh Phan Thiết, mỗi ngày đều được biệt phái riêng một chiếc trực thăng đậu ngay trước sân tỉnh đường do phi đoàn Thần Tượng cung cấp và sau đó được thay thế bằng phi đội 259D tại Phan Rang, một phi đội thành lập đầu năm 1973 bởi những hoa tiêu xuất thân từ phi đoàn 215 Thần Tượng.

Một biến cố đau thương đã xảy đến cho biệt đội 259D biệt phái cho tiểu khu Bình Thuận và từ đó liên tiếp đưa đến hai biến cố khác. Vào một buổi chiều, phi đội nhận được lệnh đi Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Trung úy Lê Tấn Thành biệt đội trưởng, tự là Thành "Lọ" ngồi ghế trưởng phi cơ, và hoa tiêu phụ là Thiếu úy Đặng Trung Hòa. Ngồi sau tàu có Thiếu úy Nguyễn Văn Tiến và người em ruột đi theo chơi, cọng thêm bốn mê vô xạ thủ. Ngoài ra tàu còn chở thêm Đại úy Quang, sĩ quan ALO (Air Force Admissions Liaison Officer) cho tòa tỉnh, Thiếu tá Việt chỉ huy trưởng của Hải Quân Phan Thiết và một Thiếu tá Pháo Binh. Chiếc trực thăng cất cánh vào khoảng sáu giờ chiều, khi trời bắt đầu chạng vạng tối. Ðường chim bay từ Phan Thiết đến Bảo Lộc khoảng bảy mươi lăm cây số, chưa tới nửa giờ bay bình phi của U-H1. Tuy đây là một lộ trình ngắn nhưng phải bay qua một vùng rừng núi hiễm trở, thường xuyên mây mù, nhất là vào những tháng mùa mưa. Quyết định bay trong hòan cảnh này có thể gọi là một quyết định liều lĩnh, nếu không gọi là sai lầm, nhất là với khả năng bay đêm của những hoa tiêu trực thăng đa số còn thiếu sót hay yếu kém.

Sau hai mươi phút bay, tổng đài nhận đuợc báo cáo trên tần số vị trí của Trung úy Thành "lọ", và đó là tin tức cuối cùng nhận được của chiếc trực thăng bất hạnh này. Trung úy Lê Tấn Thành cũng như Trung úy Phạm Thành Rinh, là hai hoa tiêu xuất thân từ phi đội trực thăng võ trang Mãnh Hổ, phi đoàn Thần Tượng, cũng là hai người bạn thân đã từng trú ngụ tại căn nhà của Ba Me tôi và chung chia với tôi rất nhiều kỷ niệm. Sự biến mất của Thành cũng như cái chết của Rinh, người đã hy sinh trong mặt trận "Mùa hè đỏ lửa", là một sự mất mát lớn lao cho cá nhân tôi cũng như cho gia đình Thần Tượng và phi đội 259D.

Tin chiếc trực thăng biệt phái cho Đại Tá Nghĩa tại Phan Thiết bị mất tích đã làm sôi động cả Sư Đoàn II Không Quân cũng như tòa tỉnh Phan Thiết. Ngay sau đó KĐ/62CT tức thì chỉ thị phi đoàn 215 Thần Tượng cùng với phi đội 259D tại Phan Rang mỗi ngay bay đi tìm chiếc tàu mất tích. Theo như sự ước tính, chiếc trực thăng của Trung úy Thành đã bay được tối thiểu là hai phần ba đoạn đường, và khu vực tìm kiếm sẽ ở phạm vi gần thành phố Bảo Lộc. Theo thông lệ, cuộc tìm kiếm này sẽ kéo dài một tuần lễ và nếu không có kết quả chiếc phi cơ lâm nạn sẽ được chính thức ghi vào hồ sơ coi như là mất tích.

Hai biến cố tiếp theo đã xảy ra mấy ngày sau đó.

Trong một phi vụ bay cho tiểu khu Tuyên Đức, Trung úy Nguyễn Hồng Huỳnh, tự là Huỳnh "râu", một phi công tải quân nòng cốt của Thần Tượng và hoa tiêu phụ, Thiếu úy Vàng Huy Lăng, cất cánh từ Bảo Lộc trở về Đà Lạt. Khi bay qua một khu rừng rậm rạp, Huỳnh "râu" tình cờ thấy một khoảng nhỏ cháy đen nằm giữa rừng cây xanh, dưới chân một suờn núi. Hy vọng đó là dấu vết của chiếc tàu mất tích, anh hạ cao độ xuống thấp để quan sát. Vừa xuống tới khoảng hai trăm bộ, thình lình một tràng súng AK nổ vang! Ngồi bên phải Thiếu úy Lăng lãnh đúng một viên đạn độc nhất, anh giật nẩy lên như chạm phải luồng điện cao thế, ngã nhào về phía trước đè lên cần lái (cyclic) trước ghế bay. Chiếc trực thăng chao đảo. Bên ghế trái, Trung úy Huỳnh đang cầm cần lái, anh vật lộn với con tàu cố lấy lại quân bình. Đằng sau, Thượng sĩ Cẩn, một xạ thủ lão làng cũng là tay súng đại liên M-60 thiện nghệ của phi đoàn, nhanh như cắt, phóng lên "cockpit" kéo người của Thiếu úy Lăng dựa ngửa vào lưng ghế bay, đồng thời tay "locked seatbelt", không cho thân hình bất động của Lăng ngã về phía trước. Ngồi quẹo đầu, đôi mắt nhắm ghiền, một dòng máu đỏ tươi từ miệng chảy xuống ướt đẫm ngực áo bay. Một viên đạn AK-47 đã đi qua cửa cockpit, chui qua kẻ hở của nách áo giáp của Lăng đi vào buồng phổi anh. Sau hai mươi phút bay dài đăng đẳng tàu đáp xuống một quân y viện tại Đà Lạt, Lăng được đem vào phòng cấp cứu. Sau một cuộc giải phẩu dài, Thiếu úy Lăng đã chiến thắng tử thần, và anh đã bình phục vài tháng sau đó. Cũng như một số hoa tiêu khác trong những phi vụ liên lạc, Thiếu úy Lăng đã không kéo tấm thép chắn đạn gắn bên hông ghế bay về phiá truớc để chặn viên đạn đã suýt làm anh mất mạng, và anh đã phải trả một giá quá đắt sau đó: giã từ nghiệp bay vì không còn đủ điều kiện sức khoẽ.

Vì vận tốc chậm và thường bay ở cao độ thấp, tất cả ghế của phi công trên trực thăng UH-1 tại chiến trường Việt Nam đều được bọc thép để chống lại mảnh sắt hay đạn của súng nhỏ. Ngoài ra một loại áo giáp cá nhân đặc biệt đã được chế tạo cho phi hành đoàn trực thăng vào năm 1968, lính Mỹ thường gọi là "Chicken Plate". Đó là hai tấm hợp chất ceramic dày ba phân, mặt trước và sau bọc trong hai túi may thành áo, nặng 18 cân Anh (1lb = 0.454 kg). Khi bận chỉ cần tròng vào đầu, gài chặt là xong. Thường thường, hoa tiêu trực thăng chỉ xử dụng tấm che trước ngực cho nhẹ, phần sau đã có lưng ghế cản đạn.



Tr/s xạ thủ Hội, phi đội Mãnh Hổ, Thần Tượng trong áo giáp "chicken plate"
Một biến cố thứ hai đã xảy ra cho phi đoàn Thần Tượng vài ngày sau. Hôm đó, Trung úy Nguyễn Văn Bảy cùng hoa tiêu phụ, Thiếu úy Lê Văn Thạch thuộc phi đội võ trang của phi đoàn 215 cùng với chiếc tàu của Trung úy Trần Văn Nghiêu, biệt đội 259D ở Phan Rang, được chỉ định trong phi vụ tìm kiếm chiếc trực thăng mất tích. Sau một buổi sáng bay vòng vo, xuôi ngược lục lọi hướng đông nam của Bảo Lộc, dọc theo sông La Ngà gần hồ Đa Mi, một hồ nằm trên cao độ gần 1900 feet thuộc quận Hàm Thuận, Trung úy Bảy thấy tàu đã gần cạn xăng, quyết định về đáp Phan Thiết đổ xăng và ăn cơm trưa. Tình cờ nhìn thấy một trảng cỏ tranh bên dưới vây quanh bởi rừng cây thấp có dấu chân người vạch cỏ đi ngang, Bảy gọi chiếc số hai của Trung úy Nghiêu đang bay theo sau chừng một phút bay:

-"Nghiêu!..tao xuống thấp xem,.. hình như có dấu chân người."

Không đợi Nghiêu trả lời, Bảy hạ cao độ cho tàu bay trên đầu bìa rừng cây bao quanh trảng cỏ, hy vọng tìm được dấu vết nào của phi hành đoàn mất tích. Khi chiếc trực thăng vừa xuống thấp cở một trăm bộ, anh thấy khói bốc lên bên kia bìa rừng cây và cùng lúc với tiếng la thất thanh trên "intercom" của Trung sĩ xạ thủ Mười đang ngồi sau sàn tàu:

-" Ah!..chết,.. chết tui!.."

Đúng ngay lúc đó Trung úy Bảy cảm thấy bắp chân bên phải anh mát lạnh như bị cắt bởi những vật sắt bén, đồng thời có tiếng hú inh ỏi trong "intercom" báo hiệu cho biết vòng quay cánh quạt đã giảm dưới mức an toàn (low RPM audio alarm), Bảy chỉ còn đủ thời giờ để la trên tần số:

-" Nghiêu!...tao rớt rồi..!"

Vừa la anh vừa cố lài con tàu huớng về bãi cỏ trống truớc mặt. Ở cao độ quá thấp, chiếc trực thăng rơi xuống ngay trên đầu tàng cây rậm rạp. Ngồi trên ghế bay Trung uý Bảy gồng mình chịu trận khi cánh quạt khổng lồ quay gần saú ngàn vòng một phút chém vào rừng cây. Người choáng váng sau khi qua một cú "shock" mạnh, chân phải bị ghim đầy miễng sắt vụn do viên đạn xuyên qua thành tàu, anh lấy hết tàn lực đạp tung cửa nhảy xuống đất. Nghe có tiếng động cơ của chiếc trực thăng bay ngang qua đầu, Trung úy Bảy lộn ngược áo "jacket" màu vàng da cam ra ngoài đưa lên cao vẫy tay cầu cứu. Tại bãi cỏ trống, chiếc trực thăng của Trung uý Nghiêu đã đậu chờ sẵn. Bảy phóng lên sàn tàu cửa mở toang, miệng la lớn:

-"Tụi nó bên kia bià rừng...coi chừng!"

-"Sao có mình mày à,..Bảy!..Mấy thằng kia đâu rồi?" Nghiêu ngồi trên ghế bay quay đầu về phía sau hét lớn.

-"Tao không biết,.. cây cối che tùm lum, mày lên coi tụi nó bị gì không?"

Nghiêu nhấc tàu rời bãi cỏ, bay cao trên đầu chiếc trực thăng bị nạn đang nằm lọt giữa những tàn cây lá xum xuê. Mọi người ló đầu ra nhin xuống, hy vọng thấy hình bóng của phi hành đoàn còn lại. Tất cả im lìm, ngoại trừ đám khói đen từ buồng máy động cõ bán phản lực đang âm ỉ vươn lên trên mặt lùm cây. Tiếng động cơ ầm ỉ cùng tiếng cánh quạt phành phạch của chiếc trực thăng không một vũ khí để tự vệ*, vang vọng khắp vùng đồi núi yên tỉnh. Hình ảnh những khẩu súng AK lấp ló, rình rập đâu đó hiện rõ trên nét mặt căng thẳng của tất cả mọi người trên tàu. Sau vài phút bay lơ lửng trên không dài như bất tận, Trung uý Nghiêu lên tiếng:

-"Thôi dọt!..tàu gần hết xăng rồi!..Mình về chở lính bộ binh tới làm an nình bãi đáp cho chắc ăn."

Một tiếng đồng hồ sau, chiếc trực thăng trở lại với một tiểu đội lính địa phương. Phi hành đoàn ba người và một xạ thủ quá giang theo tàu được bốc về Bảo Lộc. Thiếu úy Thạch và Trung sĩ mê vô Sáu đã hồi tỉnh sau khi bị ngất đi vì chấn động mạnh, chỉ bị xây xát nhẹ. Trung sĩ mê vô Viên Văn Sự quá giang theo tàu của Trung úy Bảy từ Bảo Lộc về lại đơn vị đã bị thương do một viên đạn xuyên qua ngực. Riêng viên xạ thủ, Trung sĩ Mười, bị sụn xương sống, được đưa về Quân Y Viện Nha Trang cứu cấp. Tại nhà thương, bác sĩ cho biết xạ thủ Mười sẽ bị bán thân bất toại. Vài ngày sau, Trung sĩ Mười đã cắt mạch máu tự sát chết. Cái chết của Mười là một tin sét đánh ngang tai và đã làm cho tất cả nhân viên phi đoàn 215 Thần Tượng bàng hoàng thương tiếc. Nhiều giả thuyết, cũng như tin đồn về cái chết của Trung sĩ Mười, trong đó có đề cập tới sự hất hủi và lạnh nhạt của người bạn gái của anh sau khi cô ấy biết tin về tình trạng của người yêu (?).

Sau hơn hai tuần lễ tìm kiếm ráo riết, chiếc phi cơ của Trung úy Thành "lọ" vẫn biệt vô âm tín. Tất cả biệt đội của phi đội 259D tại Phan Thiết coi như là đã mất tích vĩnh viễn.

Hai trường hợp phi hành đoàn đi tìm chiếc phi cơ bị bắn đều xảy ra trong giai đoạn ngưng bắn "da beo", sau khi hiệp định Paris đã được ký kết đã nói lên sự vi phạm trắng trợn của bọn Cộng Sản khốn kiếp, xảo trá. Câu nói trứ danh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã từng được nhắc nhở nhiều lần về bản chất của bọn Cộng Sản: "Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm", quả không sai!
Sông Mao, ngày ba mươi Tết Tân Hợi, 1972 Khác hẳn mọi ngày, trong khi Nha Thành đang rộn rịp chuẩn bị đón Giao Thừa, hợp đoàn tám chiếc trực thăng của phi đoàn 215, Thần Tượng cất cánh ra đi lúc còn tờ mờ sáng, trực chỉ Sông Mao nắng cháy da người. Dẫn đầu hợp đoàn là Đại úy Lê Hữu Đức và hai trực thăng võ trang Mãnh Hổ cùng năm chiếc chở quân, trợ lực cho chương trình "Bình định phát triển - Xây dựng nông thôn" của Tỉnh Trưởng Phan Thiết, Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa.

Tới mười giờ sáng, hợp đoàn năm chiếc đã đổ một đợt quân đầu, đang trên đường trở về Sông Mao lấy thêm quân. Chiếc trực thăng chỉ huy "Charlie" (C and C = Command and Control) của Đại úy Đức chở bộ chỉ huy hành quân của Sư Đoàn 23 Bộ binh, đang lượn vòng trên cao độ để điều động quân bên dưới. Trong thời gian chờ đợi, nhiệm vụ của tôi là bay lục soát những vùng phụ cận của bãi đáp, tìm kiếm những dấu vết khả nghi của địch, bảo vệ cho hợp đoàn trực thăng và cho toán quân đang ở dưới đất.

Trên ghế bay tôi nhìn xuống vùng đất cỏ cháy mọc những bụi cây thấp chạy lùi vùn vụt sát dưới bụng tàu. Mặt trời nóng như thiêu đốt rọi vào phòng lái. Cái áo giáp nặng chình chịch ép sát vào lồng ngực, thêm vào đó chiếc áo bay "nomex" (fire retardant fly suit) dán sát vào làn da nhớp nháp mồ hôi cho tôi một cảm giác rít rát khó chịu. Bên trái tôi, Thiếu úy Thạch "nhí" đang ngồi im lặng nhìn xuống dưới. Bay theo sau một khoảng khá xa, Trung úy Bùi Hữu Sơn, tự là Sơn "mực", đang chúi mũi phóng theo.

Vùng đất trải rộng dưới chân tôi là một mật khu Việt Cộng lấy tên của một đảng viên Cộng Sản quốc tế: Lê Hồng Phong. Đối với người dân tỉnh Bình Thuận, không ai xa lạ mật khu này, thường được biết tên là Khu Lê, một hậu cứ thường trực của hai tiểu đoàn 480, 482 và Trung đoàn chính quy 812 của Bắc Việt. Mật khu này nằm hướng đông-bắc Phan Thiết, từ Quốc Lộ I ngay núi Tà Dôn chạy ra tới mũi Né, nơi đây là địa điểm CSBV dùng để tiếp tế vũ khí cho Việt Cộng chống lại chính quyền miền Nam. Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn với các bí danh như, Hải An, Litvinov.., sinh năm 1902 tại Hưng Thông, tỉnh Nghệ An. Theo học trường Sĩ Quan Hòang Phố của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, và sau đó theo chân HCM gia nhập đảng Cộng Sản Quốc Tế do Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sõn lập ra tại Quảng Châu. Về sau Lê Hồng Phong được HCM nhường Nguyễn Thị Minh Khai, một nữ đảng viên đầu tiên của đảng Cộng Sản Quốc Tế, cũng là chị ruột của vợ lớn Võ Nguyên Giáp tên là Nguyễn Thị Quang Thái, để lấy làm vợ. Nguyễn Thị Minh Khai bị Pháp bắt và xử bắn ngày 28 tháng 8 năm 1941 tại Hóc Môn. Đầu năm 1940, Lê Hồng Phong về Việt Nam hoạt động. Một thời gian sau Lê Hồng Phong bị mật thám Pháp bắt tại Phan Thiết, đày ra Côn Đảo và chết tại đó năm 1942. Chính HCM đã chỉ điểm cho mật thám của Pháp bắt Lê Hồng Phong với mục đích tiêu diệt hết đám trung ương đảng Cộng Sản tại Nam kỳ, để đảng bộ miền bắc nắm trọn quyền lãnh đạo.



Lê Hồng Phong với vợ là Nguyễn Thị Minh Khai, hai tên Cộng Sản
Quốc Tế, bị HCM âm mưu chỉ điểm mật thám Pháp bắt tại Phan Thiết.


Bay sát trên đầu vùng rừng núi cao nguyên trùng điệp, tôi thường gặp nhiều ruộng rẫy tươi tốt mới khai phá nằm tận nơi thâm sâu cùng cốc, những luống cày mới toanh phơi màu đất đỏ, những chiếc cầu treo bắc ngang con suối cạn hay những căn nhà tranh ẩn núp dưới những tàng cây rậm rạp, trước sân phơi ngũ cốc, lúa gạo...Nhưng tuyệt nhiên, tôi chưa bao giờ bắt gặp bóng dáng của một tên du kích nào, cho dù hình ảnh sống động đó đã nói lên một sự hiện hửu không chối cãi được của chúng. Tiếng động ầm ỉ của chiếc trực thăng chậm chạp vang vọng từ xa đã báo động cho đám du kích hậu cần cao bay xa chạy, hay trốn chui nhủi ở một hầm hố hay một bụi rậm nào đó. Ngoại trừ một lần, vô tình chúng đã để quên chiếc máy cày màu đỏ* ngay giữa đồng trống, gần những luống cày và đã bị tôi oanh kích làm cho hơn mười mấy tên chui dưới đụn rơm gần đó banh xác. Nhưng trái lại, ở vùng đất khô khan nắng hạn Bình Thuận này, ngay cả mật khu Lê Hồng Phong, một nơi nổi tiếng Việt Cộng dùng làm sao huyệt, ít khi tôi phát hiện được sự sinh hoạt hay canh tác khai khẩn nào của chúng, ngoài những miếng ruộng rẫy nhỏ hiếm hoi trồng khoai mì, hay dưa hấu.

Sau một thời gian bay vòng vo trên một vùng đất đầy bụi cây thấp, khô cằn xen kẽ những đụn cát trơ trụi, tìm kiếm lục lọi không có một dấu hiệu nào khả nghi, định vòng tàu trở lại, bỗng có tiếng la của người xạ thủ ngồi phía sau tàu làm tôi giật thót người:

-"Dưa hấu!..dưa hấu!..rẩy dưa hấu!."

-"Dưa hấu chớ cái gì mà la toáng lên vậy!..mẹ,..tao thấy rồi!" Tôi bực mình nói với anh mê vô.

Không xa hướng hai giờ của tôi là một đám rẫy vuông vức, rào bằng những cây khô đan chéo nhau nằm chơ vơ giữa một vùng đất mọc những bụi cây nhỏ rời rạc. Những trái dưa tròn trịa nằm trên đám lá xanh mọc dọc trên những luống đất thẳng hàng trông rất hấp dẩn.

-"Hổ hai!..đây Hổ một gọi!" Chiếc Hổ hai đang nhấp nhô trên những đụn cát đằng sau đuôi.

-"Hổ hai nghe!"

-Hai 'cover' trên cao nghe,..Hổ một đáp xuống 'dzớt' vài trái dưa ăn cho đở khát!"

Anh mê vô đang ngồi êm ru phía sau tàu nghe tôi nói hốt hoảng:

-"Trời!..ông đáp không sợ tụi nó gài mìn à!.."

-"Mìn đâu mà rảnh quá vậy..Làm sao mấy thằng du kích biết trước tao sẽ 'ghé thăm' để chuẩn bị 'đón tiếp'.. Tụi mày hái chừng bốn trái thôi,...làm lẹ lên!.. hợp đoàn sắp trở lại rồi đó."

Tôi vừa nói, vừa để hai càng tàu xuống ngay giữa hai luống cày. Cát bụi cùng cỏ lá tung bay mù mịt.

-"Hổ một nhớ lựa trái to cho Hổ hai nghe!..Ha...ha...ha..." Sơn cuời lớn trên tần số FM của Mãnh Hổ.

Ngay trên đầu, chiếc trực thăng của Sơn "mực" vừa bay vù ngang, hai khẩu súng sáu nòng chỉa ra ngoài cùng với hai bó hỏa tiễn bên hông trông dữ dằn như con mãnh hổ, tôi yên chí ngồi chờ. Dưới rẩy dưa, hai anh mê vô xạ thủ, hai tay ôm hai trái dưa hấu tròn như trái banh bóng chuyền đang lom khom chạy trở lại tàu trong đám bụi mù. Nhìn anh mê vô người nhỏ con, đội cái nón bay quá khổ lại bận thêm cái áo giáp "chicken-plate" nặng nề, bị vấp té bên luống cày, hai trái dưa rơi xuống đất lăn lông lốc, tôi không nín được cười! Thấy Thạch đang ngồi bên ghế trái, nét mặt lộ vẻ căng thẳng. Biết Thạch chưa quen vùng, tôi trấn an:

-"Ðừng lo Thạch!..vùng này trông trải, mấy thằng du kích thấy mình trốn chui trốn nhủi,..không dám làm gì đâu!"

Nhìn mấy trái dưa nằm trên sàn với hai anh mê vô xạ thủ cỏ lá dính đầy trên mặt đỏ gay đã an vị trên hai thùng đạn, tôi kéo vội cần cao độ, đẩy cần lái, chiếc trực thăng võ trang nặng nề cắm đầu chổng mông nhớm mình rời mặt đất, để lại phía sau một đám bụi mịt mù và một rẫy dưa mất đi bốn trái.

-"Mãnh Hổ, đây Charlie!" Tiếng của Đại úy Lê Hửu Đức vang trên tần số.

-"Nói đi!..Hổ nghe!"

-"Hợp đoàn sắp đến,..Hổ chuẩn bị!"

Hai chiếc trực thăng võ trang nối đuôi nhau bay về bãi đáp. Chợt nghĩ đến mấy thằng du kích đang chui rúc đâu đó, không dằn được lòng, tôi kéo ngược cần lái đạp "pedal", con tàu chổng ngược đầu bốc lên cao quay 180 độ trở lại, cánh quạt đập vào không khí kêu phần phật, rung chuyển. Chờ rẫy dưa lọt vào hồng tâm máy nhắm (gunsight), tôi bấm nút, trái "rocket" xé gió rít lên, lao vút đi như một mũi tên lửa.



-"Oành!.." Tiếng nổ ầm tung cao đất cát hòa lẩn với cây lá.

-"Mẹ,..cho chúng mày hết dưa cúng Tết ông bà luôn!" Tôi nói trên tần số.

-"Ha...ha...ha...!" Sơn "mực" đang bám theo sau cười lớn, rồi chêm vào:

-"Tụi nó làm cái đếch gì có ông bà mà cúng!..cúng già Hồ thì có!..ha...ha...ha..."

Tiếng cười của Sơn dòn dã trên tần số. Từ ngày Trung úy Sơn chinh phục được trái tim của một người đẹp có đôi mắt to, lông mi dài, ngồi "cashier" tại quán nước "Liz", sau mấy ngàn giờ...chầu rìa "biểu diễn" một bộ mặt "si mê khờ dại" trước mặt nàng, đời chàng lên hương thấy rõ. Người tầm vóc không lấy gì là cao ráo, nhưng Sơn có nụ cười "duyên dáng" luôn nở trên khuôn mặt ngăm đen "mặn mà", để lộ hàm răng trắng tinh đều đặn. Mỗi buổi chiều đi bay về, chàng hối hả ký vào sổ bay xong là leo lên xe phóng như bay đến thăm người đẹp ở tận mãi bên Hòn Chồng, để tận "hưởng" thành quả sau bao nhiêu công sức đã bỏ ra. Cũng nên đề cập tới quán Liz, một nơi lịch sự, trang nhã rất nhiều người biết đến tại Nha thành. Đây là chốn hò hẹn của trai thanh gái lịch, củng là nơi những chàng phi công "đi mây về gió" ghé nghỉ chân sau những giờ vẫy vùng trên vòm trời cao. Chủ nhân quán Liz là Trung tá Tôn Thất Lăng, xuất thân từ Trường Võ Bị Đà Lạt, Chỉ huy trưởng Liên đoàn Khóa sinh Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang, một nguời đã có công lao hun đúc, đào luyện hàng ngàn sinh viên SQKQ, những phi công tương lai của đất nước, trong giai đoạn căn bản quân sự.

Một sự kiện nho nhỏ đã xảy ra mà tôi tình cờ là chứng nhân, đã nói lên một phần nào cá tánh con nguời của vị Chỉ Huy Truởng này. Một đêm nọ tôi được Hải Quân Đề Đốc Châu tự Châu "cao bồi"*, một vị Chỉ Huy Truởng chịu chơi của Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang kêu đi nhảy đầm tại phòng trà Baccara nằm ngay trên đường Biệt Thự, dẫn vào cổng Long Vân của TTHL/KQ Nha Trang. Đang ngồi uống rượu với mấy cô bạn gái trong tiếng đàn tiếng nhạc xập xình dưới ánh đèn mầu chớp nháy, thì trên sàn nhảy có chuyện lộn xộn xãy ra. Một viên Đại úy Bộ Binh trong quân phục có vẻ hơi quá chén, nhảy nhót vung vít, vô tình đạp chân của Trung Tá Lăng, đang bận thuờng phục. Không những không xin lổi, mà vị Đại úy này còn lớn tiếng la lối. Sau vài lời qua lại, vị Đại uý quá chén này thách thức Trung Tá Lăng ra ngoài. Không nói một lời, Trung Tá Lăng theo gót vị Đại úy Bộ Binh rời sàn nhảy. Ngay cái bàn kế tôi ngồi, ba nguời trong quân phục bộ binh bỗng xô ghế đứng dậy đi ra cửa. Đã là "không quân không bỏ anh em, không bỏ bạn bè", tôi không có sự chọn lựa nào khác hơn là theo chân mấy anh lính vừa đi ra. Vén màn bước ra ngòai, truớc mắt tôi ngay sân trải sỏi, một "mặt trận" đã dàn ra sắp sửa bùng nổ. Một bên là vị Đại uý mặt mày đỏ gay với ba anh lính đứng sau lưng, đối đầu là Trung tá Lăng đang đứng chống nạnh một mình. Tôi vừa bước xuống ba bậc cấp thì thấy Trung tá Lăng đưa tay chỉ mặt đối thủ, nói lớn gần như hét: "Cở như mày tao trói hay tay, chỉ cần hai chân không cũng đủ xài rồi!". Vừa nghe xong, tôi hết hồn muốn lộn trở lui vô trong!.. sợ lỡ Trung tá Lăng nhờ tôi...chạy đi kiếm giây để trói tay trong giờ phút khuya khoắc này thì quá mất vui. May thay!..hai anh Quân Cảnh Hải Quân của Đề Đốc Châu "cao bồi" đang đậu xe ngoài đuờng nghe lộn xộn chạy vào can thiệp kịp. Thế là cuộc chiến sắp sửa bùng nổ bị ngưng ngang xương. Hú hồn! Tôi mừng thầm trong bụng vội vàng quay trở lại bên trong tiếp tục cuộc vui bị gián đoạn, tuy nhiên trong lòng vẫn thắc mắc không hiểu Trung tá Lăng, một người tầm thước "rất" trung bình, không biết dựa vào chỗ nào mà lại dám thách thức đối thủ có một lực lượng "hùng hậu" hơn nhiều. Về sau này biết vị Chỉ Huy Trưởng này là một người "võ nghệ rất cao cường" (đai đen Vovinam), tôi mới vỡ lẽ!

-"Hai Hổ đâu rồi?..Hợp đoàn còn vài phút nửa đáp, nghe không Hổ?"

Trên bầu trời trong xanh, chiếc Charlie nhỏ như một chấm đen đang bay vòng tròn trên cao. Dưới thấp năm chiếc trực thăng nối đuôi nhau giảm cao độ chuẩn bị đáp, trong khoang tàu chở đầy những người lính ngồi chân thỏng ra ngoài trong tư thế sẵn sàng.





-"Mãnh Hổ!..Sau khi hợp đoàn thả quân đợt này xong, hai Hổ ở lại bao vùng lục soát chờ 'Charlie' về Sông Mao đổ xăng ăn cơm trưa luôn!"

Cho hai chiếc "guns" vòng lại, chờ cho hợp đoàn đổ quân xong cất cánh rời bãi đáp, tôi bắt đầu nới rộng vùng hoạt động về hướng nam. Trước mũi tàu, một con suối đang uốn lượn giữa vùng đất cỏ cháy, cây cối mọc xanh um hai bên bờ. Khi tàu băng qua con suối cạn, tôi nghiêng đầu nhìn xuống dưới. Bất chợt, giữa khoảng trống của những tàng cây, tôi bắt gặp lóang thoáng vài bóng người đang chạy vụt ngang lòng suối. Tim tôi thót lại!..chưa kịp phản ứng thì con suối xanh đã biến mất về phía sau đuôi tàu như chớp mắt! Có lẽ đây là những tên du kích bất ngờ đương đầu với cuộc hành quân trực thăng vận, chạy xuống ẩn náu dưới suối. Tôi nghĩ thầm: "Tụi mày hết đường chạy rồi!"

Không cho biết chúng đã bị phát giác, tôi giữa nguyên hướng bay. Quay đầu trở lại lúc này là một hành động thiếu khôn ngoan, nếu không gọi là nguy hiểm. Khi bị đưa vào đường cùng, cho dù ở thế yếu địch thường bắn trả để tự vệ. Bay ở địa thế trống trải, chiếc trực thăng ầm ỉ, chậm chạp ở cao độ thấp là một mục tiêu dễ dàng cho những loại súng AK-47, có tầm sát hại từ một ngàn feet đến bốn ngàn năm trăm feet (Killing range: 1,500 m - Effective range: 300 m), cũng đủ làm phương hại đến phi hành đoàn hay con tàu. Một người bạn thân tôi, Trung úy Nguyễn Đình Toản đã tử thương vì một viên đạn AK-47 độc nhất bắn xuyên qua nón bay khi đang thả toán ở mật khu An Lão, Bình Định.

Sau đuôi tàu, chiếc Hổ hai vừa băng qua ngang con suối.

-"Hổ hai!..Bạn có thấy mấy thằng chạy dưới suối không?" Tôi hỏi.

-" Không!..Băng qua nhanh quá,..không thấy kịp...Quẹo lại làm thịt tụi nó đi..., Hổ một còn chờ gì nửa!" Sơn trả lời.

-"Không được!..chờ chút đi,...để 'check' với Charlie đã!.."

-"Charlie đây Hổ một gọi!.."

-"Charlie nghe...nói đi!"

-"Tôi phát giác có người chạy giữa lòng suối cách bãi đáp khoảng năm cây số, hướng hai giờ của trục đáp."

-"Hổ lập lại!.." Tiếng của Đại úy Đức rè trên tần số.

-"Có người di chuyển dưới suối, cách bãi đáp khoảng năm cây số, hướng hai giờ của trục đáp, 'Charlie' cho chỉ thị!"

-"Có phải con suối hướng nam bãi đáp không?"

-"Đúng năm!.."

-"Hổ chờ...để tôi 'check' với thẩm quyền."

Cho tàu bay song song với con suối một khoảng khá xa, tôi cố ghi nhận vị trí hai tàng cây cao bên bờ suối nơi chiếc trực thăng vừa băng qua.

-"Mãnh Hổ đây Charlie!"

-"Hổ một nghe!"

-"Negative!..Hổ một nghe rõ không? Negative!..Thẩm quyền cho biết không có quân bạn ở vị trí bạn báo cáo. Tự do tác xạ! Hổ nghe rõ...trả lời! Tôi sẽ đến gặp bạn."

Tiếng của Đại úy Đức vừa dứt lời, nhịp đập tim tôi tăng vọt!

-"OK!..Negative!..Tự do tác xạ... Hổ một nghe năm!"

-"Hổ hai đây Hổ một!..Bạn nghe không?..Bay 'cover' cho tôi nghe không Sơn?"

Thông báo cho Hổ hai xong, tôi cho tàu bay thật xa về hướng tây của mục tiêu để tránh sự nghi ngờ của địch, rồi vòng lại trên đầu nguồn suối. Cho tàu lướt nhanh, tôi uốn lượn theo con suối trên đầu đọt cây, mắt dán vào máy nhắm hỏa tiễn. Chờ cho hai tàn cây lọt vào hồng tâm, tôi bấm nút. Hai trái hỏa tiễn đầu tiên rít lên rời dàn phóng đâm đầu xuống con suối cạn.

-"Òanh! Oành!" Hai tiếng nổ ầm vang vọng, khói đen bốc lên từ lòng suối.

Thạch đang ngồi yên như pho tượng bỗng nhảy nhổm trên ghế bay:

-"Có người!..có người chạy!.." Thạch vừa la vừa đưa tay chỉ về hướng một giờ trước mặt.

Cách đám khói đen đang lơ lững trên đầu đọt cây, sáu bảy bóng người bận áo màu xanh cứt ngựa từ bờ suối chạy vụt ra ngoài đồng. Không một giây suy nghĩ, tôi đẩy con tàu về phía trước, miệng hét:

-"Mini-gun!..mini-gun!"

Tay đang để trên nút điều khiển vũ khí (armament control knob), Thạch tức khắc đổi qua vị trí súng. Người xạ thủ đứng hẳn người lên chỉa mũi súng xuống dưới bóp còn. Khẩu "mini-gun" quay tít, gầm lên như bò rống!

-"Whoo...whoo..."

Tiếng rú khủng khiếp của khẩu súng sáu nòng nổ sát bên lổ tai, nghe đinh tai nhức óc. Hàng trăm viên đạn lửa tuôn ra xối xả xuống đầu đám người đang chạy theo hàng ngang giữa bãi cỏ vàng cháy. Thần kinh tôi kích thích, căn thẳng đến tột độ. Bỗng dưng, đám người đang chạy nằm rạp xuống đất, đưa tay lên trời vẫy rối rít!..Mắt nổ đôm đốm! Linh cảm một điều gì bất ổn!.. tay buông cần cao độ, tôi chụp vội nút vũ khí ngay giữa hai ghế bay vặn qua vị thế "off". Khẩu sáu nòng đang quay tít mòng đứng khựng lại!..Tiếng bò rống tắt ngúm. Một cụm khói màu đỏ bất chợt nở bung trên bãi cỏ vàng. Cụm khói từ từ vươn lên cao rồi tỏa rộng bay theo chiều gió. Trước một cảnh tượng quá bất ngờ xảy ra trước mắt, người tôi choáng váng. Giải pháp tốt đẹp nhất lúc này là rời vùng, tôi vội vã nghiêng tàu, quay mũi về hướng biển trực chỉ. Trên trời cao chiếc "Charlie" đang trên đường bay đến.

-"Charlie! đây Mãnh Hổ gọi!.."

-"Nghe Hổ!..nói đi!"

Tai còn lùng bùng vì tràng súng "mini-gun" vừa rống sát bên tai, tôi hét lớn trên tần số:

-"Charlie!..Có người thả trái khói đỏ nơi tôi vừa đánh!..Yêu cầu 'check' lại tọa độ!..Charlie nghe rõ trả lời!"

-"Cái gì?.. Khói đỏ? ".

-"Đúng năm!..Có người thả trái khói trên tọa độ...Nghe rõ trả lời!"

-"Hổ chờ,.."

Tôi cho tàu lên cao. Trước mũi tàu, mặt biển lấp lánh, gợn sóng lăn tăn.

-"Hổ một!..Hổ một!.. Ngưng tác xạ tức khắc!..Ngừng tác xạ tức khắc!.. nghe rõ không? Hổ một!..thẩm quyền cho biết vị trí bạn vừa tác xạ có quân bạn!..Ngưng tác xạ! "

Đã quá trể! Đầu óc xây xẫm, tôi lạc giọng trên tần số:

-"Charlie!?..tôi đã bắn lầm quân bạn?..đúng không Charlie?..Nghe rõ trả lời!.."

-"Đúng năm, bạn đã tác xạ vào toán viễn thám!..Hổ!..Thẩm quyền cho biết...toán tiền sát tiến quân quá nhanh,..chưa kịp bao cáo vị trí !..Hổ 'hold' chờ chỉ thị,..nghe rõ không Hổ một!..

-"OK!..Tôi bay ra biển chờ."

Nói xong, tôi giao cần lái cho Thạch, ra dấu cho tàu bay vòng tròn trên mặt biển rồi ngả người vào lưng ghế móc thuốc ra châm lửa đốt, đầu óc quay cuồng những tư tuởng hỗn độn. Từ khi viên đạn đầu tiên ra khỏi nòng đến khi khẩu súng ngừng quay chỉ trong vòng ba bốn giây đồng hồ. Nhưng với khả năng khạc ra bốn năm ngàn viên đạn một phút, ba bốn giây ngắn ngủi đó cũng đủ tai hại chết người. Nghĩ đến đó, điếu thuốc ngậm trên môi run rẩy.

Gió biển trên cao lộng vào khoang tàu mát lạnh. Tiếng nổ động cơ hòa với tiếng cánh quạt đập vào không khi kêu phầng phật. Tôi ngồi im lặng trên ghế, mở mắt vô hồn nhìn xuống dưới chân. Mặt biển chói chan, óng ánh bạc như một tấm gương khổng lồ trên đại dương mênh mông bát ngát. Xa trước mũi tàu, Phan Rí cửa đang nằm im lìm sát bờ cát vàng, những căn nhà mái đỏ, mái tôn chen chúc, chấp chóa dưới ánh mặt trời bên cửa sông Lũy mở rộng. Hàng trăm chiếc ghe, chiếc thuyền con con neo san sát bên nhau dọc theo hai bên bờ.




Phan Rí Cửa, Phan Thiết

Những hình ảnh vừa xảy ra bên bờ suối bỗng trở lại trong đầu tôi, rõ mồn một! Khi toán viễn thám đang ở trong lòng suối, nghe tiếng hỏa tiễn nổ quá gần, họ chạy ra ngoài đồng trống cho phi cơ biết là đây là quân bạn, không ngờ sự việc diễn tiến quá nhanh, họ đã trở thành nạn nhân của sự ngộ nhận, lầm lẩn chết người này. Đại úy Lê Hữu Đức là một hoa tiêu kinh nghiệm của Thần Tượng, luôn luôn quan tâm đến sự an toàn của hợp đoàn. Người cao ráo, khỏe mạnh, có đôi vai rộng, trên khuôn mặt chữ điền lúc nào cũng sẵn sàng nở nụ cười tươi. Bản chất ôn hòa được anh em thương mến. Trong giây phút này, tôi hiểu rõ sự lầm lẫn đáng tiếc này là hoàn toàn dưới trách nhiệm của người chỉ huy hành quân Bộ binh đang ngồi trên chiếc "Charlie".

Bắn chậm thì chết! Tiên hạ thủ vi cường! Đó là điều mà tôi luôn tâm niệm ngay từ khi bước lên chiếc trực thăng võ trang để đương đầu mặt trận du kích chiến. Chiến tranh trực thăng vận được Hoa Kỳ đem vào chiến trường rừng rú Việt Nam là một thí điểm để thực nghiệm một chiến lược mới. Khác hẳn ngành "fixed- wing" (phi cõ có cánh), "pilots" của Không quân Hoa Kỳ đã lấy kinh nghiệm từ Thế Chiến Thứ Nhất, những huấn luyện viên trực thăng Mỹ ở trường bay tuyển những phi công trở về từ Việt Nam sau khoảng một năm phục vụ, với một mớ kinh nghiệm ít ỏi không quá một ngàn giờ bay. Khóa sinh đã học được gì của họ trên chiến trưòng, ngoài chuyện lèo lái điều khiển chiếc trực thăng? Bay một con tàu chậm chạp, ồn ào, hỏa lực yếu là những khuyết điểm lớn của chiếc trực thăng võ trang. Để hoạt động hửu hiệu và sống còn, người hoa tiêu trực thăng phải luôn đề cao cảnh giác, thận trọng cũng như uyển chuyển theo tình thế tại mặt trận, nhất là khi chiến trường càng ngày càng ác liệt, vũ khi địch quân càng ngày càng tối tân hơn.
.
Tôi còn nhớ rõ trong giai đoạn "mùa hè đỏ lửa", một phi vụ bay yểm trợ cho một nguời bạn thân, Trung úy Huỳnh "râu", đổ toán biệt kích sát bên đường mòn HCM. Hai chiếc "guns" theo thông lệ, bay theo sát chiếc chở toán biệt kích đến tận bãi đáp. Sau khi thả quân xong, chiếc "slick" (danh từ dùng để chỉ tàu chở quân) của Huỳnh trống rỗng, "thăng thiên" nhanh như diều gặp gió, để lại sau lưng không phải hai con Mãnh Hổ mà hai con "vịt đẹt", nặng nề, ì ạch lên cao độ giữa những cụm khói đen treo lơ lững giữa trời xanh do những viên đạn bắn lên từ những khẩu phòng không đặt dọc theo đường mòn HCM. Ngồi chết cứng trên ghế bay mà tôi có cảm tưởng như mình là một tử tội đang ngồi trên ghế điện chờ bị bấm nút. Từ đó, những phi vụ thả toán sâu vào lòng địch, nếu tình trạng quá "hot" thì chiếc "Charlie" ở trên cao điều khiển, hướng dẫn chiếc chở quân bay sát trên đầu rừng cây từ vùng an toàn vào tận bãi đáp, trong khi hai chiếc "gunships" ở trên cao độ theo dõi và sẵn sàng nhào xuống tiếp cứu nếu cần thiết.

-"Ăn dưa hấu không anh? Ngọt lắm!" Thạch đang cầm múi dưa đỏ đưa lên miệng, hỏi tôi.

-"Cám ơn, Thạch ăn đi!"

Nhìn mấy miếng dưa hấu đỏ tươi nằm trên sàn tàu, tôi liên tưởng đến gia đình của những người lính viễn thám đi theo bước chân quân hành rồi lập nghiệp sinh sống, đang chờ đợi người thân yêu trong ba ngày Tết này. Ray rức trong lòng, tôi nôn nóng bấm nút gọi Đại úy Đức:

-"Charlie! Hổ một gọi!"

-"Nói đi Hổ!.."

-"Charlie cho biết tình trạng thiệt hại của toán tiền sát!?"

-"Chưa rõ tình trạng...sẽ cho tàu đến bốc họ. Hai Hổ về đáp Sông Mao đổ xăng, ăn cơm trưa. Có thể phi vụ ngày hôm nay là xong rồi, Hổ có thể về trước."

Tôi ra dấu cho Thạch Sông Mao trực chỉ. Bên dưới mặt biển xanh biếc lóng lánh ánh mặt trời, những con sóng lăn tăn vô tri vô giác đang nô đùa rượt đuổi vào bờ cát vàng...

Sông Mao, Mùng 6 Tết

Cho tàu bay dọc theo ven biển, Phan Rí cửa bên bờ sông Lũy đang trải dài dưới chân. Nghiêng cần lái, tôi theo con Quốc Lộ I về hướng Phan Thiết. Sau lưng tôi, Trung úy Phạm Chí Thành đang bay chiếc trực thăng võ trang số hai theo sát. Chỉ hơn vài phút bay phi trường dã chiến Sông Mao hiện ra trước mũi tàu. Sáu chiếc trực thăng của phi đoàn 215 Thần Tượng đậu theo hàng dọc, cạnh bên dãi đất đỏ, cánh quạt chưa cột còn buông lững lờ. Mấy chiếc xe nhà binh đang nối đuôi nhau chạy trên đường đất dẫn vào bãi đậu, để lại sau lưng đám bụi mờ mịt. Lính bộ binh đã có mặt, ngồi từng nhóm nhỏ dọ theo hông tàu, chờ trực thăng vận vào mật khu Lê.

Hạ cao độ, tôi cho tàu đáp kế bên hợp đoàn. Sau lưng chiếc Hổ hai vừa hạ càng, bụi mù cỏ rác tung bay lên đầu những người lính khốn khổ đang ngồi gần đó. Làm thủ tục tắt máy tàu xong, tôi móc nón bay lên sau lưng ghế rồi mở cửa bước xuống đất. Đứng vươn vai, làm vài cử động cho giãn gân cốt một lúc, tôi bước đến bên chiếc Hổ hai vừa tắt máy, cánh quạt còn quay chậm chậm chưa ngưng hẳn, nhìn lên Thành "râu" đang ngồi trên ghế bay, chân gát lên cánh cửa mở, miệng phì phèo điếu thuốc.

-"Sao mày?!..ra Tết có gì phát tài chưa Thành?"

Thành nhe răng cười đưa hàm răng trắng bóng dưới bộ râu rậm cắt tỉa kỹ càng.

-"Phát tài cái đếch gì!..đánh đâu thua đó!..Đen như cái mõm chó!"

Chợt có tiếng nói chuyện sau lưng. Tôi quay lại thấy sáu bảy người lính đầu đội nón sắt, lưng mang ba lô vừa bước đến gần, bu quanh khẩu "mini-gun" chỉ chỏ, bàn tán.

-"Đ. m.!..Tuần trước chiếc này 'bén' tụi mình đó!.."

Câu nói vô tình vừa lọt vào tai, tôi giật thót người!

-"Đúng là chiếc này chứ còn gì nữa!..Chính nó,.. tao thấy con voi trước mũi mà!"

Thành "râu" trợn mắt nhìn tôi, tỏ vẽ ngạc nhiên. Đưa tay lên miệng ra dấu cho Thành im lặng, tôi quay người đưa lưng về phía mấy anh lính, móc điếu thuốc ra hút, tai lắng nghe. Trong tiếng quay máy ầm ỉ của chiếc "Charlie" đang chuẩn bị cất cánh, tôi nghe loáng thoáng tiếng đuợc tiếng mất:

-"...nhờ tao thả kịp trái khói...đ.m..."

Tim tôi như muốn ngưng đập, tôi rít dài hơi thuốc cố giữ bình tĩnh.

Một giọng nói khác chen vào:

-"...bi đông nước... bị lủng mấy lỗ...đ.m,..tao đái trong quần..."

-"...thằng B....với thằng...bị què giò..."

-"Đ.m!..may mà tụi nó bắn quá dở... đ. có đứa nào chết cả!"

Nghe tới đó tôi nháy mắt nhìn Thành đưa tay ra dấu chào, rồi lặng lẽ cất bước, rời xa những tiếng nói lao xao. Hình ảnh những người lính viễn thám nằm rạp dưới lằn đạn của khẩu súng sáu nòng bất chợt sống lại trong tôi. Bước đi trên bãi cỏ úa vàng, tôi đưa điếu thuốc lên môi, cố nén cơn xúc cảm đang dâng trào. Những chiếc trực thăng trước mắt tôi bỗng nhòe hẳn đi. Tôi thì thầm :
"Đúng vậy!..may mà tụi nó bắn quá dở...đ. có đứa nào chết cả!" Lời Kết: Trong một cuộc chiến, nhất là một cuộc chiến tranh kéo dài, sự thương vong ngoài mặt trận do hỏa lực của chính quân bạn gây ra do sự lầm lẫn hay ngộ nhận là một điều không thể tránh được. Quân đội Hoa Kỳ có từ ngữ "friendly fire" để chỉ rõ sự thương vong trong trường hợp này. (Friendly fire is inadvertent firing towards one's own or otherwise friendly forces while attempting to engage enemy forces, particularly where this results in injury or death). "Friendly fire" không ám chi cho bất cứ sự thiệt mạng hay bị thương nào do sự bất cẩn, cố ý hay tai nạn gây ra từ quân bạn.




Nguyên nhân của "friendly fire" thuờng vì những yếu tố chính sau đây:

-Lầm lẫn vị vị trí hay tọa độ (Errors of position): Vô tình tác xạ vào quân bạn khi hai lực lượng đối nghịch quá gần nhau. Một thí dụ điễn hình đã xảy ra vào ngày 11.03.1975 tại mặt trận Ban Mê Thuột: khi hơn 10 chiến xa của Cộng Sản Bắc Việt bao vây Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh tại phi trường Phụng Dựt, tiến đến gần hầm chỉ huy. Vị Tư Lệnh Chiến Trường chấp nhận nguy hiểm, yêu cầu Không Quân đánh bom thẳng vào những chiếc xa của địch. Ba chiến xa T-54 đã bị bốc cháy, nhưng hai trái bom khác rơi trúng hầm chỉ huy và truyền tin của Đại Tá Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23 BB. Tất cả mọi liên lạc với Tư Lệnh chiến trường và Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột bị cắt đứt từ đó.*

-Ngộ nhận mục tiêu ( Error of identification): Thường thường trường hợp này hay xảy ra trong những trận đánh mà những mũi dùi tiến quân quá nhanh, cọng thêm sự thiếu phối hợp của bộ chỉ huy hành quân với những đơn vị tiền sát. Phi vụ ngày 30 Tết tại Sông Mao là một thí dụ điển hình. Ngoài ra trong những trận chiến phối hợp bởi nhiều quốc gia khác nhau cũng sẽ đưa đến tình trạng ngộ nhận dễ dàng. Thời tiết và địa thế cũng đóng góp rất nhiều cho thực trạng tai hại này. Một trường hợp "friendly fire" đã gây ra nhiều tiếng vang, xảy ra trong một trận chiến khốc liệt giữa quân đội Mỹ và VNCH đụng độ Cộng Sản Bắc Việt tại ngọn đồi 937 (Hill 937), được gọi là "Trận Đồi Thịt Bằm" (Battle of Hamburger Hill), và Holliwood đã quay thành phim. Vào ngày 11 tháng 5 năm 1969, khi một tiểu đoàn Hoa Kỳ bao vây ngọn đồi A-Bia giữa thung lũng A-Lưới, tỉnh Thừa Thiên, gần biên giới Lào, Trung Tá Weldon Honeycutt chỉ huy mặt trận đã điều khiển trực thăng võ trang yểm trợ xung kích. Trực thăng võ trang đã bắn hỏa tiễn vào bộ chỉ huy đóng giữa ngọn đồi vì đã tưởng lầm là quân địch đã làm hai người lính thiệt mạng, ba lăm người bị thương kể cả Trung Tá Honeycutt. Hậu quả đã làm bộ chỉ huy phải triệt thoái xuống chân ngọn đồi.

Một trường hợp khác, sự tổn thương nhân mạng cao hơn nhiều: Một chiến đấu cơ F4-Fhantom của Hoa Kỳ đã thả một trái bom 500 cân Anh vào Bộ chỉ huy tiểu đoàn dù Hoa Kỳ (2nd Battalion 503d, 173d Airborne Brigade) trong khi yểm trợ chống lại một lực lượng đông đảo của CSBV. Kết quả: 45 lính dù bị chết và 45 bị thương.

Trên đây chỉ là một vài trường hợp điển hình, còn bao nhiêu trường hợp khác đã không được nhắc nhở đến trong một cuộc chiến kéo dài gần hai mươi năm. Trách nhiệm trong tai nạn "friendly fire" thường đặt nặng trên cấp chỉ huy, nhưng đôi khi lên vai những người trực tiếp gây ra tai nạn.

Không yểm là một yếu tố tối quan trọng đóng góp trên chiến trường Việt Nam. Hành động vội vã hay sai lầm của phi công có thể đưa đến một hậu quả tai hại vô lường về phương diện vật chất cũng như tâm lý và có thể làm ảnh hưởng tới sự thành bại của chiến trận. Bởi thế, người phi công, nhất là phi công khu trục, với một hỏa lực đáng kể trong tay, đòi hỏi phải có một tinh thần trách nhiệm cao độ, cũng như một sự khôn ngoan sáng suốt và thận trọng khi xử dụng hỏa lực. Cũng nên đề cập đến phi công quan sát, một đơn vị đã có công lao rất lớn trên chiến trường nhưng ít được nhắc nhở đến hoặc vinh danh đúng mức. Họ là những người hùng cô độc trên chiến trường, là những cặp mắt trên trời cao, luôn luôn soi mói tìm tòi những dấu vết của quân địch. Nhiệm vụ chính của phi công quan sát là hướng dẩn những khu trục cơ xạ kích mục tiêu và cũng như điều chỉnh tọa độ cho pháo binh. Sự hiện diện của "em Lan-19", một từ ngữ thường dùng để chỉ phi cơ L-19, trên vùng trời hỏa tuyến là gạch nối giữa những đơn vị đang hành quân và bộ chỉ huy không yểm hậu cứ, và nâng cao tinh thần cho những người lính bên dưới. Họ cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa thương vong ngoài mặt trận do sự ngộ nhận hay lầm lẫn.

Qua quá trình của cuộc chiến chống lại bọn Cộng Sản xâm lược, cho dù một đôi khi có những lầm lẫn không thể nào tránh khỏi trong một cuộc chiến quy mô lâu dài, phi công của QL/VNCH đã làm rạng danh quân chủng Không Quân với lòng can đảm và những thành tích đã đạt được trên những chiến trường dậy sóng...
Hết





*Xin đọc bài "Chiếc Máy Cày Màu Đỏ"
*Xin đọc bài Ngày Tàn Cuộc Chiến III: Vĩnh Biệt Nha Trang
*Theo như Hiệp định Paris đã được ký kết, trong giai đoạn ngưng bắn "da beo", phi cơ không còn được trang bị vũ khí trong mọi phi vụ.
*"Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên" của Phạm Huấn.


Thành thật cám ơn sự đóng góp chi tiết trong bài viết này của những hoa tiêu thuộc phi đoàn 215 Thần Tượng: Trung úy Nguyễn Văn Bảy, Trung úy Trần Văn Nghiêu, Đại úy Nguyễn Hồng Huỳnh và Thiếu úy Nguyễn Thế Tòng.

No comments: